Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 19/4/2011 22:32'(GMT+7)

Nỗ lực cấp điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2011

 Nước các hồ thủy điện: Tiếp tục thiếu

Đầu năm 2011, như quy luật nghiệt ngã vào những tháng mùa khô, tình hình cung ứng điện lại gặp nhiều khó khăn, hầu hết các hồ chứa thủy điện trên toàn quốc không được thực hiện đạt được kế hoạch tích nước, vì nhiều tháng qua rất ít mưa. Khu vực Tây Nguyên 5 tháng qua gần như không có mưa. Thống kê của Cục Điều tiết điện lực cho thấy, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thủy điện so với mực nước yêu cầu đầy hồ khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh, một số nhà máy nhiệt điện than mới (được đưa vào vận hành trong năm 2010) vẫn hoạt động không ổn định, thường xuyên xảy ra sự cố (nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3, Ô Môn 1, Quảng Ninh, Cẩm Phả…). Trong tháng 3/2011, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Ialy, Trị An, Hàm Thuận... vẫn thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2010 từ 3,5-11 m.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến hết tháng 5 tại khu vực Tây Nguyên lượng mưa hầu như không đáng kể, khả năng hạn hán khốc liệt hơn hẳn các năm trước. Vì vậy, nguồn nước về các hồ chứa dự báo còn thấp hơn từ 10 - 50% so với cùng kỳ. Hồ thủy điện Pleikrông nằm ở thượng nguồn sông Sê San, mực nước cũng chỉ đạt 464,7m, thấp hơn mực nước bình thường 7,3m, bằng khoảng 60% của năm 2010. Đến thời điểm hiện tại, lượng nước về hồ chỉ bằng 65-70% so với trung bình nhiều năm. Mực nước hồ thủy điện Yaly -hồ nước lớn nhất Tây Nguyên- đang ở mức 498 m, chỉ cao hơn mực nước chết gần 9m, đây là mức nước kiệt nhất từ trước đến nay. Hồ thủy điện Sesan 3 cũng chỉ đạt 304,5 m, trên mực nước chết 1,3m. Trên dòng Sê San hiện có 3 NM thủy điện là Yaly, Pleikrong và Sê San 3 với tổng công suất 1.080MW. Nếu nước về đủ thì hàng năm 3 NM sẽ sản xuất được lượng điện bình quân 5,3 tỉ kWh. Song năm 2010, do thiếu nước, tổng sản lượng điện của 3 NM chỉ đạt 3,785 tỉ kWh, bằng 75% kế hoạch giao. NM Thủy điện Đồng Nai 3 dù đã đưa tổ máy số 1 vào vận hành được 3 tháng nhưng cũng chỉ chạy...cầm chừng. Việc sử dụng nguồn nước trên các hồ sao để đảm bảo vừa cân đối sản xuất điện, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng vô cùng khó khăn đối với ngành điện.

Quyết liệt các giải pháp

Nhằm điều hành rốt ráo việc cung ứng điện cho 6 tháng mùa khô 2011, đặc biệt 3 tháng quý II, ngay từ đầu quý I, theo Kế hoạch mà Bộ Công Thương đã phê duyệt, các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu có giá thành cao, nhập khẩu điện từ Trung Quốc được EVN huy động tối đa, mức nước các hồ thủy điện được điều tiết nghiêm ngặt để giữ ổn định cho hệ thống điện quốc gia trong suốt mùa khô. Cũng theo KH này, EVN, các TCT và Điện lực các địa phương phải xây dựng và thực hiện KH cung cấp điện từng tháng, tuần của năm 2011. Sở Công Thương địa phương trực tiếp giám sát về thực hiện cung ứng điện tại địa bàn. Trong trường hợp phải cắt giảm điện do thiếu nguồn điện, phải xác định rõ lịch cung cấp điện cho các đối tượng khách hàng để chủ động trong SXKD và tiêu dùng. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện cũng như thành lập Ban Chỉ đạo điều hành cung ứng điện tại địa phương.

Nhằm huy động tối đa các nguồn điện trong hệ thống, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, trong quí I/2011, EVN đã đưa vào vận hành 3 tổ máy với tổng công suất 515 MW, gồm: TM2-Thuỷ điện Sông Tranh 2 (95MW), TM1-Thuỷ điện Đồng Nai 3 (90MW) và Nhiệt điện Uông Bí MR 2 (330MW). Trong tháng 3, EVN tiếp tục khai thác tối đa các NM nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, tuabin khí và tăng cường nhập khẩu điện. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 3 tháng đầu năm đạt 24,84 tỷ kWh, tăng 10,2% so với 3 tháng đầu năm 2010.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, những diễn biến mới nhất cho thấy, đã có những tín hiệu khả quan đối với việc cung ứng điện các tháng cuối mùa khô. Đó là, tăng trưởng phụ tải điện các tháng 4-6/2011 thấp hơn so với dự báo do thời tiết mát hơn ở miền Bắc, bắt đầu có mưa chuyển mùa ở phía Nam; Sản lượng điện phát của các NM thủy điện trong các tháng 4-6/2011 được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 700 triệu kWh do lưu lượng nước về hồ thủy điện khả quan hơn; Nhập khẩu điện từ Trung Quốc dự kiến tăng thêm khoảng 100 triệu kWh/tháng kể từ tháng 4 này. Theo lãnh đạo Cục này, "về cơ bản có khả năng đảm bảo cung ứng điện cho các tháng 4-6/2011 nếu như không có các diễn biến quá bất thường xảy ra như sự cố các nhà máy điện, nhu cầu điện tăng cao đột biến, v.v...".

Cũng trong tuần trước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN không tiến hành điều hòa, tiết giảm điện trong tháng 4 và cập nhật diễn biến thủy văn, nguồn điện, tăng trưởng nhu cầu điện thực tế để tính toán điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện cho các tháng 5 và 6/2011. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt: huy động tối đa các nguồn điện, kể cả chạy dầu để đáp ứng nhu cầu của phụ tải điện. Bố trí lịch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị máy móc một cách hợp lý; Khắc phục sự cố các tổ máy một cách nhanh nhất. Đẩy nhanh việc khai thác các nguồn điện mới trong 3 tháng tới, đặc biệt là tổ máy số 2 của NM Thủy điện Sơn La (400 MW), tổ máy số 1 của NM Thủy điện An Khê - Ka Nak (86,5 MW), Uông Bí mở rộng 2 (300 MW). Chuyển đổi chạy dầu các tổ máy tua bin khí của cụm NM Phú Mỹ - Bà Rịa, Nhơn Trạch, Cà Mau trong trường hợp thiếu khí Nam Côn Sơn, PM3. Tăng cường tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện trong SXKD, tiêu dùng bằng mọi giải pháp có thể để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, phối hợp thực hiện và khuyến cáo sử dụng điện hợp lý tại các DN trong điều kiện khó khăn về sản lượng hiện nay. Hy vọng với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sự căng thẳng về cung ứng điện cho SXKD, tiêu dùng sẽ sớm được giải tỏa./.

 

Điện SX và mua của EVN tháng 3/2011 ước đạt 8,734 tỷ kWh, tăng 6,56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện SX đạt 3,335 tỷ kWh, điện mua ngoài là 5,399 tỷ kWh. Lũy kế 3 tháng năm 2011, điện SX và mua ước đạt 24,165 tỷ kWh, tăng 10,62% so với cùng kỳ, trong đó điện SX là 9,627 tỷ kWh, điện mua đạt 14,538 tỷ kWh ( trong đó nhập khẩu 1,528 tỷ kWh).



Thu Hiền
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất