(TCTG)- Có khoảng 27 triệu người Pachtoun tại Pakistan so với 12 triệu người tại Afghanistan. Con số này cho phép chúng ta hiểu được tại sao Islamabad lại giành nhiều lợi ích cho nước láng giềng của mình.
Bất kỳ một sự kiện lớn nào diễn ra tại Afghanistan đều tác động tới Pakistan, đặc biệt tại các khu vực của người Pachtoun. Từ đó đã xuất hiện chính sách hai mặt của Pakistan. Một mặt, Pakistan muốn đánh bại lực lượng Taliban láng giềng của mình-lần đầu tiên Pakistan đã cam kết tiến hành các cuộc tấn công lớn chống lại họ. Mặt khác, Pakistan cũng muốn ủng hộ lực lượng này với giả thuyết họ sẽ quay trở lại nắm quyền sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, khi đó Pakistan có thể kiểm soát được những việc diễn ra ở Kaboul.
Thực tế, Bộ Tham mưu quân đội Pakistan bị ảm ảnh bởi một điều: có hay không một chính phủ tại Afghanistan thân Ấn Độ, kẻ thù truyền kiếp của mình. Chính sách mập mờ này hiển nhiên không làm vừa lòng Washington. Mỹ không ngừng yêu cầu các quan chức Pakistan phải hành động hơn nữa chống Taliban ở Afghanistan, lực lượng này luôn có các căn cứ tại tỉnh Waziristan.
Một trong những điểm chính trong chính sách mới của Tổng thống Mỹ Obama, có tên gọi Afpak, chính xác là dùng viện trợ để đạt được thiện chí từ phía Pakistan. Trong tình huống khó khăn này, Islamabad chơi trò mèo và chuột. Một mặt cần chấm dứt xu hướng chống Mỹ đang gia tăng trong dân chúng. Sau nhiều năm liền phủ nhận không có ảnh hưởng đối với lực lượng Taliban, cuối cùng Islamabad cũng phải thừa nhận phần nào và hiện đang tìm kiếm khả năng sắp xếp một cuộc gặp giữa lực lượng nổi dậy Afghanistan với người Mỹ.
Thái Hà Theo báo LEFIGARO. (Tin dịch)