Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 26/12/2011 21:5'(GMT+7)

Dân số nửa thế kỷ: Thành tựu và thách thức

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn thuộc vào hàng những quốc gia có dân số qui mô lớn, mật độ cao, và dân số còn tiếp tục tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp kiên trì và đồng bộ hơn nữa. 

Một điều nhất quán trong công tác dân số ở nước ta là bao giờ cũng coi trọng chất lượng, nhấn mạnh tới quan hệ giữa việc sinh con và hạnh phúc gia đình. Vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình một cách tối ưu nhất cho mọi người.

Nửa thế kỷ trước, khi còn phải tập trung vừa kiến thiết xây dựng vừa đấu tranh thống nhất đất nước, nhưng Chính phủ đã sớm quan tâm đến công tác dân số và yêu cầu “Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp phương tiện tránh thai với giá rẻ, một cách dễ dàng và thuận lợi nhất cho những người cần dùng”, đồng thời việc này phải “có hướng dẫn".

Yêu cầu ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, được thực hiện vừa trực tiếp, vừa lồng ghép với nhiều chương trình, dự án thiết thực, phù hợp với từng vùng và từng đối tượng dân cư.

20 năm qua, ngân sách đầu tư cho công tác dân số khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Nhờ đó, dân số chỉ tăng 1,32 lần trong khi tổng sản phẩm xã hội GDP tăng 4,12 lần.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, công tác dân số còn có hiệu quả xã hội rất lớn, đặc biệt là góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Cùng với những chủ trương, chính sách phù hợp, thành tựu về công tác dân số có sự đóng góp không nhỏ của hàng vạn, hàng vạn cán bộ và cộng tác viên dân số, những người thường xuyên đến từng ngõ ngách, từng nhà, và không quản ngại gian khổ đến tận những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để tuyên truyền, vận động, tư vấn và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Nếu không có tính kiên trì để làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, không có tâm huyết thì không thể làm được công việc mang tính xã hội và nhân văn cao mà đãi ngộ thấp như vậy.

Tuy nhiên, nước ta hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới về mật độ dân số, cao gấp 6-7 lần mật độ chuẩn.

Xu thế giảm sinh được duy trì nhưng không bền vững. Số gia đình sinh con thứ 3 còn nhiều, chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Điều kiện thấp kém về thu nhập, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, về bảo hiểm, về dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già,... đặc biệt ở nông thôn và những vùng khó khăn, đã và đang là những yếu tố khiến nhiều người chưa muốn chấp nhận qui mô gia đình có 1 hoặc 2 con.

Tính đến nay, dân số nước ta có gần 87 triệu người. Đây là con số đáng ghi nhận, bởi nếu vẫn giữ mức sinh như năm 1989 thì đến nay nước ta phải có tới 110 triệu người.Chèn nội dung vào đây

Về mặt xã hội, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 1 triệu người, tương đương với dân số một tỉnh trung bình, thực sự là thách thức lớn trong vấn đề việc làm và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó còn có những thách thức về tỉ lệ suy dinh dưỡng, về tầm vóc - thể lực của người Việt Nam, về giáo dục, về tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp. Đất chật người đông nên các đô thị lớn trở nên chật hẹp, ngột ngạt, hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ tăng dân số cả về tự nhiên và do di cư.

Những thách thức vừa nêu đòi hỏi chúng ta không được thỏa mãn, chủ quan, mà cần tiếp tục thực hiện tốt chiến lược dân số.

Kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam năm nay, chúng ta vui mừng vì Kì họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII vừa rồi đã biểu quyết tiếp tục duy trì Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 với 11 mục tiêu cụ thể.

Theo đó, chúng ta phấn đấu đạt tốc độ tăng dân số ổn định ở mức khoảng 1% vào năm 2020, chỉ số phát triển con người ở mức trung bình cao của thế giới.

Chiến lược cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể bao gồm 13 dự án, trong đó có Dự án truyền thông với yêu cầu thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài với phương pháp phù hợp, chú trọng đến những vùng sâu - vùng xa, vùng dân trí thấp.

Đây được xác định là công việc của mọi cấp, mọi ngành, đặc biệt đề cao vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội.

Dân số được coi là nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội./.

(Theo: Giang Trung Sơn/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất