Dành ngày khai giảng cho học sinh - câu chuyện tưởng cũ bỗng nhiên lại
trở thành vấn đề được dư luận quan tâm trong mùa khai trường năm nay.
Thời
gian trôi qua, cuộc sống đưa mỗi người tới một chân trời khác nhau,
nhưng nhớ lại những ngày tuổi thơ cắp sách tới trường, không ai không
nhớ cảm thấy náo nức khi nghe tiếng trống ngày khai trường. Lại càng khó
quên cảm giác xao xuyến, bâng khuâng khi gặp lại thầy giáo, cô giáo và
bạn bè thân thương sau những tháng nghỉ hè, để rồi cùng háo hức bước vào
một năm học mới tràn đầy hứng khởi.
Thế nhưng, với các em
học sinh ngày nay, cảm giác thiêng liêng, xao xuyến, vui tươi của ngày
khai trường dường như bị nhạt nhòa. Các em đã học trước ngày khai giảng
cả tháng trời; trước ngày khai giảng, các em mất hàng tuần… tập khai
giảng. Và ngày khai giảng đôi khi trở thành nỗi ám ảnh, chán ngán khi
các em phải đội nắng, đội mưa xếp hàng vẫy cờ đợi lãnh đạo, rồi ngồi vài
tiếng dưới nắng, dưới mưa để nghe các bài phát biểu dài dòng, trừu
tượng và khó hiểu của lãnh đạo nhiều cấp, đại diện các ban, ngành, phụ
huynh, học sinh…
Để ngày khai trường trở
thành ngày hội thật sự của học sinh, năm nay lễ khai giảng được tổ chức
đồng thời vào một ngày trong cả nước, đúng vào ngày Bác Hồ gửi thư cho
các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), ngày 5/9/1945.
Mùa khai trường năm
nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các địa phương và các trường tổ chức
lễ khai giảng ngắn gọn, nhưng trang trọng và ý nghĩa, cắt giảm những
diễn văn dài dòng và tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ - thể thao - trò
chơi vui tươi, để ngày khai giảng thực sự mở đầu cho một năm học vui
tươi, với những cảm xúc thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi.
Việc tổ chức lễ khai
giảng như năm nay cũng tạo thuận lợi hơn cho các trường cả về thời gian
và cách tổ chức, vì công tác chuẩn bị gọn nhẹ, đơn giản hơn các năm
trước.
Ngày khai giảng cũng là
“Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, vì thế, cần quan tâm tới việc
tạo điều kiện để tất cả các em học sinh được đi học thuận lợi, nhất là
các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Chính vì thế, trong dịp khai giảng,
các địa phương cần tăng cường trang bị thêm về cơ sở vật chất; xây thêm
nhiều trường học mới và quan tâm nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo
viên các cấp.
Không những ngày khai
giảng cần được trả về đúng nghĩa, dành cho đúng đối tượng, mà việc dạy
và việc học cũng cần được hiểu cho đúng và thực chất hơn. Người dạy cần
khơi gợi và tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, không nên để tồn tại
cảnh học sinh ra rả học thuộc các bài văn mẫu trước kỳ thi; thầy giáo,
cô giáo yêu cầu các em phải trả lời đúng từng câu, từng chữ trong đáp
án. Nếu dạy học theo kiểu ấy, chúng ta sẽ có các lứa học trò tựa như
được đúc từ một khuôn, không khuyến khích việc tự suy nghĩ, sáng tạo và
năng động của các em.
Và nói như Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam tại một hội nghị của ngành Giáo dục - Đào tạo mới đây,
chúng ta có thể đưa ra nhiều triết lý giáo dục, nhiều cách thể hiện khác
nhau, nhưng suy cho cùng, giáo dục là dạy chữ cho các em và dạy cho các
em trở thành người tốt, có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc và được
trang bị đầy đủ các các kỹ năng của công dân toàn cầu./.
Theo VOV