Theo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị vừa được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký ban hành, công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.
Quy chế khẳng định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Quy chế này xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác dân vận; thường xuyên quán triệt và thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân."
Quy chế cũng nêu rõ: các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế này. Căn cứ quy chế này, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng hoặc bổ sung, hoàn thiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị của địa phương, đơn vị mình và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban xây dựng Đảng của Trung ương giúp Ban Bí thư theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện quy chế này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Hàng năm, các tổ chức trong hệ thống chính trị kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; nghiêm khắc phê bình, kỷ luật những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm có vi phạm trong công tác dân vận./.
(TTXVN)