Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 11/6/2015 20:47'(GMT+7)

Dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

EAEU-bước đột phá của sự phát triển không gian kinh tế thống nhất hậu Xô-Viết

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập bắt đầu thực hiện ý định hình thành Cộng đồng kinh tế Á-Âu và tới năm 2007, ba nước Nga, Bê-la-rut và Ca-dăc-xtăng ký kết thành lập Liên minh thuế quan và hình thành Cộng đồng kinh tế Á-Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng kinh tế Á-Âu vào tháng 12/2010, Nga, Bê-la-rut và Ca-dăc-xtăng đạt được thỏa thuận về việc thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu, gọi tắt là EAEU (Eurasian Economic Union), trên cơ sở không gian kinh tế chung giữa ba nước đã được hình thành từ Liên minh thuế quan.

Ngày 19/10/2011, nguyên thủ các nước thành viên Cộng đồng kinh tế Á-Âu chấp thuận ý nguyện của Kiêc-gi-xtăng tham gia Liên minh thuế quan. Ngày 18/11/2011, tại Mat-xcơ-va, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep, Tổng thống Bê-la-rut A.Lu-ca-sen-cô và Tổng thống Ca-dăc-xtăng N. Na-da-ba-ep ký các văn kiện mở ra giai đoạn hội nhập tiếp theo, gồm Tuyên bố về hội nhập kinh tế Á-Âu; Hiệp định về Ủy ban kinh tế Á-Âu; Quy định về hoạt động của Ủy ban kinh tế Á-Âu. Trong Tuyên bố về hội nhập kinh tế Á-Âu ghi rõ, từ ngày 1/1/2012 chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình liên kết nhằm xây dựng không gian kinh tế chung dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới và sẵn sàng kết nạp các quốc gia khác. Các bên dự thảo văn bản của Hiệp định về EAEU để ký vào năm 2014.

Ngày 3/9/2013, Tổng thống Ac-mê-ni-a X.Xa-xi-an (Serzh Sargsyan) thông báo quyết định quốc gia này tham gia Liên minh thuế quan. Ngày 21/10/2013, trong chuyến thăm Nga, Phó Thủ tướng chính phủ Xy-ri Qua-ri Gia-min (Qadri Jamil) tuyên bố ý định nước này tham gia Liên minh thuế quan. Ngày 11/11/2013, Nga và Ca-dăc-xtăng ký Hiệp định về láng giềng và liên minh trong thế kỷ XXI, trong đó đặt nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hơn nữa giữa hai nước.

Ngày 29/5/ 2014, Tổng thống Nga V.Pu-tin, Tổng thống Bê-la-rut A.Lu-ca-sen-cô và Tổng thống Ca-dăc-xtăng N.Na-da-ba-ep chính thức ký Hiệp định thành lập EAEU. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử của hai châu lục lớn nhất thế giới là châu Á và châu Âu. Cộng hòa Ac-mê-ni-a gia nhập EEU trong năm 2014, còn Cộng hòa Kiêc-gi-xtăng gia nhập vào đầu năm 2015. Nhận định về tầm quan trọng của sự kiện này, Tổng thống Nga V.Pu-tin cho biết, EAEU sẽ là trung tâm kinh tế Á-Âu với gần 170 triệu dân, có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ, chiếm 15% dự trữ dầu thế giới và tạo ra tuyến giao thông nối Á-Âu có giá trị không chỉ đối với khu vực mà còn có giá trị toàn cầu.

EAEU dựa trên 4 nguyên nguyên tắc chủ yếu: (1) tôn trọng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, như bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên; (2) tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị của các nước thành viên; (3) bảo đảm hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tính đến lợi ích quốc gia của các nước thành viên; (4) tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh lành mạnh.

Mục tiêu chủ yếu của EAEU gồm: (1) tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định của quốc gia thành viên và nâng cao mức sống của người dân; (2) tạo ra thị trường chung cho hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động trong Liên minh; (4) hiện đại hóa toàn diện, hợp tác và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế quốc gia thành viên trong nền kinh tế toàn cầu.

EAEU sẽ tạo ra và duy trì những quyền tự do cơ bản về kinh tế của các nước thành viên như tự do lưu thông hàng hóa; tự do lưu thông dịch vụ; tự do lưu thông vốn đầu tư; tự do lưu thông lao động. Đồng thời, EAEU bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng hạ tầng cơ sở năng lượng và giao thông và các quy tắc áp dụng chung về hải quan và mức trần về thuế. Các nước tham gia EAEU sẽ duy trì hợp tác trong 19 lĩnh vực hoạt động kinh tế như chính sách ngoại thương, dịch vụ hàng hóa và đầu tư, thị trường tài chính, thuế, năng lượng, giao thông v.v. Trong giai đoạn hội nhập sâu hơn, các nước thành viên sẽ thành lập thêm các cơ quan như Ủy ban kinh tế Á-Âu, Ban phụ trách nguồn nguyên liệu, Tòa trọng tài quốc tế Á-Âu, Ngân hàng đầu tư của EAEU và một số cơ chế khác.

Hiệu quả kinh tế vĩ mô tổng thể từ sự hội nhập của các nước trong không gian hậu xô-viết được thể hiện ở nhiều khía cạnh: giảm giá bán  các mặt hàng nhờ giảm chi phí vận chuyển các nguyên liệu thô và xuất khẩu sản phẩm; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong thị trường chung trong không gian kinh tế thống nhất nhờ trình độ phát triển tương đương nhau; tăng tính cạnh tranh trên thị trường chung của các nước thành viên nhờ có sự tham gia của các thành viên mới; tăng mức thu nhập trung bình cho người dân nhờ giảm chi phí và tăng năng suất lao động; nâng cao lực sản xuất do nhu cầu cao đối với hàng hóa; tăng mức sống của người dân nhờ giảm giá hàng hóa và tạo nhiều việc làm do nhu cầu xuất khẩu; tăng GDP của các nước thành viên lên ít nhất 25%.

Từ năm 2015, EAEU chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu liên kết các hệ thống năng lượng, giao thông vận tài, tài chính-ngân hàng, tạo cơ sở để xây dựng đồng tiền chung của EAEU vào năm 2025. Trong năm 2016, các nước thành viên EAEU sẽ phê chuẩn kế hoạch thị trường chung về dầu mỏ và khí đốt và sản phẩm hóa dầu. Cũng trong năm 2016, hoàn thành sơ đồ liên kết hệ thống pháp lý liên kết các ngành kinh tế của các nước thành viên EAEU. Năm 2019, sẽ hình thành thị trường chung về năng lượng điện, làm cơ sở để đến năm 2025 hình thành thị trường chung về dầu mỏ và khí đốt. Cũng trong năm 2025, hoàn thành liên kết thị trường tài chính.

Theo nhận định và đánh giá của Tổng thống Nga V.Pu-tin, EAEU là cột mốc lịch sử không chỉ đối với ba nước Nga, Bê-la-rut và Ca-dăc-xtăng và các quốc gia trong không gian hậu xô-viết, mà còn đối với tất cả các nước trên lục địa Á-Âu và Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một cơ chế không thể thay thế được, cho phép xây dựng quan điểm thống nhất về những vấn đề then chốt đối với khu vực và đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước thành viên. Cũng theo Tổng thống Nga V.Pu-tin, EAEU còn tạo ra bước phát triển với chất lượng mới, mở ra triển vọng to lớn cho sự phát triển kinh tế, tạo ra khả năng cạnh tranh mới, cho phép các nước trên hai lục địa liền kề này hội nhập nền kinh tế và hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời tham gia thực tế vào quá trình soạn thảo và quyết định về quy tắc cuộc chơi trong tương lai. Một khi EAEU có hiệu quả sẽ mở ra con đường dẫn dắt các nước thành viên tới vị thế xứng đáng trong thế giới đương đại.

EAEU sẽ tạo ra những thay đổi lớn về địa-chính trị và địa kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, Nga cũng như các nước khác trong không gian hậu Xô-Viết không thể phát triển và tồn tại đơn độc. Trong khi đó, Nga là một trong các trung tâm địa-chính trị trên lục địa Á-Âu, có tiềm lực kinh tế, quân sự và chính trị mạnh nhất trong không gian hậu xô-viết, cần phải đóng vai trò là điểm xuất phát để xây dựng một cấu trúc địa-chính trị mới của thế giới.

Theo nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, EAEU có thể đóng vai trò là “chất keo” gắn kết các nền kinh tế các nước châu Âu với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động, trong đó có Việt Nam vừa chính thức ký FTA với EAEU.

Ý nghĩa chiến lược của việc Việt Nam chính thức ký FTA với EAEU

Việt Nam rất kỳ vọng khi ký FTA với EAEU bởi 3 lý do: (1)  các thành viên EAEU, đặc biệt là Nga, là một thị trường rộng lớn mà hiện vẫn chỉ mới mở tương đối với hàng hoá nước ngoài; (2) EAEU sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi hải quan, đặc biệt đối với một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt, may, da giày và đồ gỗ; (3) Việt Nam gần như là đối tác tự do thương mại đầu tiên của EAEU nên sau khi ký được FTA với khu vực này, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế đặc biệt; (4) cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt nhiều.

Nhìn chung, Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích như thúc đẩy và nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, tạo cơ hội thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường. Cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng trưởng  trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.

Theo đánh giá bước đầu của EAEU, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước thành viên khác của Liên minh này sẽ  đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU sẽ tăng khoảng 18-20%/năm. Việc ký kết FTA với EAEU tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên EAEU

Chủ tịch Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu Vich-to Khrit-chien-cô nhận định, sự kiện Việt Nam chính thức ký kết FTA với EAEU có ý nghĩa chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng bởi Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh này, tạo tiền lệ cho việc ký kết các thỏa thuận với các nước khác sau này.

Tại cuộc hội thảo với chủ đề "Thiết lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam” ngày 8/6/2015 do Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức, các nhà khoa học Nga khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở Đông Nam Á đối với tất cả các nước thành viên EAEU. Do đó, việc EAEU ký kết FTA với Việt Nam là sự chuyển hướng và bước tiến thực sự của EAEU vào thị trường châu Á nói chung và thị trường Đông Nam Á nói riêng. 

Theo tiến sỹ kinh tế V.Ma-du-rin, chuyên gia cao cấp Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, thoạt nhìn những nội dung chính của FTA giữa Việt Nam với EAEU, có thể thấy Hiệp định này chỉ là tập trung vào hợp tác kinh tế, nhưng đằng sau đó ẩn chứa ý nghĩa địa-chính trị rất quan trọng.

Một là, các nước thành viên EAEU, trước hết là Nga, đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục pháp lý và tài chính chuyển sang hình thức thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của từng nước, cụ thể là VND và đống rúp trong quan hệ thương mại Nga-Việt Nam. Ngân hàng Nga VTB và Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đang phát triển sơ đồ cụ thể sử dụng đồng nội tệ của hai nước phục vụ thanh toán song phương. Kết quả đầu tiên của hoạt động này được giới thiệu trong 2 ngày 8 và 9/5/2015 ở Mat-xcơ-va nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại và Chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Trong mầy năm gần đây, nội dung này là trọng tâm chú ý tại các cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế. Cả Việt Nam và Nga sẽ tiết kiệm số tiền lớn vì không còn phải đổi từ VND sang USD, rồi từ USD sang rúp và ngược lại. Như vậy, hai nước cũng sẽ tiết kiệm nhiều thời gian.

Theo các chuyên gia chính trị ở Nga, việc Nga và Việt Nam  chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia sẽ có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với quan hệ hai nước. Thanh toán  thương mại bằng đồng tiền quốc gia mà không thông qua vai trò trung gian của USD là một trong những chủ trương của Nga và các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-dinl và Cộng hòa Nam Phi hướng tới mục tiêu xây dựng trật tự thế giới đa cực. Đây là giải pháp căn bản để đảm bảo cho nền kinh tế thế giới tránh rơi vào khủng hoảng.

Hai là, theo các chuyên gia Nga trả lời phỏng vấn của báo “Pravda”, là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tham gia một đề án địa-chính trị rất quan trọng theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Pu-tin, Việt Nam đã thể hiện là “một trong những đối tác tin cậy nhất của Liên bang Nga” và tính chất đặc biệt của mối quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Nga-Việt như lãnh đạo co nhất của Nga và Việt Nam đã nhận định.

Ba là, việc Nga và Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như các công ty của Việt Nam tham gia khai thác dầu khí  trên lãnh thổ Nga không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn. Vì thế, phía Nga tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Bốn là, trên cơ sở hợp tác kinh tế, Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên theo công nghệ tin cậy nhất thế giới. Dự kiến, tổ máy đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2023-2024.

Năm là, Nga và Việt Nam sẽ phát triển hợp tác kỹ thuật-quân sự. Đây là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Hiệu quả của sự hợp tác trong lĩnh vực này phụ thuộc then chốt vào sự tin cậy và tính chất đặc biệt của quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Nga-Việt.

Sáu là, theo tiến sỹ V.Cô-lô-tôp, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học quốc gia Xanh=pê-tec-bua của Nga, việc Việt Nam ký FTA với EAEU sẽ mở đường cho Nga đi vào các nước Đông Nam Á. Đó là chưa kể tới Việt Nam là một thị trường của 90 triệu dân, gấp hai lần U-crai-na. Việc Việt Nam ký FTA với EAEU sẽ tạo điều kiện cho Nga tăng khối lượng trao đổi thương mại với Việt Nam lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Một khi Nga thông qua Việt Nam hội nhập vào ASEAN sẽ tiếp cận tới thị trường của 700 triệu dân.

Theo nhận định của Vi-ta-li Che-chi-a-kôp, Tổng Biện tập tạp chí Giai cấp chính trị” (Polyticheskij Klass”) của Nga, ý nghĩa địa-chính trị của việc Việt Nam ký FTA với EAEU còn lớn hơn ý nghĩa kinh tế bởi quan hệ gắn bó với Việt Nam, sau đó với ASEAN, sẽ tạo điều kiện cho Nga cân bằng quan hệ với các nước lớn ở một khu vực phát triển năng động nhất thế giới.

Theo giới nghiên cứu địa-chính trị ở Nga, EAEU là cơ sở để xây dựng đề án địa-chính trị rất quan trọng theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Pu-tin. Do đó, việc Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tham gia FTA với EAEU có ý nghĩa địa-chính trị lớn hơn ý nghĩa kinh tế./.

Lê Thế Mẫu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất