Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 19/4/2018 10:36'(GMT+7)

Đang giao lưu trực tuyến: Áp lực học đường - Nguyên nhân và giải pháp

 

'

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

 

Phải chăng áp lực thi cử khiến trường học bỏ quên yêu cầu giáo dục đạo đức, tư tưởng sống cho học sinh? Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao khắc phục tình trạng học sinh bị áp lực bủa vây đó?

Để bạn đọc tìm hiểu thêm về những vấn đề trên, Báo Sài Gòn Giải Phóng đang tổ chức buổi giao lưu trực tuyến vào lúc 9 giờ đến 11 giờ sáng nay, 19-4, trên Sài Gòn Giải Phóng Online.

Buổi giao lưu có sự tham gia của các chuyên gia về giáo dục:

- Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

- TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM.

- TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

- Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10).

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi giao lưu theo mẫu bên dưới.

 

Bạn Nguyễn Lê Ngọc, 28 tuổi có hỏi:

 

Gởi thầy Huỳnh Thanh Phú. Xin thầy cho biết ở Trường THPT Nguyễn Du đã có những hoạt động gì để lan tỏa sự dũng cảm, tinh thần "dám nói, dám chịu trách nhiệm" của học sinh? Làm sao để học sinh cảm thấy không đơn độc, có thể dễ dàng chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình với các thầy, cô giáo để mối quan hệ thầy - trò trở nên gần gũi, bản thân các em cũng được định hướng phát triển nhân cách tốt đẹp hơn?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Cảm ơn bạn!

Ở Trường THPT Nguyễn Du luôn tổ chức đối thoại và sau buổi đối thoại đều khác phục những chia sẻ của phụ huynh, giáo viên, nhân viên.

Tôi luôn đặt quyền lợi của giáo viên lên trên hết và yêu cầu giáo viên cũng phải đặt quyền lợi của học sinh, phụ huynh lên trên hết. Có như thế mới tạo một sự tổng hòa, tin yêu.

Hằng ngày, tôi luôn ở sân trường để tạo sự gặp gỡ với các em. Tôi tin chắc rằng học sinh ở trường Nguyễn Du rất mạnh mẽ, dũng cảm để chia sẻ với nhà trường trên tinh thần rất tự hào ngôi trường mình đang học.

 

Bạn Ngọc Trương, 42 tuổi có hỏi:

 

Gởi TS. Nguyễn Kim Dung. Tôi rất băn khoăn về chất lượng đào tạo giáo viên hiện tại. Phải chăng chương trình giáo dục ở các trường sư phạm mới chú ý đến đào tạo kiến thức, kỹ năng mà bỏ qua việc giáo dục đạo đức, thái độ nghề nghiệp cho sinh viên? Theo TS., các trường sư phạm cần làm gì để cải tiến chất lượng giảng dạy cho sinh viên?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Cảm ơn câu hỏi đầy quan tâm của bạn!

Thật ra, chương trình đào tạo của các trường sư phạm vẫn chú ý đến giáo dục đạo đức, thái độ nghề nghiệp cho sinh viên. Trong chương trình được ban hành năm 2016 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, chúng tôi xây dựng chuẩn đầu ra với đầy đủ các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà sinh viên tốt nghiệp cần phải có. 

Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng có thể khi triển khai, chúng ta chưa hoàn toàn tập trung vào việc xây dựng và đánh giá thái độ, chuẩn mực đạo đức cho sinh viên. Tôi cho rằng việc đưa những giáo viên trong tương lai xuống các trường phổ thông nhiều hơn, quan sát và thực hành nhiều hơn để nâng cao nhận thức và thái độ là điều cần thiết.

Rõ ràng, phải yêu nghề, yêu học sinh thì mới có thể làm việc và phát triển nghề nghiệp được. Đây là điều mà các trường sư phạm cần quan tâm hơn. 

 

Bạn Bảo Lan, 35 tuổi có hỏi:

 

Gởi thầy Huỳnh Thanh Phú. Tôi thấy Trường THPT Nguyễn Du có rất nhiều hoạt động giúp học sinh thể hiện tiếng nói dân chủ của mình. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng mạnh dạn nói lên những bức xúc, suy nghĩ của mình về các thầy, cô giáo. Vậy xin thầy cho biết làm sao để giáo viên và ban giám hiệu theo sát từng diễn biến tâm tư, tình cảm của các em, đặc biệt những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn về tâm lý?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Ở Trường THPT Nguyễn Du có 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được chế độ miễn giảm học phí và nhận học bổng. 

Có 4 học sinh tâm lý không ổn định, chúng tôi đều phân công các thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giám thị giám sát từng buổi học để động viên tinh thần. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên liên hệ với gia đình để phối hợp giáo dục các em.

Bản thân tôi thường xuyên tiếp xúc và thăm hỏi các em (có khi tặng quà, thậm chí dẫn uống nước...). Hiện nay, số em này rất an tâm học tập.

 

Bạn Thu Trà, 36 tuổi có hỏi:

 

Gởi TS.Nguuyễn Kim Dung. Thực tế thời gian qua cho thấy vấn đề đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm đang có nhiều lỗ hổng. Tôi thấy chương trình đào tạo của các em bây giờ rất thiếu học phần thực tập, tạo điều kiện cho sinh viên được cọ xát, va chạm thực tế. Ở góc độ một chuyên gia theo sát lĩnh vực này nhiều năm, cô có suy nghĩ thế nào về vấn đề này? Làm sao để việc đào tạo sinh viên sư phạm đi vào thực tế và đạt hiệu quả cao hơn?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Cảm ơn sự quan tâm của bạn!

Tôi đồng ý rằng thực trạng đào tạo giáo viên còn nhiều điều cần phải cải tiến hơn. Nhưng trong chương trình đào tạo luôn có phần kiến tập, thực tập tại các trường phổ thông bạn ạ. 

Tuy nhiên, tôi cho là sinh viên sư phạm cần được xuống thực tế phổ thông nhiều hơn hiện nay. Sinh viên phải thật sự ''tắm'' mình trong thực tế ở đó, cùng quan sát và giải quyết vấn đề, thực hành và trải nghiệm nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, tôi vẫn luôn nghĩ rằng cần phải nâng chuẩn giáo viên hơn. Ở các nước, bạn cần bằng cử nhân trước, sau đó là 1 hoặc 2 năm học cao học để có thể trở thành một giáo viên. Bạn cần được trải nghiệm thực tế ở trường phổ thông ít nhất 1 năm trước khi bạn tốt nghiệp. Đây là một yêu cầu mà tôi nghĩ là các trường chúng ta chưa làm được.

Tôi mong rằng các trường sư phạm sẽ nghiên cứu và đưa ra các chương trình đào tạo hợp lý, đáp ứng nhu cầu hơn. Hiện giờ, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy yêu cầu đó đang dần được xem trọng.

Tôi mong xã hội quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục. Áp lực thay đổi đang ngày càng cao, và rõ ràng, áp lực từ xã hội sẽ giúp cho các trường thay đổi theo hướng tích cực.

Giao lưu trực tuyến  TS Nguyễn Kim Dung cho rằng sinh viên sư phạm cần được xuống thực tế phổ thông nhiều hơn hiện nay

 

Bạn Lê Ngọc Minh, 32 tuổi có hỏi:

 

Gởi TS.Huỳnh Công Minh. Tôi là một giáo viên đang dạy lớp 10. Lớp tôi dạy có nhiều học sinh cá biệt. Đáng nói, khi có bức xúc, học sinh thường không phản ảnh trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm mà thường chọn cách chuyền tai nhau khiến mâu thuẫn không được giải quyết, sự việc lại bị đẩy đi sai hướng. Xin thầy chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình trong việc uốn nắn học sinh cá biệt. Tôi cảm ơn.

 

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Trong tình huống bạn nêu, vấn đề chính là quan hệ giữa bạn và học sinh chưa tốt, học sinh chưa dám thổ lộ với bạn những điều băn khoăn. 

Trong quan hệ thầy trò, là giáo viên chúng ta nên gần gũi, chia sẻ để thu hút học sinh đến với mình. Chúng ta cần có thái độ công bằng, dân chủ và trọng thị để học sinh tin tưởng trao đổi những vấn đề mà các em quan tâm.

Một vấn đề nữa, chúng ta phải biết cách nhận thông tin. Chúng ta tổng hợp nhiều hình thức lắng nghe, nghe cá nhân, nghe qua tập thể và cả những kinh nghiệm suy luận theo quy luật tâm lý để hiểu học sinh của mình hơn. 

Hiểu học sinh không phải để quy chụp mà là để giúp đỡ tạo điều kiện cho các em hiểu thêm cuộc sống và hiểu thêm bản thân mình để tiến bộ. Với suy nghĩ như vậy bạn sẽ thành công trong công tác giảng dạy của mình.

Giao lưu trực tuyến Cần phát huy vai trò của giáo viên trong quan hệ thầy trò

 

Bạn Lê Tường Hân, Quận 12, TPHCM có hỏi:

 

Với tư cách là Hiệu trưởng, ông có ý kiến hoặc đề xuất gì trước nhận định hành lang pháp lý trong xử phạt giáo viên hiện nay còn quá nhẹ, thiếu tính răn đe đối với người sai phạm (đơn cử trường hợp giáo viên ở huyện Nhà Bè đã nhận quyết định kỷ luật của Giám đốc Sở GD-ĐT, nay tái phạm với cùng lỗi vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề giáo chỉ bị chuyển công tác qua làm công việc khác mà không bị hình thức xử lý cao hơn)? Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến bạo lực học đường chưa được trị một cách triệt để?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Thực tế những quy định xử phạt đối với nhà giáo chưa cụ thể.

Nhưng những trường hợp vi phạm đạo đức gây bức xúc xã hội chúng ta phải tiến hành xử lý một cách dứt khoát và nhanh chóng.

 

Bạn Trần Văn Hải, quận 8, TPHCM có hỏi:

 

Với tư cách là cơ quan nghiên cứu về giáo dục, xin bà cho biết đơn vị mình đã có những đề tài nghiên cứu gì xung quanh vấn đề bạo lực thể chất và tinh thần đối với học sinh, trong đó có đưa ra được các giải pháp, kiến nghị để giúp “trong sạch hơn” môi trường giáo dục?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Chúng tôi có một số nghiên cứu về bạo lực học đường. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng một đề tài cấp bộ về vấn đề này. Có thể tìm thấy thông tin về các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục (độc giả có thể truy cập vào địa chỉ ier.edu.vn để tìm hiểu). 

Các giải pháp luôn được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu thực trạng. Có nhiều dạng bạo lực học đường và chúng tôi cho rằng mỗi dạng đều có các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan mà các giải pháp hướng đến.

Cuối năm nay, chúng tôi sẽ công bố kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục. Nếu anh Hải quan tâm, xin liên hệ qua email kimnguyen@ier.edu.vn.

Cảm ơn câu hỏi của anh Hải!

 

Bạn Nguyễn Khôi Minh, 32 tuổi có hỏi:

 

Gởi thầy Huỳnh Thanh Phú. Tôi có con trai đang học lớp 11 một trường THPT có tiếng trên địa bàn TP. Tôi hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo khi đứng lớp bởi học sinh đang trong giai đoạn muốn chứng tỏ, dễ có phản ứng tiêu cực nếu không đạt điều mong muốn. Tôi mong được thầy chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ những học sinh cá biệt, làm sao để các em phát triển nhân cách theo hướng đúng đắn nhưng vẫn tôn trọng quyền cá nhân của học sinh?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Theo tôi không nên sử dụng cụm từ học sinh cá biệt dành cho các em. Có một thực tế là hiện nay, giáo viên, phụ huynh còn nhìn nhận các em dưới góc độ khắt khe. Chúng ta phải biết học sinh của thời đại 4.0 bây giờ các em rất năng động, hiểu nhiều, biết nhiều nên có những phản ứng qua lời nói và cử chỉ. Nếu chúng ta "chấp" những hành vi đó thì sẽ cho rằng đó là những học sinh cá biệt.

Theo tôi, đối với những em năng động rất dễ dạy vì các em rất thích những lời yêu thương chia sẻ và đồng cảm. Như vậy, tôi cho rằng phụ huynh và giáo viên phải xuống một thang trong giao tiếp với các em.

 

Bạn Lê Thị Bích Hiền, Quận 4, TPHCM có hỏi:

 

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý, xin ông cho biết trước hàng loạt vụ bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần xảy ra đối với học sinh trong thời gian qua, theo ông đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Thực tế một số vụ xảy ra trong ngành giáo dục đã làm đau lòng mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, đây là một số ít trong ngành sư phạm nhưng lại là ngành đào tạo con người nên đã động tâm lý rất lớn.

Theo tôi, những thầy cô này chưa có đủ tình yêu với trẻ, đạo đức bản thân chưa tốt, năng lực chuyên môn chưa cao và thiếu khả năng tự học tự rèn.

 

Bạn Lê Thị Nga, Quận 5, TPHCM có hỏi:

 

Sau hàng loạt vụ việc giáo viên vi phạm chuẩn mực đạo đức và nghiệp vụ sư phạm, xin bà cho biết phải chăng chương trình và hình thức đào tạo sinh viên trong các trường sư phạm hiện nay đã không còn phù hợp? Theo bà vấn đề giáo dục đạo đức, tinh thần cho giáo viên có cần được quan tâm nhiều hơn giáo dục về kiến thức?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay thật ra luôn đáp ứng 3 mục tiêu: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Vấn đề là khi thực hiện chúng ta tập trung nhiều vào kiến thức hơn.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc gắn kết giữa các trường đào tạo giáo viên với cơ sở giáo dục còn chưa thật thực chất. Chưa có một cơ chế hợp lý cho việc kết hợp khi giáo viên quá bận rộn với việc dạy để thi, còn sinh viên thực tập thì chỉ lưu lại trong một thời gian quá ngắn, chưa thể thâm nhập được với cuộc sống thực tế của nhà trường. Việc thực tập là không thực mà việc thi cử là việc thực.

Kinh nghiệm làm việc với các nhà tuyển dụng cho thấy thái độ làm việc quan trọng hơn kiến thức rất nhiều, dù năng lực chuyên môn cũng quan trọng không kém. Theo tôi, các trường sư phạm cần xem trọng tất cả các mục tiêu. Một nghiên cứu của tôi cho rằng, đối với học sinh có vấn đề thì thái độ là cực kỳ quan trọng. Lúc đó, giáo viên giỏi chuyên môn mà không quan tâm thì không giúp được gì cho các em.

 

Bạn Nguyễn Trung Việt, Tân Bình, TPHCM có hỏi:

 

Xin hỏi thầy Huỳnh Thanh Phú, ở trường THPT Nguyễn Du đã có phòng tư vấn tâm lý chưa ah? Theo thầy thì ở các trường có nên có phòng này hay không? Và làm thế nào để phòng này hoạt động tốt, kịp thời giải tỏa tâm tư, tình cảm cho cả học sinh lẫn giáo viên, thưa Thầy?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Ở Trường THPT Nguyễn Du đã có phòng tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, học sinh ít vào do cô tư vấn có tuổi đời trẻ. Bản thân tôi phụ trách tư vấn nên các em thường tìm gặp thầy hiệu trưởng tư vấn là chính.

Ở nhà trường nếu có phòng tư vấn tâm lý thì sẽ có thể tốt hơn nếu đội ngũ tư vấn tâm lý đủ về chất và lượng.

Giao lưu trực tuyến Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trả lời câu hỏi độc giả. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

 

Bạn Lê Đình Tú, Quận 6, TPHCM có hỏi:

 

Được biết mỗi năm Sở chỉ tổ chức đối thoại với học sinh một lần duy nhất trong năm. Năm nay, nếu sự việc cô giáo không nói gì suốt 3 tháng lên lớp ở Nhà Bè không được học sinh dũng cảm nói ra thì không biết sự việc còn kéo dài bao lâu nữa. Xin được hỏi Sở GD-ĐT có tính đến việc tăng thêm số lần tổ chức đối thoại, mở rộng thêm hình thức (như gởi thư tay, viết mail) để học sinh có thêm nhiều kênh phản ảnh bức xúc của các em?

 

Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu thành phố là hoạt động truyền thống được ngành tổ chức trong nhiều năm qua. Chương trình được tổ chức với mục đích lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của học sinh về những vấn đề các em đang quan tâm. Chương trình được tổ chức 1 năm 1 lần cấp thành phố. Tuy nhiên bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các trường mỗi năm nhà trường tổ chức đối thoại với học sinh ít nhất 2 lần/năm học.

Như vậy, ở góc độ nhà trường, việc đối thoại với các em học sinh là việc làm rất cần thiết, là kênh thông tin quan trọng để cán bộ quản lý nhà trường nắm bắt được những vấn đề học sinh tại đơn vị quan tâm và nắm bắt được hoạt động giảng dạy của đội ngũ giáo viên và các bộ phận có liên quan trong nhà trường.

Ngoài việc tổ chức đối thoại, nhà trường còn tăng cường việc tiếp nhận thông tin của các em thông qua các tổ chức đoàn thể, giáo viên tư vấn tâm lý và đội ngũ thầy cô giáo để có những giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề có liên quan đến các em.

Riêng đối với ngành giáo dục thành phố, ngoài việc gặp gỡ giữa lạnh đạo ngành với học sinh thành phố thì các phòng ban chuyên môn, đặc biệt là phòng chính trị tư tưởng có nhiệm vụ nắm bắt thông tin tâm tư nguyện vọng của học sinh thông qua đội ngũ thầy cô trợ lý thanh niên, thông qua những thông tin phản ánh trực tiếp của học sinh về ngành.

Tuy nhiên, với nhu cầu hiện nay của học sinh, ngành cũng sẽ tính đến việc tăng cường các hình thức để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, để giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của các em.

Giao lưu trực tuyến Ông Nguyễn Minh đang trả lời câu hỏi độc giả. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

 

Bạn Võ Thị Lưu, Quận 4, TPHCM có hỏi:

 

Qua các vụ việc được báo chí đưa ra ánh sáng thời gian qua, tôi lo ngại vẫn còn đâu đó nhiều việc bức xúc, những tâm tư, tình cảm của học sinh chưa có cơ hội được giải bày trong mối quan hệ thầy – trò. Theo bà, phải chăng cơ chế phản biện đang thiếu được quan tâm trong ngành giáo dục? Trong đó, trường học chỉ quen truyền thụ tri thức một chiều, chưa có thói quen lắng nghe góp ý của người học. Quy tắc dân chủ, nghiêm minh cũng chưa được thực hiện tốt. Theo bà, đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Tôi đồng ý với ý kiến của bạn!

Tôi cho rằng sự phản biện (critical thinking) là một trong những kỹ năng quan trọng của con người trong thời đại hiện nay. Chúng ta muốn có những công dân của thế kỷ 21, cho nên việc đề cao các đức tính như ngoan, hiền, dễ bảo của học sinh đã trở nên lạc hậu. 

Yêu cầu của ngành giáo dục hiện nay là khả năng lắng nghe từ nhiều phía, giải quyết vấn đề cá nhân và vấn đề chung ngày càng quan trọng.

Nhà trường nên có những buổi để lắng nghe học sinh hơn. Những buổi sinh hoạt chủ nhiệm cần thực chất hơn. Nên để học sinh nói nhiều hơn giáo viên; nên có thêm các kênh thông tin, và đặc biệt là không chỉ nên nghe mà còn giải quyết.

Tôi cho rằng có rất nhiều cách để khắc phục và xây dựng văn hóa này trong nhà trường.

Giao lưu trực tuyến TS Nguyễn Kim Dung trả lời câu hỏi độc giả. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

 

Bạn Nguyễn Thu Hằng, Củ Chi, TPHCM có hỏi:

 

Có ý kiến cho rằng khi các vụ bạo hành được phát hiện, phản ứng của cơ quan quản lý quá chậm, thiếu tính nghiêm khắc, răn đe. Ý kiến của ông thế nào về nhận định này?

 

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Tôi đồng ý với bạn là giải quyết những vấn đề bạo lực trong nhà trường phải rất nhanh chóng và kịp thời, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm ảnh hưởng rất nhanh chóng trong hệ thống giáo dục nói chung.

 

Bạn Nguyễn Thu Hương, Quận 7, TPHCM có hỏi:

 

Xin chào TS Huỳnh Công Minh, được biết giờ ông đã nghỉ hưu nhưng nếu có một góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông mới, ông sẽ đề xuất ý kiến gì, đặc biệt đối với vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh? Xin cảm ơn ông!

 

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Vấn đề xây dựng chương trình giáo dục mới như bạn đã biết dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động lực lượng để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới một cách tích cực và trách nhiệm. Nhiều nhà khoa học và nhà giáo kinh nghiệm đã có những ý kiến đóng góp trong thời gian vừa qua. Theo tôi, vấn đề quan trọng lúc này là sự chuẩn bị để triển khai chương trình giáo dục mới ấy.

Giao lưu trực tuyến TS Huỳnh Công Minh đang trả lời thắc mắc của bạn đọc. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

 

Sự chuẩn bị trước hết đó là đội ngũ thầy cô giáo. Chúng ta phải quán triệt thật sâu sắc quan điểm giáo dục mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng thay vì khoa bản. Đây là mục tiêu cơ bản mà mỗi thầy cô giáo phải biết vận dụng vào từng tiết dạy, từng lời nói, từng hoạt động trong môi trường sư phạm nhà trường. Làm sao chúng ta có thể thoát ra khỏi thói quen khoa bản đối phó với thi cử mà quên đi thiên chức dạy người.

Nếu mỗi thầy cô giáo đều làm được công việc như vậy tức là chúng ta đã làm tốt công tác giáo dục đạo đức và rèn kỹ năng sống cho học sinh qua từng giờ dạy, từng cấp học trong nhà trường.

Về mặt quản lý, nhà quản lý giáo dục hãy quan tâm nhiều hơn và hiệu quả hơn về vấn đề chế độ chính sách cho thầy cô giáo, đảm bảo đời sống và điều kiện làm việc.

 

Bạn Trần Hoài Nam, Nhà Bè, TPHCM có hỏi:

 

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến vấn đề ứng xử trong trường học ngày càng báo động là do chi phối của nền kinh tế thị trường, mối quan hệ thầy – trò đã thay đổi. Trong đó, trường học hoạt động theo cơ chế dịch vụ, tinh thần tôn sư trọng đạo ngày càng bị xem nhẹ. Ý kiến của bà như thế nào về nhận định này?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Thật ra trong một xã hội mà văn hóa tôn sư trọng đạo luôn được xem trọng như Việt Nam thì sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường sẽ tất nhiên tạo ra nhiều mâu thuẫn. Chúng ta luôn đòi hỏi giáo viên phải chuẩn mực, phải là tấm gương... trong khi giáo viên của chúng ta hiện đang là những người có nhiều vấn đề nhất khi chế độ đãi ngộ, chế độ lương dành cho họ chưa đủ để họ có thể cống hiến hết sức lực của mình.

Ngoài ra, vấn đề tuyển sinh đúng đối tượng, chất lượng đào tạo giáo viên cũng là việc mà chúng ta chưa giải quyết được. Tôi đồng ý với ý kiến mà bạn đã nêu. Và tôi cho rằng quan hệ giáo viên - học sinh ngày nay cần được xem là hướng dẫn, hỗ trợ thay vì chỉ dạy và dỗ. Điều này có thể sẽ đỡ tạo áp lực cho giáo viên hơn và tăng tính chủ động của người học hơn.

Giao lưu trực tuyến Thắt chặt tình cảm thầy - trò là một trong những giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường. Ảnh: THU TÂM

 

Bạn Trần Gia Huy, Quận 12, TPHCM có hỏi:

 

Qua vụ việc em Phạm Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) phản ảnh giáo viên môn Toán lên lớp “suốt 3 tháng không nói gì với học sinh”, dư luận vẫn chưa hết bất bình khi kết quả xử lý cô Trần Thị Minh Châu chỉ là tạm ngưng đứng lớp, được phân công một công việc khác trong trường, tức vẫn tiếp xúc với học sinh. Phải chăng các quy định về xử phạt giáo viên hiện nay quá nhẹ (trước đó cô Châu từng nhận quyết định kỷ luật của Giám đốc Sở GD-ĐT TP vào đầu năm 2012) nên thiếu tính răn đe? Xin hỏi có quy định nào của ngành về quản lý và xử phạt giáo viên tái phạm?

 

Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi trên!

Hiện nay việc xử lý giáo viên vi phạm căn cứ theo  Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Theo Nghị định này, đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

Như vậy, đối với trường hợp cô Châu, Hội đồng kỷ luật Trường THPT Long Thới họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Căn cứ Nghị định này, tại điều 9 các hình thức kỷ luật đối với viên chức có 3 hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Theo Nghị định, viên chức bị kỷ luật cảnh cáo do không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong khi thực hiện nghề nghiệp, gây hậu quả thật nghiêm trọng. 

Giao lưu trực tuyến Cô giáo Trần Thị Minh Châu (trái), giáo viên dạy môn Toán bị học sinh phản ảnh "suốt 3 tháng lên lớp không nói gì với học sinh"

 

Đối với cô Châu, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo. Trước khi được phản ánh, cô Châu được phân công giảng dạy 4 lớp. Ngoài lớp 11A1 cô Châu không giảng bài trong thời gian 3 tháng, các lớp còn lại cô Châu giảng bài bình thường. Hội đồng kỷ luật nhà trường căn cứ vào việc cô Châu đã nhận thức được hành vi của mình là không đúng và có thái độ khắc phục, cô Châu có tham gia phụ đạo cho học sinh yếu của lớp 11A1 vào buổi chiều theo hình thức tự nguyện, không thu tiền. 

Hiện nay Ngành giáo dục đào tạo thành phố xử lý giáo viên vi phạm đều căn cứ vào Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. 

 

Bạn Nguyễn Mai Trâm, Quận 10, TPHCM có hỏi:

 

Tôi được biết tại buổi đối thoại giữa ban giám hiệu và phụ huynh vừa qua ở Trường THPT Nguyễn Du, có một phụ huynh đã đứng lên đọc bảng liệt kê rất dài những bức xúc của học sinh gởi đến các thầy, cô giáo từ cơ sở vật chất (nhà vệ sinh thiếu đèn chiếu sáng) đến phương pháp dạy của giáo viên Văn (dạy cả tháng trời không hết một bài học), công tác quản lý của giám thị… Xin hỏi nhà trường đã có những biện pháp gì để giải tỏa những bức xúc đó, giúp mối quan hệ thầy – trò trở nên tốt đẹp hơn?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Tôi cho kiểm tra ngay các vấn đề đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh... Tất cả đã được khắc phục ngay sau buổi đối thoại.

Đối với giáo viên dạy môn Văn, ngay hôm sau chúng tôi đã làm việc và kiểm tra việc phản ánh của phụ huynh. Tuy nhiên, mức độ của sự việc không nhiều như phản ánh, nhưng giáo viên bộ môn Văn cũng phải rút kinh nghiệm.

Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi đã có phản hồi với phụ huynh. Hiện tại tình cảm giữa cô trò đã có tiến triển tốt hơn.

 

Bạn Nguyễn Quang Khoa, Quận 3, TPHCM có hỏi:

 

Theo TS Huỳnh Công Minh, đâu là liều thuốc khẩn cấp và đặc trị bệnh áp lực học đường? Để trị căn bệnh đó, cần sự phối hợp như thế nào giữa giáo dục gia đình và nhà trường?

 

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Khái niệm về bạo lực học đường hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phải nói rằng đó là một vấn đề cần phải được khắc phục trong tình hình mới khi mà tâm lý của học sinh và của cả xã hội có những thay đổi rất đặc biệt so với trước đây.

Bạo lực học đường theo nghĩa thông thường xuất phát từ những yếu tố rất cơ bản đó là gia đình, xã hội và học đường. Như vậy, liều thuốc chữa bệnh ấy phải là một sự tổng hợp của các môi trường liên quan.

Về mặt học đường, phải giải quyết từ quan hệ thân thiện và tấm lòng nhân hậu của thầy cô giáo, của một hệ thống quản lý của nhà trường cùng với những điều kiện hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh mà khoa học sư phạm đã được khẳng định.

Giao lưu trực tuyến Thắt chặt tình cảm thầy - trò là một trong những giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường. Ảnh: THU TÂM

 

Vấn đề thành tích thi cử cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đối với áp lực của học sinh và thầy cô trong nhà trường. Là thầy cô giáo, những nhà giáo dục có tâm huyết và bản lĩnh hãy tích cực và chủ động để định hướng tốt cho học sinh và phụ huynh trong quá trình giáo dục, giảng dạy của mình.

 

Bạn Nguyễn Miền, Thủ Đức, TPHCM có hỏi:

 

Ông có nhận định gì trước ý kiến chính sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ, các mối quan hệ trong xã hội ngày càng thay đổi theo sự điều tiết của cơ chế thị trường khiến hoạt động trường học cũng gặp nhiều khó khăn hơn? Vậy trường học cần thay đổi gì để đáp ứng nhu cầu đặt ra từ thực tế?

 

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã có sự quan tâm!

Thật ra, cuộc cách mạng 4.0 xảy ra cũng là một nhu cầu phát triển của xã hội có tính quy luật của nó. Nếu nhà giáo dục nắm được quy luật ấy và có những chuẩn bị phù hợp thì sự phát triển của ngành sẽ không gặp khó khăn vì đó là bản chất của hoạt động quản lý giáo dục. Nếu chúng ta không nắm bắt được vấn đề, không có sự chuẩn bị đúng hướng thì dù xã hội không thay đổi hoạt động giáo dục tất yếu phải gặp khó khăn.

Với cuộc cách mạng 4.0, theo tôi hoạt động quản lý giáo dục phải có sự đổi mới mạnh mẽ và kịp thời về tư duy, về đào tạo sư phạm, về thiết chế tổ chức nhà trường và cơ cấu đầu tư... để chúng ta tự tin và thành công để đón nhận cuộc cách mạng ấy.

 

Bạn Nguyễn Hoàng Minh, Phú Nhuận, TPHCM có hỏi:

 

Qua các vụ việc diễn ra gần đây, có thể thấy vai trò và trách nhiệm của người hiệu trưởng rất quan trọng. Nhưng làm sao để trở thành “người bạn lớn” đối với học sinh, giúp các em có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm vừa có thể gần gũi với giáo viên để kịp thời giải tỏa những khó khăn, gút mắc của các thầy, cô giáo là câu hỏi lớn không phải trường nào cũng làm được. Mong ông chia sẻ thêm về một số kinh nghiệm của mình trong công tác quản lý.

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Trường THPT Nguyễn Du đã thành lập Ban tư vấn học đường, thành phần nhất thiết phải có Ban giám hiệu và một số giáo viên được các học sinh yêu quý.

Hiệu trưởng phải luôn tiếp xúc, và tạo điều kiện gặp gỡ với học sinh mọi lúc mọi nơi. 

Tổ chức các buổi tọa đàm các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi tham quan ngoại khóa... để tạo sự kết nối.

Tổ chức các hoạt động mang hơi thở thời đại 4.0 như: Nhảy Flashmod, halloween, giao lưu với các đoàn học sinh quốc tế, tham quan học tập ở nước ngoài...

 

Bạn Nguyễn Chí Công, Tân Phú, TPHCM có hỏi:

 

Tôi được biết hiện nay ngành giáo dục chưa có quy định biên chế đối với đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị. Đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý học sinh còn nhiều bất cập? Theo ông làm sao để khắc phục tình trạng này?

 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

 

Tôi không nghĩ đây là nguyên nhân dẫn đến sự bất cập. Tuy nhiên, nếu có một chuyên gia tâm lý trong nhà trường thì cũng góp phần làm tốt hơn giải tỏa áp lực cũng như những thắc mắc, trăn trở của các em học sinh trong tuổi mới lớn.

Nhưng thực tế cho thấy, người làm tư vấn có tuổi đời quá trẻ thiếu sự trải nghiệm chắc chắn sẽ có những thiếu sót cho công tác này. Ở Trường THPT Nguyễn Du việc tư vấn này chủ yếu là do Hiệu trưởng.

 

Bạn Trần Nguyên Khang, Thủ Đức, TPHCM có hỏi:

 

Bạo lực học đường đã và đang là vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. Với kinh nghiệm nhiều năm quan sát và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, xin bà cho biết vì sao đã có sự chấn chỉnh, quan tâm của nhiều bộ, ngành nhưng tình trạng này chẳng những không hề suy giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng?

 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

 

Bạo lực học đường thường xuất phát từ các cơ sở giáo dục, cần được giải quyết từ phía nhà trường, mà chủ yếu là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở nhiều hơn. Chỉ khi nó trở thành một vấn đề xã hội, lúc đó vai trò của quản lý nhà nước mới trở thành quan trọng. Tôi cho rằng sự chấn chỉnh của các Bộ, ngành là khá sâu sát. Tuy nhiên, vẫn còn chưa hoàn toàn kịp thời và đi vào bản chất của vấn đề.

Thật ra, bạo lực học đường là vấn đề không phải chỉ ở Việt Nam mà đó là vấn đề mang tính toàn cầu, khi xã hội ngày càng đa dạng, con người ngày càng đối diện với những vấn đề phức tạp, trong đó kỹ năng giải quyết vấn đề, chấp nhận sự đa dạng trong quan điểm, kiểm soát hành vi trở thành những kỹ năng cần thiết mà chúng ta chưa trang bị được cho các bạn trẻ.

Do đó, tôi cho rằng ở mỗi cấp độ, từ vĩ mô (ngành, nhà nước) cho đến vi mô (trường học, giáo viên), đều chưa có sự chuẩn bị đó cho học sinh của mình.

 

Bạn Nguyễn Hoàng Minh, Thủ Đức, TPHCM có hỏi:

 

Từng ở vai trò lãnh đạo ngành giáo dục nhiều năm trước, xin ông cho biết có nhận định gì về những thay đổi của ngành giáo dục trong thời gian qua? Trong đó, vấn đề bạo lực học đường phải chăng đang có dấu hiệu diễn tiến theo chiều hướng xấu? Xin cảm ơn ông!

 

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

 

Cảm ơn bạn đã có sự quan tâm!

Xã hội thực tế luôn thay đổi, ngành giáo dục cũng có những thay đổi tích cực để đáp ứng. Mỗi lúc có những yêu cầu phát triển khác nhau, ngành giáo dục hiện nay đã có những thay đổi rất đáng trân trọng. Tình hình bạo lực học đường là một vấn đề rất nhạy cảm, nếu chúng ta quan tâm giải quyết kịp thời từng sự việc tình hình sẽ tốt hơn.

Theo SOGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất