Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 21/6/2011 22:54'(GMT+7)

Dấu hỏi pháp lý

 

Điều đó không chỉ cho thấy sự thất bại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về mặt chiến thuật mà còn một lần nữa đặt dấu hỏi cho tính pháp lý của cuộc chiến mà NATO đang thực hiện tại quốc gia Bắc Phi này.

Chỉ một ngày sau khi NATO thừa nhận không kích nhầm tại thủ đô Tripoli của Libya làm 9 người dân thiệt mạng và 18 người bị thương, chính quyền Libya lại cáo buộc các cuộc không kích của NATO hôm 20/6, ở thành phố Suaman, cách Tripoli 60 km về phía Tây, làm 15 người thiệt mạng. Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề sát hại dân thường trong cuộc chiến Libya được đề cập, song tính nghiêm trọng của nó chưa bao giờ rõ ràng như lúc này. NATO đang đánh mất uy tín của mình khi không thể chứng minh tính hiệu quả của các cuộc không kích tại Libya, mà ngược lại, các hành động của NATO lại vi phạm chính tiêu chí đặt ra là nhằm bảo vệ dân thường.

Thực tế này khiến dư luận thực sự hoang mang bởi không biết sẽ có bao nhiêu người dân vô tội thiệt mạng vì những hành động quân sự thiếu kiểm soát của NATO trong khi NATO đặt ra thời hạn cho các chiến dịch không kích Libya là tới tận tháng 9.

Một lần nữa, dư luận lại phải đặt dấu hỏi về tính pháp lý của cuộc chiến mà NATO đang triển khai tại Libya. Những gì đang diễn ra tại Libya đã đi quá xa so với các điều khoản quy định trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về thiết lập vùng cấm bay. NATO ngày càng để lộ mục đích thực của mình là lật đổ chế độ Gaddafi bằng mọi giá, chứ không quan tâm đến sứ mệnh được cộng đồng quốc tế giao phó là bảo vệ dân thường. 

NATO không phải không nhận ra thế kẹt của mình, vì thế khối quân sự này dường như đang đứng trước 2 lựa chọn, hoặc tấn công bộ để giành chiến thắng cuối cùng trước lực lượng Gaddafi, hoặc tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến một cách hòa bình. Tuy nhiên, cả hai hướng đi này đều chẳng dễ dàng với NATO.

Liên minh quân sự này đang đứng trước thách thức lớn về khả năng quân sự và hậu cần cho cuộc chiến Libya. Điều đó không chỉ do những khó khăn về tài chính mang lại mà còn do tính pháp lý yếu của cuộc chiến khiến các nước thành viên NATO không có những cam kết mạnh mẽ cho việc tham chiến tại Libya.

Đơn cử như tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang điêu đứng trước sự khiển trách của Quốc hội Mỹ vì đã quyết định tham gia vào các hành động quân sự hao người tốn của ở Libya mà không thông qua Quốc hội. Đó là chưa kể đến những tiếng nói trái chiều về vấn đề chiến thuật tại Libya đã bắt đầu xuất hiện trong NATO khiến sự chia rẽ nội bộ có nguy cơ sâu sắc thêm.

Có thể nói rằng với nguồn lực ngày càng cạn kiệt và dư luận chỉ trích nặng nề, NATO còn khó duy trì không kích lâu dài thì tính chuyện đầu tư cho các cuộc tấn công trên bộ tại Libya sẽ là dấn sâu vào bãi lầy mới. Song liệu có cơ hội nào cho giải pháp hòa bình về vấn đề Libya? Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy tia hy vọng nào cho điều này.

Các chiến dịch quân sự của NATO làm suy yếu chính quyền Gaddafi, song sự ủng hộ của NATO không đủ để lực lượng chống đối tại Libya có thể lật ngược thế cờ. Vì thế, cán cân lực lượng tại Libya chưa rõ ràng và cả 2 đều hy vọng giành phần thắng bằng các nỗ lực quân sự chứ chưa có thiện chí đàm phán.

Hiện tại, chính quyền Gaddafi có vẻ như đã chấp thuận đề xuất hòa giải của Liên minh châu Phi, song lực lượng đối lập thì phản đối gay gắt vì đề xuất này không yêu cầu Nhà lãnh đạo Gaddafi phải từ chức. Ngay cả cuộc họp mới đây của Liên Hợp Quốc về hòa đàm Libya cũng chẳng đạt được kết quả khả quan nào, tất cả mới chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi.

Kịch bản nào cho cuộc chiến Libya vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp, song với những diễn biến hiện tại có thể khẳng định rằng, những người dân thường vô tội sẽ tiếp tục là nạn nhân của các vụ đổ máu trong lúc người ta tìm giải pháp cho cuộc chiến này./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất