Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 21/6/2013 8:25'(GMT+7)

Dân chúng - tờ báo công khai của Đảng trước đây

Báo "Dân chúng" số 1, ra ngày 22 /7 /1938. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Báo "Dân chúng" số 1, ra ngày 22 /7 /1938. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Thời điểm phong trào Dân chủ tại Sài Gòn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả vùng Nam bộ (1936 - 1938), nhằm đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền cho cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời cho ra đời tờ báo “Dân Chúng” (1938), đặt trụ sở tại số 43 đường Hamelin, nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận I  - TP. Hồ Chí Minh.  


Theo TS. Nguyễn Hữu Mý, Trưởng phòng Trung tâm Bảo tồn di sản TP. Hồ Chí Minh, trụ sở báo "Dân Chúng" lúc đó là căn nhà phố trệt, có mặt tiền tại trung tâm Sài Gòn, bề rộng 8 mét, chiều sâu 23,6 mét, mái lợp ngói âm dương, có gác lửng bằng gỗ. Đây cũng là trụ sở của báo "Le Peuple" - một tờ báo tranh đấu công khai của Đảng ta bằng tiếng Pháp.


Hòa trong phong trào Mặt trận Bình dân Đông Dương, trong bối cảnh ở "chính quốc" Đảng Cộng sản Pháp đang thắng thế trên diễn đàn chính trị, để phù hợp với tình hình bấy giờ, Đảng ta đã chủ trương tạm thời gác khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc Pháp”,“Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, thay vào đó là: “Tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình”.


Phương pháp đấu tranh lúc này của Đảng ta là kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp với đấu tranh bí mật tại các thành phố lớn. Tại Pháp, phong trào Mặt trận Bình dân do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt đang có thế mạnh để phát triển ra các các thuộc địa Pháp, do đó những chính sách của Pháp đối với thuộc địa có sự thay đổi. Đảng Cộng sản Đông Dương xác định đây là cơ hội lớn để một số cơ quan ngôn luận có điều kiện hoạt động công khai, qua đó tăng cường công tác tuyên truyền cho đường lối cách mạng của Đảng.


Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đến Sài Gòn, trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản báo "Dân Chúng" - cơ quan ngôn luận của Đảng. Thành phần Ban Biên tập của báo là các đồng chí trí thức có tầm am hiểu sâu rộng trong Đảng tại địa bàn Sài Gòn, như: Trần Văn Kiết, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Kỉnh, Bùi Văn Thủ, Hoàng Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Trấn...


Sau 3 tháng khẩn trương chuẩn bị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập, ngày 22/7/1938, báo "Dân chúng" ra số đầu tiên. Với chủ trương phất cao hơn nữa ngọn cờ Mặt trận Dân chủ Đông Dương thông qua những hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phát triển mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu, nhằm thu hút quần chúng và đẩy mạnh các phong trào đấu tranh, báo "Dân chúng" đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh về lý luận, tư tưởng, chống xu hướng cải lương, Tờ-rốt-kít; đồng thời là phương tiện chuyển tải đường lối và lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới của cách mạng.


Là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng nội dung, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết một số bài có tính chất hướng dẫn, định hướng lớn về các nhiệm vụ của Đảng thời kỳ này. Bên cạnh việc nêu rõ nhiệm vụ "tôn chỉ mục đích" của báo "Dân chúng", các bài viết sắc sảo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn thể hiện rõ định hướng về công tác tư tưởng của Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải đấu tranh giành lại quyền tự do xuất bản...


Ngay từ số đầu tiên, sau khi in xong, báo được đưa về tòa soạn để các biên tập viên kiểm tra trước, sau đó phát không tới nhân dân Sài Gòn và khu vực lân cận. Tuy những số đầu chưa có giấy phép của nhà cầm quyền, nhưng báo "Dân chúng" vẫn phát hành công khai giữa Sài Gòn, được nhân dân đón đọc khá rộng rãi. Phải một tháng sau (từ số 15, ra ngày 10/9/1938, nhà cầm quyền mới chính thức cấp phép cho báo "Dân Chúng".


Trong hơn một năm hoạt động công khai tại Sài Gòn, báo "Dân Chúng" đã đăng tải được nhiều bài viết có tính chiến đấu mạnh mẽ - đả kích chính sách cai trị của đế quốc, thực dân gây nên những khổ cực, chết chóc cho nhân dân các nước thuộc địa. Cùng với đó là những nội dung như: tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Đảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít; đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-kít; cổ vũ cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương; ủng hộ Mặt trận Dân chủ ở các nước đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít như Tây Ban Nha, Trung Quốc, Liên bang Xô-Viết; ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp.v.v..


Với 81 số phát hành, báo "Dân Chúng" đã phải 4 lần thay đổi vị trí người quản lý để "qua mắt" mật thám thực dân Pháp liên tục tìm cách đe dọa, khủng bố, truy lùng rất gắt gao. Từ số đầu tiên đến sô 43, đồng chí Dương Trí Phú quản lý; từ số 44 - 52, đồng chí Trần Văn Kiết quản lý; từ số 53 - 69 đồng chí Hùynh Văn Thanh quản lý; từ số 70  - 81 đồng chí Hoàng Hoa Cương quản lý.


Việc lựa chọn nhà in cũng phải thay đổi từ nhà in Sati đến nhà in Bảo Tồn, và sau cùng là nhà in Xưa & Nay, nhằm đảm bảo sự "an toàn" và phát hành "đúng kỳ hạn" đến với công chúng.


Ngày 7/9 /1939, khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 sắp bùng nổ, nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn đã ra lệnh đóng cửa báo "Dân Chúng", tịch thu toàn bộ tài sản của báo và cho mật thám truy lùng Ban biên tập cũng như những người đã từng là cộng tác viên của báo.     

Là tờ báo công khai trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, song đây là tờ báo thứ 3 của Đảng ta ra được nhiều số nhất ở thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8/1945. "Dân chúng" cũng là tờ báo vinh dự được đồng chí Nguyễn Ái Quốc - dưới danh nghĩa một nhà báo đang hoạt động ở Trung Quốc - gửi bài đăng  với nhan đề "Những sự hung tàn của đế quốc Nhựt", ký tên P.C.Lin. Bài này được đăng tải trong ba số liên tiếp, đó là số 46 (ra ngày 21/1/1939), số 47 (ra ngày 24/1/1939) và số 48 (ra ngày 28/1/1939), sau đó được báo "Notre Voix" đăng lại trong hai số ra ngày 12/2 và 5/3/1939. Như vậy, báo "Dân chúng" là một trong hai tờ báo công khai của Đảng ta lúc đó được tác giả P.C.Lin gửi bài về đăng.


Đây cũng là tờ báo của Đảng trước năm 1945 có số lượng in cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trên cả xứ Đông Dương ở thời điểm đó. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản tháng 7/1939, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao tờ báo này: “Dân chúng phát hành ở Sài Gòn từ tháng 7 năm 1938 là tờ báo đầu tiên đã bất chấp đạo luật cấm phát hành nếu không được phép trước... Dân chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Đông Dương vì số lượng phát hành của nó lớn hơn tất cả...” (1)  


Nếu so sánh với một số tờ báo công khai của Đảng xuất bản cùng thời kỳ đó như tờ "Tin tức" của Xứ uỷ Bắc kỳ - ra được 23 số; tờ "Notre Voix" - ra được 32 số, tờ Le "Peuple" - ra được khoảng trên 30 số... thì kết quả cho ra đời được 81 số báo trong suốt thời gian dài hơn một năm là thành công lớn của Ban biên tập báo "Dân chúng". Vượt qua những khó khăn về tài chính, vượt qua sự kiểm duyệt, khủng bố của chính quyền thực dân, mấy lần báo bị tịch thu, bốn lần phải thay đổi người quản lý, ban biên tập bị bắt, bị giam, tài sản bị tịch thu... nhưng các chiến sỹ cách mạng làm báo "Dân chúng" đã khôn khéo, dũng cảm chèo lái cho tờ báo trụ vững trong thời gian dài.


Sự ra đời của báo "Dân Chúng" là một mốc son trong lịch sử và sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng ta trước Cách mạng Tháng 8/1945. Ngày 16/11/1988, Di tích trụ sở của báo "Dân chúng" đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (tên cũ) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh./.

____________________

 (1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t. 3, tr. 15


Phạm Hà
Tĩnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất