Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 18/6/2013 22:39'(GMT+7)

Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ

Nhà báo lão thành Hữu Thọ trao đổi với các nhà báo trẻ tại Toạ đàm.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ trao đổi với các nhà báo trẻ tại Toạ đàm.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, ngày 18/6, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên các cơ quan: Ban Tuyên giáo TW, TTXVN, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN và Học viện Báo chí-Tuyên truyền cùng phối hợp tổ chức Toạ đàm khoa học "Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ".

Tham gia chương trình có nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng đông đảo các chuyên gia, nhà báo trẻ đến từ các đơn vị phối hợp tổ chức Toạ đàm.

Phát biểu Đề dẫn Toạ đàm, TS. Lê Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, nêu rõ: Đặc trưng của phương tiện truyền thông mới là các kênh giao tiếp đại chúng có sự tích hợp đa phương tiện, tạo ra các sản phẩm có thể cùng lúc hợp chứa hình ảnh, âm thanh, văn bản..., với tốc độ truyền dẫn, lan tỏa vô cùng nhanh chóng, ở quy mô toàn cầu. Các phương tiện truyền thông mới làm phá vỡ những giới hạn về thời gian, không gian của các phương tiện truyền thông truyền thống vốn tồn tại đơn lẻ trước đây (báo in, phát thanh, truyền hình), dựa trên nền tảng công nghệ internet, kỹ thuật số…, với nhiều phương tiện truyền thông mới như Cybertext, máy tính đa phương tiện (Computer multimedia), truyền thông số (Digital media), mạng xã hội (Social media), Web 2.0, điện thoại di động đa tiện ích...  

Các phương tiện truyền thông mới ra đời tạo áp lực và làm giảm sút các phương tiện truyền thông truyền thống, song quan điểm cho rằng nó triệt tiêu các phương tiện truyền thông cũ là không có cơ sở. Hiện nay, nền truyền thông thế giới đang chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ để thích nghi với điều kiện mới của các phương tiện truyền thông cũ, từ đây, nhiều biến thể truyền thông mới đã ra đời.

Với tốc độ phát triển internet nhanh bậc nhất thế giới, Việt Nam là quốc gia có sự thâm nhập nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, tạo nên những thay đổi to lớn của nền báo chí Việt Nam, các hoạt động tác nghiệp báo chí, cũng như những xu thế, xu hướng tiếp nhận thông tin mới của công chúng báo chí. Dù đi sau, thua kém về quy mô, tính sáng tạo, phát minh, nhưng tính ứng dụng về công nghệ truyền thông - thông tin của báo chí Việt Nam không hề thua kém các nước tiên tiến trên thế giới; công chúng báo chí Việt Nam làm chủ các xu hướng báo chí mới một cách chủ động, cũng không thua kém công chúng báo chí các nước trên thế giới…

 
                           Toạ đàm diễn ra tại trụ sở Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản

Cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay, sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam cũng mang đến nhiều lợi điểm và bất lợi điểm. Việc ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, trên nền tảng công nghệ mới, trong các ngành truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo in, là luồng gió mới, sức sống mới, sôi động, đa dạng, của đời sống báo chí Việt Nam. Những sản phẩm truyền thông mới đa dạng, hấp dẫn hơn; hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội của các cơ quan truyền thông tăng lên rõ rệt; những nguồn lợi kinh tế truyền thông từ đây cũng gia tăng đáng kể… Thích ứng và làm chủ được các công nghệ truyền thông mới và các phương tiện truyền thông mới, nền báo chí Việt Nam sẽ không tụt hậu so với nền báo chí thế giới, ít nhất là về mặt công nghệ.

Tuy nhiên, những nguy cơ và bất lợi điểm cũng thấy rõ từ sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông mới. Những biến loạn trong đời sống chính trị - xã hội do tác động của các phương tiện truyền thông mới không còn là những cảnh báo xa vời, mà đã là những sự thực nhãn tiền. Chính biến tại một loạt các nước Bắc Phi - Trung Đông từ việc các thế lực chống đối châm “quả bom” bạo động, đảo chính, chiến tranh từ ngòi nổ các phương tiện truyền thông mới, nhất là những hô hào, reo rắc tư tưởng, tập hợp lực lượng, vũ trang ảo trên các mạng xã hội, là một bài học đắt giá cho nhiều quốc gia, về sức mạnh khủng khiếp của các phương tiện truyền thông mới khi phục vụ cho những mưu đồ đen tối.

Ngay tại Việt Nam, chiêu bài công kích vào tự do báo chí của Việt Nam, cố tình lấp liếm đi bản chất chính trị - xã hội bất biến của báo chí, đồng thời cổ xúy cho cái gọi là tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí phi chính trị - mà thực chất không bao giờ có ở bất kỳ thể chế chính trị hay bất kỳ quốc gia nào - của các thế lực thù địch, về bản chất không có gì thay đổi. Có chăng, hiện nay, là sự thay đổi của công cụ thực hiện khi chúng tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông mới như các mạng xã hội, web 2.0… để bủa vây thông tin dồn dập, đặc biệt tập trung "thả mồi giăng mắc" những đối tượng non nớt chính trị hoặc kích động những đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan ở trong nước và lưu vong.

Ngoài tự do báo chí, các vấn đề khác về tôn giáo, dân chủ, dân tộc, nhân quyền, cũng được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông mới để thi hành một kiểu mị chính trị thâm hiểm. Mị chính trị là kiểu thực hành chính trị ru ngủ, dùng những luận điệu xảo biện núp bóng chân lý nhưng thực chất hoàn toàn phản khoa học, tác động mưa dầm thấm lâu ngõ hầu làm đối tượng bị tác động mất phương hướng, lung lạc lập trường, quan điểm, mộng mị về một xã hội dân sự của chủ nghĩa tư bản mỹ miều, hoàn mỹ, ít khuyết tật và là nơi thi thố thực sự của dân chủ và tự do báo chí thuần túy tự do (!?) Tiếc rằng, thủ đoạn mị chính trị trên vẫn có thể đánh lừa được nhiều người, có người vì ngây thơ, non nớt về nhận thức chính trị, có kẻ xảo quyệt về chính trị nhưng vẫn cố tình chống phá, trong đó, đáng buồn, có những người đã từng mang danh là Nhà báo (!)

Tọa đàm đã nhận được gần 40 bài tham luận của các nhà báo trẻ, các nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo cơ quan báo chí; cùng với nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận tại Toạ đàm, cho thấy sự quan tâm đặc biệt và tâm huyết của các nhà báo trẻ đối với vấn đề tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự, có liên quan sát sườn tới công việc hằng ngày của mỗi người làm báo.

 
                        Các nhà báo trẻ chụp ảnh lưu niệm cùng nhà báo lão thành Hữu Thọ

Tuy còn những vấn đề đang bỏ ngỏ, chưa được bàn đến, hoặc mới đề cập ban đầu như: cơ sở lý luận và thực tiễn về các phương tiện truyền thông mới; những khác biệt cơ bản giữa truyền thông báo chí và truyền thông xã hội; nền báo chí thế giới cũng như Việt Nam đã ứng dụng ra sao để tạo ra các xu hướng truyền thông mới; thế nào là ứng dụng có hiệu quả... song, các mục tiêu cốt lõi của Tọa đàm là: xu thế tất yếu của truyền thông mới trong quá trình toàn cầu hóa; tính tiện ích, phong phú, đa dạng cũng như tính “hai mặt của một vấn đề” đối với các phương tiện truyền thông mới; làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phương tiện truyền thông mới trong hoạt động của nhà báo trẻ… đã được trao đổi, thảo luận và cơ bản được làm rõ tại Tọa đàm. Tập trung ở những nét chính sau:

Một là, tính tất yếu của sự phát triển các phương tiện truyền thông mới. Hầu hết các ý kiến tham luận, trao đổi tại Tọa đàm đều khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, các loại hình truyền thông mới đang phát triển nhanh, mạnh và được coi là xu hướng tất yếu không thể cưỡng lại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cùng với việc tác động mạnh mẽ đến đời sống thông tin, truyền thông mới đã, đang và sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội. Đó là truyền tải thông tin nhanh, khối lượng thông tin phong phú được cập nhật liên tục, có nhiều tiện ích; đồng thời tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về hình thức thông tin giữa các cá nhân, các nhóm người, thậm chí là giữa các quốc gia với nhau. Trong đó, đặc điểm nổi bật nhất là lượng thông tin được chia sẻ ở nhiều cấp độ khác nhau, rất phong phú và đa dạng.

Hai là, tính “hai mặt” của các phương tiện truyền thông mới và ứng xử của nhà báo. Tuy chưa thể khẳng định truyền thông mới hiện diện tại Việt Nam chính xác từ thời điểm nào, nhưng chắc chắn sự có mặt của nó có thời gian rất mới so với lịch sử truyền thông và các phương tiện báo chí truyền thống. Tuy nhiên sự phát triển, tính lan tỏa, tính hiệu ứng và tác động của các phương tiện truyền thông mới vào đời sống thông tin, văn hóa, xã hội thì có thể nói: mạnh mẽ, nhanh chóng, bùng nổ.

Hầu hết các ý kiến tham luận và trao đổi tại Tọa đàm đều thống nhất về những tính năng ưu việt của các phương tiện truyền thông mới, như: Tính lan toả tốt  nhất; tạo ra sự gắn bó mật thiết giữa thông tin và người sử dụng; thông tin được cập nhật tới mức tối đa; phát huy cao độ sự tương tác giữa người làm báo với độc giả, thính giả.v.v..

Bên cạnh tính ưu việt cơ bản và tiện lợi to lớn đối với xã hội và hoạt động báo chí, thì ‘mặt tối” và những hạn chế không mong muốn của các phương tiện truyền thông mới cũng đã được nêu lên rất rõ tại Tọa đàm. Đó là sự “bội thực” và nhiễu loạn về thông tin đối với người tiếp nhận; thiếu tính định hướng và tính chọn lọc.

Các tiện ích của phương tiện truyền thông mới cũng dễ bị lợi dụng để phục vụ, cố xuý cho những ý đồ và mục đích  xấu; đặc biệt, việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới được các phần tử bất mãn, thế lực thù địch, chống đối Đảng và Nhà nước ta lợi dụng để phát tán và tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, kích động, thực hiện“diễn biến hòa bình”. Ngoài ra còn có những mặt tiêu cực xã hội khác được nêu lên như: tội phạm công nghệ cao; lười suy nghĩ, tư duy trong một bộ phận cán bộ, công chức (“công nghệ copy - paste”); tình trạng nghiện game, sa vào tệ nạn xã hội, sống thác loạn ở một bộ phận thanh - thiếu niên.v.v…

Ba là, định hướng về phương cách, kỹ năng ứng xử và kinh nghiệm đối với các nhà báo trẻ. Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết mà không ít người làm báo còn mắc phải như: Thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, còn nhiều thông tin sai sự thật, có xu hướng đưa nhiều tin theo kiểu “giật gân”, câu khách, khai thác nhiều thông tin về các vụ án, chuyện đời tư cá nhân, các vấn đề tâm linh, mê tín dị đoan...; thiếu thận trọng khi đưa tin về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chiến lược đối ngoại của đất nước, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội và tác động xấu tới quan hệ ngoại giao... các ý kiến nêu lên tại Tọa đàm cũng đã chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm đối với những người làm báo nói chung, đội ngũ nhà báo trẻ nói riêng trong qua trình tiếp nhận, ứng xử và hoạt động chuyên môn có liên quan đến các phương tiện truyền thông mới, tập trung vào những nội dung sau:

Nhà báo trẻ không nên quá lệ thuộc vào các nguồn thông tin từ các mạng xã hội. Phải tự mình nhận thức, xử lý và thẩm định các nguồn thông tin một cách có chọn lọc, có lợi cho các lĩnh vực tuyên truyền.

Nâng cao trách nhiệm của nhà báo. Nhà báo trẻ cần trang bị cho mình một "bộ lọc đảm bảo" thông qua việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh và ý thức chính trị, nắm vững tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Đặc biệt là phải có cái tâm sáng của người làm nghề.

Phát huy những tiện ích của phương tiện truyền thông mới vào hoạt động nghiệp vụ thông quan việc cập nhật, nắm bắt các xu hướng truyền thông mới.

Đặc biệt, những trao đổi tại Tọa đàm của nhà báo lão thành Hữu Thọ và một số đồng chí lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước, đã khái quát và nêu bật một số nội dung mang tính định hướng và phương pháp trong quá trình tác nghiệp đối với những người làm nghề trẻ./.

Thế Hoàng

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất