Khi bà Thủ tướng Thái Lan
Yingluck Shinawatra bước vào khán phòng tại Đại hội Báo chí Thế giới
(World Newspaper Congress - WNC) lần thứ 65 diễn ra tại Bangkok hồi đầu
tháng, hàng trăm chiếc điện thoại có chức năng chụp hình đã được giơ
lên, áp đảo số máy ảnh chuyên nghiệp.
Những chiếc điện thoại đó cũng chính là phương tiện đọc báo chủ yếu của
phần lớn trong số 1.500 đại biểu trên khắp thế giới tới dự WNC, và nó là
ví dụ điển hình cho thấy sự thay đổi mang tính bước ngoặt của báo chí
toàn cầu.
Có mặt tại hội nghị, phóng viên
Vietnam+ đã ghi nhận những
thách thức lớn mà báo chí thế giới, trong đó có báo chí Việt Nam đang
phải đối mặt, cũng như những giải pháp được đưa ra nhằm giải cứu ngành
công nghiệp đang có phần đình trệ.
Báo in đang "chết" như thế nào
Đó không còn là lời cảnh báo, mà là một sự thật hiển nhiên. Ngay trong
phiên thảo luận đầu tiên tại hội nghị, Giám đốc điều hành của Hiệp hội
báo chí, xuất bản thế giới (WAN-IFRA – đơn vị tổ chức) Vincent Peyregne
đã thẳng thắn thừa nhận: Báo in không mất độc giả, nhưng tỷ lệ độc giả
thì ngày càng giảm so với báo điện tử
Ngoại trừ một số nước châu Á và các quốc gia thuộc nhóm BRICS, nơi nhìn
chung số lượng phát hành báo in vẫn đang giữ được mức tăng trưởng, các
thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ đều đang phải đối mặt với cuộc
suy thoái nghiêm trọng. Ông Peyregne dẫn ra thông số cho biết, từ năm
2008 đến năm 2012, số lượng phát hành nói chung của báo in đã sụt giảm
tới 26% (*).
Số phát hành tụt cũng đi kèm với doanh thu quảng cáo giảm. Trong vòng
năm năm qua, doanh thu từ quảng cáo trên báo in đã giảm 22%. Nghiêm
trọng nhất là ở thị trường Mỹ, chiếm 74% sự sụt giảm đó. Riêng ở thị
trường báo chí lớn nhất thế giới này, doanh thu quảng cáo từ báo in đã
giảm 42% so với năm năm trước đây!
Sự suy thoái của loại hình báo in truyền thống được Tổng biên tập tờ El
Pais Javier Moreno chia sẻ bằng câu chuyện liên quan đến việc tờ nhật
báo hàng đầu Tây Ban Nha này đã phải cắt giảm tới 129 nhân viên chỉ
trong năm 2012! Ông Moreno cho biết, ra đời năm 1976, El Pais từng trải
qua thời hoàng kim vào những năm 1990 với số lượng phát hành đỉnh cao là
1.121.590 bản cho số Chủ nhật năm 1992. Năm 2005, lợi nhuận từ bán báo
(chưa tính tới doanh thu quảng cáo) của El Pais là 453 triệu euro.
Tuy nhiên, khoảng từ năm 2007, mọi thứ bắt đầu thay đổi, cuộc khủng
hoảng kinh tế toàn cầu đã đi liền với cuộc khủng hoảng báo in, mà Tây
Ban Nha là một trong những nước suy thoái nặng nề nhất trong khối
Eurozone. Chi phí giá giấy, công in khiến lợi nhuận của tờ báo xuống
dốc, trong khi thói quen của độc giả cũng dần thay đổi. Năm 2012, lượng
phát hành của El Pais đã tụt từ hơn 1 triệu bản mỗi ngày trước đó 10 năm
xuống còn 455.666 bản! Và vì thế, doanh thu từ bán báo cũng tụt xuống
còn 194 triệu euro.
Biểu đồ cho thấy số lượng phát hành của báo in hầu hết đều suy giảm ở
các khu vực, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là Tây Âu và Bắc Mỹ (Nguồn:
WAN-IFRA)
Đứng trước cơn “đại hồng thủy” đó, bên cạnh việc cắt giảm nhân sự thì
một trong những hướng đi mà El Pais chú tâm là đẩy mạnh phát triển lĩnh
vực báo điện tử nhằm tiết giảm chi phí và giành lại độc giả.
Đó cũng là hướng đi mà đa số các đại biểu dự WNC đều tán thành, bởi
không chỉ thói quen đọc báo đang thay đổi, mà còn bởi công nghệ số đã
buộc ngành công nghiệp báo chí phải có những sự thích ứng cần thiết.
Thay đổi là tất yếu
Một nghiên cứu của WAN-IFRA được tiến hành tại Mỹ, Pháp và Đức cho thấy,
số lượng người thường xuyên đọc tin trên các thiết bị điện tử giờ đã
bằng số người đọc tin trên báo giấy. Ông Payregne nhận xét: “Thị trường
báo chí đang chứng kiến một sự ‘di dân’ từ báo in sang các loại hình báo
điện tử.”
Lại lấy ví dụ từ El Pais, Tổng biên tập Moreno cho biết, sau khi tiến
hành tái cơ cấu nhân sự, báo đã yêu cầu tất cả các phóng viên, biên tập
viên báo in cũng phải phục vụ cho báo điện tử. Nếu như năm 2001, số nhân
viên làm báo điện tử tại El Pais chỉ chiếm 10% nhân sự tòa soạn thì đến
năm 2009, con số này là... cả tòa soạn.
Đến năm 2010, phòng nội dung và phòng kỹ thuật được ghép lại làm một để
phục vụ tối đa cho báo điện tử. Và kết quả là ElPais.es đã vươn lên trở
thành trang tiếng Tây Ban Nha có nhiều người đọc nhất với 16 triệu độc
giả thường xuyên (unique visitors) mỗi tháng.
Tuy nhiên, bản thân cơ cấu đọc báo điện tử cũng đang dần thay đổi, chứ
không chỉ phụ thuộc vào chiếc máy tính để bàn cồng kềnh hay chiếc laptop
gập mở như trước đây. Bởi 20% số lượng page views của báo điện tử ngày
nay là tới từ các thiết bị di động, trong đó có 15% là từ điện thoại di
động, 5% từ máy tính bảng.
Như đã nói ở đầu bài, thói quen đọc báo của độc giả đang thay đổi. Đa số
đại biểu mà người viết có dịp tiếc xúc tại WNC đều nói rằng chiếc điện
thoại thông minh là vật bất ly thân của họ. Ở bàn đón tiếp, ngày nào ban
tổ chức cũng phát miễn phí hai tờ báo tiếng Anh nổi tiếng (một địa
phương, một quốc tế) là Bangkok Post và International Herald Tribune.
Song đến cuối ngày, hai chồng báo vẫn rất cao bởi đa số đại biểu đều đã
đọc nó trên phiên bản mobile!
Đó cũng chính là lý do rất nhiều diễn giả dự WNC đã nhắc tới Steve Jobs
cùng những thiết bị tiên phong của ông, coi đó là một trong những yếu tố
làm thay đổi ngành công nghiệp báo chí những năm qua. Tại Mỹ, nếu như
năm 2009 chỉ có 51% trang điện tử có phiên bản mobile (dành cho điện
thoại di động) thì đến nay tỷ lệ này đã là 90% (85% có bản riêng cho
iPhone).
Một ví dụ cụ thể được lấy từ tờ Financial Times của Anh. Tờ báo tài
chính hàng đầu thế giới này đi tiên phong trong việc thu phí bản online
từ năm 2001 và tới nay sống khỏe nhờ sự tăng trưởng trên online mà không
phải quá lo lắng tới cuộc khủng hoảng báo in. Bà Lisa McLeod, trưởng bộ
phận điều hành của FT.com cho biết, thành công ấy đến từ việc tờ báo
sớm đón đầu và nắm bắt xu thế công nghệ khi phát hành phiên bản cho điện
thoại di động và máy tính bảng trên iTunes và Andoid Markets từ năm
2008.
Tại WNC ở Bangkok lần này, giám đốc điều hành FT, Caspar de Bono cũng có
mặt và chia sẻ những kinh nghiệm về mô hình thu phí bạn đọc trên
online. Đấy cũng chính là một trong những xu thế chủ đạo của ngành công
nghiệp báo chí trong tương lai, đồng thời cũng là chủ để chính cho bài
viết được đăng tải ngày mai.
Đại hội báo chí thế giới
(World Newspaper Congress) lần thứ 65 do Hiệp
hội báo chí, xuất bản thế giới (WAN-IFRA) tổ chức từ 2 đến
5/6 tại
Bangkok, Thái Lan, thu hút sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu
gồm các học
giả, nhà báo và đại diện các cơ quan truyền thông, quảng cáo
hàng đầu,
trong đó có AFP, New York Times, Financial Times hay
Washington Post... Đại hội lần thứ 66 sẽ được tổ chức tại Torino (Italy)
vào năm tới.
* Một vài số liệu trong bài do WAN-IFRA cung cấp, dẫn từ các hãng nghiên
cứu thị trường hàng đầu như ZenithOptimedia, comScore, Ipsos.
|