Dân số Việt Nam bắt đầu vào thời kỳ già hóa, với tốc độ nhanh hơn so nhiều quốc gia. Trong khi đó, nhiều người cao tuổi còn gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống, tuổi thọ trung bình khỏe mạnh thấp, thiếu cơ sở y tế chăm sóc người già… Đây là những vấn đề thách thức đối với người cao tuổi Việt Nam được đặt ra nhân dịp Ngày quốc tế về Người cao tuổi (1-10).
Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% dân số. Tuy nhiên, giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam chỉ diễn ra khoảng 17 - 20 năm, nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Việc dân số nước ta sớm bước vào giai đoạn già hóa là tiến bộ lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của người dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về kinh tế - xã hội, đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị những chiến lược và chính sách đáp ứng phù hợp với vấn đề già hóa dân số diễn ra nhanh.
Số lượng người cao tuổi tăng nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ đối mặt với tình trạng “già trước khi giàu” vì tốc độ già hóa dân số tăng nhanh trong khi thu nhập bình quân đầu người ở nước ta mới chỉ ở mức trung bình thấp. Hiện nay phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn, chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Có tới hơn 70% số người cao tuổi hàng ngày vẫn làm việc kiếm sống bằng nhiều cách.
Đáng chú ý, 70% số người cao tuổi không có tích lũy vật chất để an hưởng tuổi già và 60% số người cao tuổi trong hoàn cảnh khó khăn và chỉ có 1% các cụ có cuộc sống dư giả. Trong khi đó, chỉ khoảng 1/5 số người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Không chỉ có vậy, mức độ bao phủ của các chính sách trợ giúp xã hội chưa bao quát được hết các nhóm người cao tuổi gặp khó khăn, không ít người già phải sống dưới mức chuẩn nghèo.
Theo bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB-XH), hiện có khoảng 900.000 người cao tuổi diện chính sách được hưởng trợ cấp xã hội, nhưng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng này chỉ bằng 21% so với tiền lương tối thiểu và so với chuẩn nghèo nông thôn mới cũng chỉ bằng 45%.
Không chỉ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mà về mặt tinh thần, nhiều người già cũng gặp không ít trắc trở như phải sống độc thân, bị con cái hắt hủi, thiếu sự quan tâm của người thân và gia đình. Đặc biệt, chỉ có 20% số người cao tuổi cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần.
Người cao tuổi ở nước ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe “già nhưng không khỏe”. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi, nhưng tuổi thọ thực sự khỏe mạnh chỉ là 60 tuổi. Đồng thời, người cao tuổi cũng phải chịu sức ép cao của bệnh tật, khoảng 95% người cao tuổi phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây truyền như: ung thư, đái tháo đường, tim mạch...
Điều tra cho thấy, trung bình một người cao tuổi ở Việt Nam mắc 2,69 bệnh và khoảng 70% người cao tuổi có bệnh, đau ốm, cần được chăm sóc sức khỏe, bao gồm các nhu cầu về giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, điều trị các bệnh cấp, mãn tính và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, đáng lo ngại khi hệ thống chăm sóc dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế. Bên cạnh Viện Lão khoa quốc gia và 5 bệnh viện tuyến trung ương, cả nước mới có khoảng 28 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thành lập Khoa Lão khoa hoặc có giường phục vụ riêng cho người cao tuổi.
Trước thực trạng số người cao tuổi đang tăng nhanh và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà nước cần thay đổi quy định về chế độ hưu trí, bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và nhóm đối tượng. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm và mở rộng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi dễ bị tổn thương, tập trung những người sinh sống ở khu vực nông thôn và phụ nữ cao tuổi./.
Theo SGGP