Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 20/9/2008 20:0'(GMT+7)

Dân số tăng mỗi năm bằng một tỉnh!

4,3 triệu đàn ông sẽ không... lấy được vợ!

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy nêu bức tranh tăng dân số khá ảm đạm: Việc giảm tỷ lệ sinh chỉ thành công trong giai đoạn 1993 đến 2000, còn từ sau năm 2000 tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh trở lại. Đặc biệt là tình trạng cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 tăng ở hầu hết địa phương. Điều này đã gây tác động tiêu cực đến phong trào kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Cụ thể, số trẻ sinh trong năm 2007 tăng 0,92% so với năm 2006 và tỷ suất sinh chỉ giảm 0,025%, không hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra (giảm 0,03%), có đến 35/63 tỉnh thành có số sinh tăng. Và trong những tháng đầu năm 2008, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về dân số – KHHGĐ tiếp tục không đạt chỉ tiêu, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh. Theo dự kiến của Bộ Y tế, chỉ tiêu giảm sinh trong năm 2008 là 0,01%, trong khi đó chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội giao là 0,03%!

Hiện dân số nước ta theo tính toán của Bộ Y tế là 86 triệu người, xếp thứ 13 trong các nước đông dân trên thế giới, với mật độ dân số 260 người/km2, gấp 5 lần so với mật độ dân số thế giới. Bình quân mỗi năm dân ta tăng thêm 1 triệu người, bằng dân số của một tỉnh trung bình. Đáng chú ý là sự mất cân bằng giới khi sinh đã rất rõ, cùng thời điểm cứ 100 trẻ nữ sinh ra thì có đến 112 trẻ nam ra đời, nguy hiểm hơn là tỷ lệ này ngày càng tăng chứ không giảm. Theo dự báo của Bộ Y tế, 30 năm sau sẽ có đến 4,3 triệu đàn ông không có khả năng lấy được vợ nếu tình trạng này kéo dài!

Nguyên nhân là do mức sinh đẻ cao trong nhiều năm trước đây nên hiện nay số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ gấp hơn 2 lần số phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi này. Ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách KHHGĐ. Song song đó là nới lỏng nhanh các biện pháp hành chính, ban hành pháp lệnh dân số chưa chặt chẽ, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chưa nghiêm … cộng với hệ thống tổ chức làm công tác KHHGĐ thiếu ổn định, thay đổi liên tục (năm 2002 sáp nhập, nay lại giải thể).

Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi không đồng tình khi cho rằng: Nguyên nhân tỷ lệ sinh tăng là do phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao hơn những thời kỳ trước. Theo ông, Bộ Y tế cần phân tích vấn đề này bằng nhiều góc cạnh, một cách rất toàn diện, chỉ rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp. Bởi vì việc tăng dân số ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố cạnh tranh của quốc gia. Ông Lợi đặt vấn đề: Liên tục trong 3 năm, chỉ tiêu pháp lệnh do Quốc hội biểu quyết đều không đạt được, vậy ngành y tế chịu trách nhiệm tới đâu? Không thể cứ để tình trạng mỗi năm đưa ra chỉ tiêu rồi đạt hay không đạt cũng không ai chịu trách nhiệm!

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, gay gắt hơn: Việc tăng dân số đến mức báo động như thế này Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho địa phương được! Chỉ riêng bộ máy của ngành y tế ở tuyến cơ sở nhìn vào thì nhiều nhưng lại rất… lung tung. Khi thì trung tâm dân số, lúc lại chi cục dân số, rồi trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế… Cán bộ công chức chuyển đi chỉ 2 đến 3 ngày sau lại chuyển về, do tách nhập, nhập tách! Như vậy, đây không phải ở dưới sai, mà dưới không tin vào chỉ đạo từ trên nữa! Thế nên cũng đừng đổ hết lỗi cho người dân chưa nhận thức đúng. Ở cấp quản lý điều hành vĩ mô, sai thì phải can đảm chịu trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài góp ý thêm: Cần nhìn vấn đề rộng hơn chứ không chỉ là do nhận thức của người dân. Phương thức tuyên truyền có thực sự sâu rộng, cơ quan chức năng có cung cấp cho người dân những dịch vụ trách thai mà họ cần chưa hay chỉ thường xuyên chỉ trích việc phá thai! Câu hỏi đặt ra lâu nay vẫn chưa có lời giải thích đáng là: vì sao ở nông thôn tỷ lệ sinh cao hơn, vùng càng sâu càng xa, đời sống càng khó khăn thì tỷ lệ sinh con càng cao? Trong khi đó, việc giáo dục nuôi dưỡng trẻ em luôn gắn liền với môi trường sống và điều kiện sống.

Kết luận vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ Y tế phải đánh giá lại vấn đề này sâu hơn và cần nhìn xuyên suốt trong 3 năm 2006-2007-2008, mới thấy được nguyên nhân gốc rễ của việc tăng dân số. Trong 3 năm liên tục đã không đạt được tỷ lệ giảm sinh, thì hết nhiệm kỳ rất khó đạt chỉ tiêu đã đề ra. Bộ Y tế cần rà soát lại các văn bản về tổ chức bộ máy trong lĩnh vực này, chứ như hiện nay bộ máy cấp cơ sở quá phức tạp làm cho việc chỉ đạo điều hành của bộ thêm rối ren. Song song đó, cần nghiên cứu chính sách dân số một cách linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh ở mỗi vùng miền. Kèm theo đó là những biện pháp về kinh tế như thưởng hoặc có các chế độ ưu đãi cho gia đình sinh đúng 2 con, chứ không thể cứng nhắc chỉ là biện pháp hành chính đơn thuần./.

(SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất