Không phải ngẫu nhiên mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thân chinh đến CHDCND Triều Tiên và “giải cứu” thành công hai nhà báo nữ Mỹ bị giam cầm chỉ trong vòng 20 giờ.
Mới đây, Nhà Trắng tiết lộ hồi giữa tháng 7, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il đã ra điều kiện trả tự do cho hai nhà báo Mỹ Euna Lee và Laura Ling: một đại sứ đặc biệt của Mỹ phải đến Bình Nhưỡng và đó phải là ông Clinton. Cựu phó tổng thống Al Gore, người sáng lập kênh truyền hình Current TV nơi hai nhà báo làm việc, và các quan chức chính quyền Obama đã chuyển đề nghị của Bình Nhưỡng đến ông Clinton vào ngày 24-7. Cựu tổng thống Mỹ đồng ý với một điều kiện: một khi ông đến, hai cô Lee và Ling phải được trả tự do và Bình Nhưỡng đã đồng ý.
Tại sao lại là ông Clinton?
Tại sao Chủ tịch Kim Jong Il lại mời đích danh ông Clinton? Câu chuyện có thể bắt đầu từ gần 10 năm trước khi ông Clinton chuẩn bị rời Nhà Trắng. Bà Wendy Sherman, cố vấn của cựu ngoại trưởng Madeleine Albright, và nhiều cựu quan chức Nhà Trắng tiết lộ lúc bấy giờ Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã tiến sát đến một thỏa thuận, theo đó Bình Nhưỡng sẽ ngừng phát triển, thử nghiệm và xuất khẩu tên lửa. Đổi lại Mỹ sẽ bình thường hóa quan hệ với CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ nhận hàng tỉ USD tiền viện trợ từ Mỹ và Nhật, và quan trọng nhất là tổng thống Mỹ sẽ đến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên.
Bà Sherman và các cựu quan chức Nhà Trắng khẳng định ông Kim rất mong chờ chuyến viếng thăm của ông Clinton, bởi đó sẽ là lời khẳng định Mỹ và CHDCND Triều Tiên là hai quốc gia ngang hàng. Trong một cuộc họp kín tại Washington hồi tháng 10-2000, người đứng thứ hai trong chính quyền Bình Nhưỡng khi đó là ông Cho Myong Rok đã trao thư mời của ông Kim đến tận tay ông Clinton. Bà Sherman kể cuối tháng 10-2000, khi bà Albright đến Bình Nhưỡng, ông Kim đã khẳng định với bà Albright là vụ thử tên lửa Taepodong I năm 1998 “là vụ thử tên lửa Taepodong đầu tiên và cũng sẽ là cuối cùng”.
Tuy nhiên, đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã sụp đổ do Bình Nhưỡng muốn giữ lại loại tên lửa cỡ nhỏ Nodong, vũ khí Bình Nhưỡng sử dụng để thị uy với Hàn Quốc và Nhật. Hơn nữa, khi đó ông Clinton lại dồn tâm trí vào thỏa thuận hòa bình Trung Đông (cũng thất bại) và đã không đến thăm CHDCND Triều Tiên. Vài tháng sau, ông Kim phát hiện tổng thống Mỹ mới George Bush có quan điểm hoàn toàn trái ngược với ông Clinton về quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên. Ông Bush cắt đứt mọi quan hệ với CHDCND Triều Tiên và thẳng thừng tuyên bố không có ý định đối thoại với Bình Nhưỡng. Ông Bush còn có lần miêu tả ông Kim là “đứa trẻ ngỗ nghịch” và các tờ báo Mỹ đồng loạt đăng lời của ông Bush. Kể từ đó, quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên rơi vào khủng hoảng.
Ông Kim và ông Clinton đã nói gì?
Trước khi ông Clinton đến Bình Nhưỡng, Nhà Trắng cũng đặt ra một điều kiện là chuyến đi của ông hoàn toàn mang tư cách cá nhân, vì mục đích nhân đạo, và không liên quan gì đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo các quan chức Nhà Trắng, trước khi đi ông Clinton đã không gặp gỡ hay trao đổi gì với Tổng thống Barack Obama. Ngày 1-8, ông Clinton có buổi họp cuối cùng với các quan chức Nhà Trắng tại nhà ông ở Washington.
Ông Clinton đến CHDCND Triều Tiên với cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John Podesta, một số cố vấn khác của ông và các điệp viên mật vụ. Ở Bình Nhưỡng, ông Clinton và các cố vấn đã họp với ông Kim trong 75 phút trước khi hai bên dùng bữa tối trong hai giờ. Một cố vấn của ông Obama tiết lộ nội dung chính của cuộc thảo luận là số phận của cô Lee và cô Ling, tuy nhiên ông Clinton cũng đề cập một số vấn đề nhân đạo. Ông Clinton đề nghị ông Kim thúc đẩy giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc, và đề nghị Bình Nhưỡng sớm thả các công dân Hàn Quốc đang bị giam giữ tại miền Bắc. Bình Nhưỡng hiện đang tạm giữ một công nhân Hàn Quốc làm việc ở Khu công nghiệp Kaesong vì tội phỉ báng chính quyền CHDCND Triều Tiên, và tuần trước bắt một tàu cá Hàn Quốc với bốn thủy thủ sau khi con tàu này xâm phạm lãnh hải CHDCND Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu ông Clinton và ông Kim có thảo luận vấn đề hạt nhân hay không, cố vấn của ông Obama cho biết là “có thể” nhưng thừa nhận “không rõ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood nhấn mạnh ông Clinton “không mang theo một thông điệp nào từ phía các quan chức Mỹ”. Bản thân ông Clinton mới đây cho biết ông không cố gây ảnh hưởng lên động thái của hai bên. Ông Clinton khẳng định mình “không phải là một nhà hoạch định chính sách”. Trong vài ngày tới, các quan chức an ninh quốc gia của Nhà Trắng sẽ thảo luận chi tiết với ông Clinton về chuyến đi.
Theo Tuổi trẻ