Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 29/10/2011 17:23'(GMT+7)

Chân thật, đa dạng, kịp thời

“Chân thật, đa dạng, kịp thời phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là tiêu chí cơ bản và lâu dài cho truyền thông đại chúng Việt Nam, đã ghi trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Trên cơ sở tổng kết công tác truyền thông trong thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung và phát triển nội dung mà Cương lĩnh 1991 đã nêu về sự “đa dạng, nhiều chiều, kịp thời, chân thật, bổ ích” của báo chí Việt Nam.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI nêu chức năng của báo chí là thông tin, giáo dục, tổ chức, phản biện “vì lợi ích của nhân dân và đất nước” cũng nhằm hướng tới thực hiện các tiêu chí mà Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ ra với báo chí. Tìm hiểu để hiểu rõ nội dung quan trọng nêu trên là vấn đề rất lớn trong việc hoạch định chính sách, cũng như định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí và người làm báo nước nhà.

Tìm đến và thông tin sự thật là nội dung quan trọng hàng đầu với cơ quan báo chí. Nhiều nhà báo đã phải vượt qua khó khăn, nguy hiểm để tìm đến sự thật đáp ứng yêu cầu và quyền được thông tin sự thật của nhân dân. Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến việc tiếp cận và thông tin sự thật của báo chí cách mạng, không “che dấu”, “thổi phồng”, “bóp méo” như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên khuyên bảo các nhà báo, vì sự thật luôn luôn đồng hành cùng chính nghĩa, cùng lẽ phải... Đảng ta luôn hướng dẫn báo chí tôn trọng sự thật khách quan nhưng đều nhấn mạnh tính chân thật trong thông tin... Vậy sự thật khác gì với chân thật? Theo Từ điển tiếng Việt, thì sự thật là “cái có thật”, “có xảy ra” chứ không phải là phỏng đoán. Còn chân thật có hai nghĩa: một là “phản ánh đúng bản chất hiện thực khách quan” vì “cái có thật” có thể nhìn thấy, nghe thấy, nhưng có khi lại ẩn dấu bên trong những bản chất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau; hai là: thái độ “thật thà, không dối trá, lòng dạ thế nào thì thể hiện ra như thế”. Như vậy, tôi nghĩ, sự “chân thật” mà Đảng yêu cầu trong thông tin là phải thông tin, phân tích tới bản chất của sự thật với tấm lòng chân thành, trung thực với nhân dân và đất nước của người cầm bút, gõ máy.

Đảng ta từ trước đến sau đều mong hoạt động báo chí phản ánh đúng như thực tiễn đang diễn ra sôi động, phong phú. Hồ Chủ tịch đã phê phán báo chí “dập khuôn”, đọc chán ngắt. Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội VI mở đầu thời kỳ đổi mới đã phê phán báo chí “một chiều”. Thực tiễn cuộc sống rất đa dạng, do đó phản ánh thực tế khách quan cuộc sống là phải phản ánh đa dạng, nhiều chiều. Trong xã hội dân chủ có nhiều ý kiến khác nhau cho nên phản ánh dư luận, tâm lý, tư tưởng không thể phản ánh một chiều. Báo chí có điều kiện phát triển đa dạng vì mỗi tờ báo có tôn chỉ, mục đích, có đối tượng bạn đọc, do đó thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ đúng đối tượng sẽ có nền báo chí đa dạng; mỗi người làm báo cùng chung mục đích nhưng lại có phong cách riêng, tôn trọng phong cách của các nhà báo, chúng ta sẽ có những tác phẩm báo chí đa dạng về đề tài và phong cách. Do đó, sự đa dạng của hoạt động báo chí là thực tế khách quan, là điều mong muốn của người làm báo cũng như bạn đọc. Tuy nhiên, báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng, dư luận, trong khi đó chỉ có sự thống nhất tư tưởng mới có sức mạnh trong hành động. Chính vì vậy, tôi hiểu rằng, nền báo chí chúng ta cần phát triển phong phú nhưng tạo sự “thống nhất trong đa dạng”. Cùng chung mục đích cao cả là vì nhân dân, vì đất nước là điều kiện cơ bản để báo chí phản ánh đa dạng, nhiều chiều nhưng tạo ra sự đồng thuận xã hội. Không vì đa dạng mà làm phân tâm, chia rẽ làm yếu sức mạnh quốc gia trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt.

Trong việc chỉ đạo báo chí, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc thông tin, bình luận kịp thời, coi đó là tiêu chí quan trọng để báo chí đạt hiệu quả xã hội cao. Chậm trễ, không kịp thời sẽ bị động trong đấu tranh tư tưởng. Báo chí nước nào cũng quan tâm chuyện thông tin nhanh. Chúng ta đều biết “Nhanh” và “Mới” luôn luôn là tiêu chuẩn hàng đầu của thông tin, rồi cũng đã từng tranh luận giữa “Nhanh” và “Đúng”, nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu là “Đúng” nhưng không vì thế lại chậm chạp, bị động. Khi nói về tốc độ, chúng ta nhấn mạnh sự “Kịp thời”. Thông tin kịp thời là phải nhanh để khỏi bị động trong cuộc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của một số cá nhân, một số thế lực nhưng phải đúng, không vì nhanh mà thông tin, bình luận vội vàng dẫn tới thiếu sót, sơ hở làm mất đi sự tin cậy. Tôi hiểu sự “kịp thời” trong thông tin thì không chỉ nhanh mà quan trọng là phải đúng và đúng lúc để có hiệu quả xã hội cao... Phát hiện kịp thời các nhân tố mới, phát hiện kịp thời các sai sót không để ngày một nghiêm trọng... giải quyết kịp thời các bức xúc không để xảy ra rối loạn xã hội, phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc... Đấu tranh chính trị là hoạt động rất phức tạp, nhiều khi rất tế nhị cần có sự phối hợp nhịp nhàng các bộ phận trong đó có báo chí.

Tìm hiểu nội dung Văn kiện Đại hội Đảng về công tác truyền thông đại chúng là vấn đề rất lớn, đồng thời trong hoạt động thực tiễn theo phương hướng đó lại không đơn giản, cho nên mỗi nội dung trong ba nội dung nêu ở trên đều nên có các cuộc thảo luận để cùng nhau hiểu sâu sắc nội dung tư tưởng của Đảng vận dụng trong thực tiễn đổi mới./.

Hữu Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất