Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 19/4/2011 23:26'(GMT+7)

Đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân

Ký thỏa thuận đào tạo nhân lực cho Điện hạt nhân với Bộ GD

Ký thỏa thuận đào tạo nhân lực cho Điện hạt nhân với Bộ GD

Chủ trương đúng

Đối với bất kỳ một quốc gia nào có kế hoạch xây dựng NM điện hạt nhân, vấn đề chuẩn bị nhân lực cho dự án là vô cùng quan trọng và cần phải đi trước một bước, vì nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính hiệu quả kinh tế của NM. Đặc biệt với Việt Nam, vấn đề này lại càng quan trọng vì chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc phát triển điện hạt nhân và chúng ta cần hết sức cẩn trọng, chuẩn bị thật chu đáo cho việc xây dựng nhà máy điện công nghệ cao và đòi hỏi độ an toàn tuyệt đối này.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực thực hiện chủ trương trên của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và Công văn số 460/TTg-KTN ngày 18/3/2010 về Kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam( EVN) làm chủ đầu tư Dự án Đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án NM điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận và phối hợp với Bộ GD & ĐT để thực hiện.

Vì vậy, nhu cầu nhân lực cho chương trình điện hạt nhân ở giai đoạn đầu từ nay đến 2020 của Việt Nam khá lớn, bao gồm: nguồn nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng các NM điện hạt nhân; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân; nguồn nhân lực cho vận hành và bảo trì NM điện hạt nhân. Nguồn nhân lực này phải đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bảo đảm khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý NM điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.

Cụ thể hóa từng bước

Xác định được tầm quan trọng này, EVN đã sớm tích cực triển khai các chương trình đào tạo chuẩn bị nhân lực cho dự án điện hạt nhân. Từ năm 2004 đến nay, EVN đã cử khoảng 172 lượt cán bộ tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về nhiều lĩnh vực khác nhau trong NM điện hạt nhân tại các quốc gia có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng NM điện hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp….EVN cũng đã lựa chọn và cử 29 người là con em CBCNV ngành điện có thành tích học tập tốt (như đạt giải thành phố, quốc gia các chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, Tin hoặc ít nhất đạt 25 điểm thi đại học khối A) đi đào tạo kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân tại Đại học Năng lượng Matxcơva (MPEI). Đến năm 2013, sẽ có 9 kỹ sư đầu tiên hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân tại MPEI trở về nước phục vụ cho dự án. Ngoài ra, EVN đã cử 02 cán bộ đi đào tạo tiến sỹ điện hạt nhân tại Nga và Thụy Điển.

Năm 2010, EVN tiếp tục cử 08 sinh viên trong tổng số 30 sinh viên của Bộ GD&ĐT đi đào tạo kỹ sư điện hạt nhân tại Đại học Tổng hợp nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga (MEPHI) theo chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam giữa Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom). Để đáp ứng nguồn nhân lực cho 2 NM điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án tiếp theo trong Quy hoạch các NM điện hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mới đây nhất, ngày 6/4/2011, EVN đã cùng với Bộ GD&ĐT thống nhất ký kết Thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân”. Theo đó, hàng năm Bộ GD&ĐT phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên đi đào tạo kỹ sư, thạc sỹ các chuyên ngành điện hạt nhân tại MEPHI. Việc đào tạo được thực hiện căn cứ theo hai hình thức: Biên bản ghi nhớ giữa Bộ GD&ĐT với Rosatom; Hợp đồng giữa Rosatom, Bộ GD&ĐT và EVN, trong đó kinh phí đào tạo do Rosatom tài trợ 50%, EVN tài trợ 50%, các chi phí khác theo chế độ Nhà nước quy định. EVN sẽ cấp bổ sung sinh hoạt phí khoảng 200 USD/người/tháng cho CB-SV được EVN và Bộ GD&ĐT cử đi đào tạo các chuyên ngành về điện hạt nhân tại Nga, trên cơ sở xem xét kết qủa học tập mỗi học kỳ. Đồng thời sắp xếp, bố trí công việc tại các NM điện hạt nhân trong nước cho các đối tượng này sau khi tốt nghiệp. Trường Đại học Điện lực (EPU) thuộc EVN là 1 trong 6 cơ sở đào tạo được Chính phủ cho phép đào tào chuyên ngành Điện hạt nhân đã được Bộ GD&ĐT cho phép tham gia các dự án, chương trình hợp tác và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân với MEPHI. Thoả thuận hợp tác có thời hạn hiệu lực đến hết năm 2020.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngoài số lượng nhân sự do EVN chuẩn bị, Bộ GD&ĐT đã tuyển được 30 sinh viên cử sang Nga đào tạo về lĩnh vực điện hạt nhân. Trong năm 2011, Bộ GD&ĐT đã nhận được 60 hồ sơ xin theo học lĩnh vực này. Đây là kết quả đáng phấn khởi vì ngày càng nhiều sinh viên khá giỏi quan tâm đến lĩnh vực điện hạt nhân.

Dự án NM Điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng công suất 4.000 MW, gồm 2 NM Ninh Thuận 1 và 2, mỗi NM có 2 tổ máy với CS 1000 MW/tổ máy. Dự kiến NM điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ khởi công tháng 12/2014 và vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. NM Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ khởi công vào tháng 5/2015, vận hành tổ máy số 1 vào năm 2021 và tổ máy số 2 vào năm 2022. Dự toán Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm năm 2008.



Trần Thu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất