Thứ Ba, 26/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 17/2/2016 8:45'(GMT+7)

Dấu ấn từ tiêu chí thứ 20

Một góc khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Một góc khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê, Hà Tĩnh).

|  
 


Từ vườn mẫu…

 

Thăm mô hình vườn mẫu (VM) của ông Nguyễn Văn Trung (78 tuổi) ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), ai cũng mê. Từ vườn cây ăn quả (ổi Đài Loan, hồng xiêm giống mới) đến các giàn bí lúc lỉu quả; rồi các khu ao, chuồng chăn nuôi đầy lợn, vịt, chim bồ câu… Ông Trung khoe: Năm 2013, nhờ phong trào xây dựng VM mà chúng tôi được cán bộ văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, huyện xuống tận tình chỉ dẫn quy hoạch lại khu vườn gần 5.000 m2 thành các khu vực sản xuất riêng. Đất có hàm lượng mùn cao, ở vị trí cao ráo, dễ thoát nước, dành để trồng cây ăn quả; nơi có kết cấu đất tơi xốp, nhất là loại đất thịt pha cát thì trồng rau, mướp ngọt, mướp đắng và bí… Rồi lắp đặt hệ thống tưới phun sương; hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón, trồng cây theo tiêu chuẩn VietGAP; xử lý môi trường… Nhờ đó, từ năm đầu tiên, các sản phẩm cây trồng, vật nuôi đã cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước khi tham gia làm VM. Điều quan trọng hơn, nhờ sản xuất ra sản phẩm sạch, cho nên hàng hóa được tiêu thụ dễ dàng và được giá.

Bí thư Chi bộ thôn Tân An Nguyễn Thị Đạt cho biết, năm 2013, Tân An là một trong năm thôn của tỉnh được lựa chọn xây dựng tiêu chí thứ 20. Xin được nói thêm, VM nằm trong tiêu chí thứ 20 nhưng là phần rất quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, vì thế được xây dựng thêm tiêu chí phụ. Nhờ được cán bộ Văn phòng NTM tỉnh, huyện đến từng hộ gia đình tư vấn về khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, quy hoạch VM, các khu vườn đã được thiết kế, định hướng phát triển bảo đảm tính bền vững; cây, con được bố trí hợp lý gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, phù hợp lợi thế của địa phương. Từ 10 vườn được thí điểm xây dựng ban đầu, trong đó có vườn nhà ông Nguyễn Văn Trung, đến nay mô hình VM đã lan tỏa ra 196/196 hộ gia đình ở Tân An. Bà con đã biết chú trọng phát triển kinh tế vườn bằng các giống cây ăn quả mới, ngắn ngày; các vườn rau, củ, quả như: mướp đắng, mướp ngọt, bí xanh… cho thu nhập từ 50 đến 120 triệu đồng/vườn/năm. “Tiêu chí thứ 20 đã đánh thức tư duy làm vườn để tạo nguồn thu nhập ổn định, đồng thời giải quyết tình trạng “quá tải” trong chăn nuôi lợn ở địa phương thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật; ứng dụng phương thức sản xuất mới, vừa hiệu quả, vừa an toàn” - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Thiên Toàn cho biết.

Nhờ triển khai thành công VM ở thôn Tân An, huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành rút kinh nghiệm và trong năm 2015 đã nhân rộng mô hình với hàng trăm VM khác theo đúng năm tiêu chí phụ mà tỉnh quy định. Với phương châm “làm đến đâu, thành công đến đó”, đến nay huyện lúa này đã có 79 VM đạt chuẩn, cho thu nhập khá, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Không chỉ có huyện Cẩm Xuyên, người dân ở các địa phương khác trong toàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đang hưởng ứng phong trào xây dựng VM. Đến nay, trong số hơn 2.000 VM được xây dựng trên toàn tỉnh, đã có 860 vườn đạt và cơ bản đạt chuẩn.

