Việc phát huy dân chủ phải luôn gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương;
kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp lợi
dụng dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh trật
tự, làm tổn hại lợi ích của Nhà nước, tập thể và nhân dân.
Tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS), do Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDCCS tổ chức ngày 16/7, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc, sát tình hình thực tế, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDCCS - một vấn đề rất quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng và thực hiện tốt QCDCCS được xác định là một khâu quan trọng và
cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, tạo sự đồng
thuận trong xã hội, đóng góp tích cực vào thực hiện đường lối của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, Nhà
nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Điều này ở nước ta ngày càng cần
thiết, cấp thiết, tuy nhiên trong tổ chức thực hiện, nhất thiết phải
quán triệt quan điểm chỉ đạo: Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân
phải đặt trong tổng thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân
dân làm chủ"; phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện đi đôi với thực hiện
tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện mở rộng dân chủ thực
chất, hiệu quả ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các
lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân…
Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân rất quan tâm và bày
tỏ sự đồng tình với ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực
hiện QCDCCS: “Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn
liền với trách nhiệm; lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh
lệnh, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi
phạm pháp luật…”.
Thực tế thời gian qua, một bộ phận nhân dân chưa phát huy hết trách
nhiệm trong thực hiện quyền dân chủ, quyền công dân, còn thờ ơ, vô cảm,
ngại va chạm, góp phần làm cho những cái xấu, mặt xấu nảy nở, tồn tại,
chậm bị đẩy lùi... Trái lại, một bộ phận người dân lại lợi dụng quyền tự
do, dân chủ và một số tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành của cơ
quan Nhà nước, chính quyền cơ sở… để khiếu kiện đông người, vượt cấp;
hoặc bị đối tượng xấu, các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích
động đi biểu tình, gây rối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật
tự ở địa phương, hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp...
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan trực
tiếp đến đời sống của người dân, đến thực hiện QCDCCS, quyền và nghĩa
vụ của công dân, các cơ quan chức năng cần tiếp tục coi trọng, làm tốt
việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng và thực hiện dân chủ
ở cơ sở thành các quy định của pháp luật; đề cao trách nhiệm xã hội,
trách nhiệm công dân. Việc thực hiện dân chủ phải được cụ thể hóa, xây
dựng thành các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ, minh
bạch trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến
quyền, lợi ích của nhân dân và thường xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán là phát huy, mở rộng
dân chủ để người dân bàn bạc, quyết định trực tiếp những công việc quan
trọng, cần thiết; bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của
mình…; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền
làm chủ của nhân dân, vi phạm QCDCCS… Tuy nhiên, không thể chấp nhận và
cho phép dân chủ “quá trớn”. Việc phát huy dân chủ phải luôn gắn với
tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời,
nghiêm minh các trường hợp lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước,
gây mất ổn định an ninh trật tự, làm tổn hại lợi ích của Nhà nước, tập
thể và nhân dân./.
Anh Quân (qdnd.vn)