…Đến khu dân cư nông thôn kiểu mẫu

Qua thực tế xây dựng NTM tại các thôn của những xã đạt chuẩn NTM theo 19 tiêu chí, vẫn chưa thấy một hình mẫu điển hình NTM ở cấp thôn, nhất là mô hình mẫu về kinh tế, cảnh quan, môi trường. Hiện tượng bê-tông hóa hàng rào gia tăng, chặt bỏ cây xanh làm phá vỡ những nét đẹp làng quê Việt Nam. Các vườn hộ từ trước đến nay thường phát triển không có quy hoạch, tùy tiện, thì nay cũng gần như giữ nguyên tình trạng đó. Những nét đẹp văn hóa truyền thống từ ứng xử văn hóa đến các hoạt động cộng đồng chuyển biến theo chiều hướng tích cực chưa đáng kể,... Trong khi cấp xã đã có bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM thì ở cấp thôn chưa có bộ tiêu chí để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện và đánh giá ở cấp thôn, nhất là để xây dựng thôn kiểu mẫu. Vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh quyết định xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 để người dân thực hiện. 

Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho biết: Dù chưa có mô hình mẫu để học tập và chưa tổ chức rút kinh nghiệm, cán bộ cũng như người dân chưa có cơ sở để triển khai nhưng tỉnh vẫn mạnh dạn đưa nội dung xây dựng KDCNTKM thành tiêu chí thứ 20 trong chương trình NTM để thực hiện. Năm 2013, tỉnh bắt đầu thí điểm xây dựng KDCNTKM tại năm thôn đầu tiên đại diện ở ba vùng: miền núi, miền biển và đồng bằng. Hà Tĩnh rất kiên trì, tâm huyết xây dựng quy chuẩn, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn việc hỗ trợ các địa phương từng bước thực hiện. Trong quá trình đó, Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh phối hợp các huyện, thành phố, thị xã tổ chức khảo sát, lựa chọn các khu dân cư và các vườn để triển khai xây dựng. Tỉnh thành lập ba tổ công tác trực tiếp tư vấn quy hoạch, sắp xếp, chỉnh trang vườn hộ, hỗ trợ xây dựng phương án, dự toán và hướng dẫn trong quá trình triển khai. Các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức hàng trăm cuộc xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn bà con. Các xã làm điểm thành lập ban chỉ đạo theo sát, hướng dẫn thực hiện đến tận thôn, xóm; các thôn đã phân công cấp ủy viên, tổ chức đoàn thể phụ trách triển khai thực hiện từng nội dung, từng vườn cụ thể. Ở những khu dân cư điển hình, đảng viên, cán bộ thôn luôn tiên phong hiến đất, góp công, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, xây dựng VM...

Phong trào xây dựng KDCNTKM đã khiến người dân xây dựng NTM một cách hào hứng, phấn khởi. Vườn nhà, thôn, xóm xanh, sạch, đẹp; tình làng, nghĩa xóm được gắn kết hơn và ứng xử văn hóa của người dân nâng lên rõ rệt. Đây là những điều kiện quan trọng nhất để tạo ra những vùng quê đáng sống, nhiều người trở về sống tại quê, phát triển kinh tế quê hương. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 1.050 KDCNTKM được triển khai xây dựng và đã có 460 khu dân cư đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn 10 tiêu chí phụ do tỉnh đề ra. Nhất là các tiêu chí số 1 về nhà ở, công trình phụ trợ; tiêu chí số 2 là vườn hộ, công trình chăn nuôi; tiêu chí số 3 là hàng rào xanh và tiêu chí số 8 là vệ sinh môi trường... Trong số này, có không ít thôn đạt chuẩn KDCNTKM nhưng lại ở các vùng khó khăn, như: Thôn Nam Trà (Hương Trà), thôn 2 (Phúc Trạch) huyện Hương Khê; thôn Mỹ Lộc, thôn Gia Phú (Xuân Viên), thôn Hương Mỹ (Xuân Mỹ) thuộc huyện Nghi Xuân; thôn Yên Thịnh, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn; thôn 4, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang...

Mới đây, khi về thăm các thôn Châu Trinh, Châu Nội,… xã Tùng Ảnh (Đức Thọ), chúng tôi “mê mẩn” cách bà con xây dựng NTM theo chiều sâu bằng mô hình nhà - vườn mẫu, KDCNTKM: xanh, sạch, đẹp. Từ vườn xanh, rào xanh, sạch từ ngõ vào tới bếp... đến nhà cửa ngăn nắp. Theo lãnh đạo địa phương, để có được vườn xanh, trên cơ sở tư vấn từ Ban chỉ đạo NTM các cấp, các gia đình phải tính toán trồng cây gì cho thu nhập cao, dễ bán làm cây trồng chủ lực trong vườn. Chẳng hạn ở thôn Châu Trinh, chỉ với diện tích từ 500 đến 700 m2 vườn nhưng gia đình các ông Phan Xuân Lâm, Nguyễn Ðình Kỳ, Nguyễn Ngọc Minh... đã thu nhập vài chục triệu đồng từ trồng sắn dây mỗi năm. Nhờ có thu nhập từ vườn xanh, các khoản đóng góp xây dựng NTM cũng trở nên dễ dàng hơn. Để giảm áp lực bê-tông hóa, bà con khéo tạo dựng "tường" sắn dây, mướp, hoa ti-gôn, hoa chiều tím chung quanh bờ tường khuôn viên, dọc theo trục giao thông... Không chỉ phát triển kinh tế, các thôn đều tập trung chăm lo đời sống tinh thần cho bà con. Chiều tối, tại các khu thể thao và nhà văn hóa, các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, thể thao rất sôi nổi...

Thăm gia đình ông Phan Xuân Lương (thôn Châu Trinh), chị Lê Thị Hiếu (thôn Sơn Lê) nằm trong khu vườn xanh, nhà cửa, cổng ngõ sạch sẽ khiến ai cũng thích thú. Ông Lương tâm sự: Qua tuyên truyền, chúng tôi hiểu xây dựng NTM là do chính người dân thực hiện, không chỉ lo xây dựng những con đường, nhà văn hóa... mà phải làm từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất trong từng gia đình. Như việc sửa chữa lại ngôi nhà, chuồng trại; dời dọn cổng ngõ, tường rào, cây cối để làm đường giao thông, mương thoát nước, vệ sinh môi trường, đến lời ăn, tiếng nói sao cho văn minh... Xây dựng KDCNTKM, không chỉ góp phần tạo dựng các khu dân cư xanh, sạch, đẹp mà ý thức của người dân với cộng đồng càng được nâng cao. Người dân tham gia hội họp, bàn bạc, đóng góp tích cực hơn, trách nhiệm hơn. Các hủ tục về tang lễ, cưới hỏi đã giảm hẳn và mang tính cộng đồng. Quy định về xử lý rác thải được bà con chấp hành nghiêm. Các nhóm hộ được phân công quản lý từng đoạn đường và đều tiến hành vệ sinh hằng ngày… Đến nay, nhiều người dân ở Tùng Ảnh đang tính giữ hồn quê bằng những ngôi nhà xinh xắn nằm trong khuôn viên xanh. Ở thôn Châu Nội, nhiều nhà có cổng làm bằng cây duối, hàng rào mận hảo, dâm bụt... được cắt tỉa công phu. “Không chỉ Châu Nội, các thôn khác trên quê hương của nhà cách mạng Trần Phú quả quyết, đã có đủ cái ăn, cái mặc thì người dân tự bảo ban nhau gìn giữ gia phong; sống có trước, có sau; có nghĩa, có tình. Coi việc bảo vệ cảnh quan, môi trường của làng xóm như bảo vệ chính ngôi nhà mình” - Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh Phạm Tiến Dũng cho biết thêm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bước đầu Hà Tĩnh đã gặt hái nhiều kết quả trong phong trào xây dựng NTM, nhất là xây dựng bộ tiêu chí thứ 20 này. Hiện một số bộ, ngành T.Ư và nhiều tỉnh bạn cũng đến tham quan, học hỏi và nghiên cứu. Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015), Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM trung ương đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện chương trình trong giai đoạn 2015 - 2020 là Phát động mạnh mẽ phong trào xây dựng KDCNTKM trong cả nước; bước đầu đã khẳng định giá trị nhân văn của tiêu chí thứ 20 do tỉnh Hà Tĩnh sáng tạo ra.

 

 Theo Nhân Dân (Bài và ảnh: THÀNH CHÂU)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất