Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 21/2/2014 19:29'(GMT+7)

Đầu năm suy nghĩ về việc đi chùa, lễ Phật

Quang cảnh đêm phát lương ở đền Trần (Hà Nam) 2014. Ảnh minh họa

Quang cảnh đêm phát lương ở đền Trần (Hà Nam) 2014. Ảnh minh họa

Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định quyền tự do, tôn giáo, tín ngưỡng của công dân. Tôn giáo, tín ngưỡng còn là niềm tin của con người vào những giáo lý mang tính nhân văn, hướng con người vào những điều nhân ái, vị tha, từ bi, bác ái, tu thân, hướng thiện. Trong thực tế, “Tôn giáo vẫn có thể tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức trực tiếp, nghĩa là một hình thức cảm xúc của thái độ con người đối với lực lượng xa lạ của tự nhiên và xã hội, chừng nào con người còn chịu sự thống trị của những lực lượng đó”[1] như Các Mác đã nêu từ những thế kỷ trước.

  Chen lấn trong đêm khai ấn tại Đền Trần (Nam Định) 2014.    Ảnh Internet

Ở Việt Nam, hầu hết các tôn giáo đều du nhập từ nước ngoài. Theo thời gian, nó đã được Việt hóa. Có thời kỳ, giai đoạn có tôn giáo đã được suy tôn thành Quốc giáo (đạo Phật ở thời nhà Lý). Đa số người Việt Nam không theo tôn giáo nào, nhưng trên thực tế họ đều có tín ngưỡng. Các tín ngưỡng đó là: Thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công với dân, với nước, những anh hùng, hào kiệt, danh nhân để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và noi gương. Vì vậy, ngoài nhà thờ, chùa chiền, thì ở địa phương nào, thậm chí làng nào cũng có đình, đền, miếu, phủ. Đó là nét đẹp văn hóa lịch sử, truyền thống của dân tộc. Tín ngưỡng đó đã có tác dụng hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc trở thành truyền thống, bản sắc dân tộc, thành sức mạnh đoàn kết, gắn kết đồng bào – một sức mạnh cho đất nước ngày càng phát triển.

Hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng gần chín nghìn lễ hội thể hiện văn hóa trong tôn giáo tín ngưỡng. Riêng với chùa, ngoài đi lễ đầu năm, lễ chùa còn diễn ra hàng tháng vào ngày rằm, mùng một (theo lịch âm). Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thực tế việc đi chùa, lễ Phật đang diễn ra một số tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng gây mê tín, dị đoan, thiếu văn hóa ảnh hưởng rất xấu đến đời sống tinh thần của nhân dân, của xã hội. Bên cạnh những “bản hội” được tổ chức chặt chẽ, được hoàng pháp đầy đủ còn đa số những người đến chùa đi lễ hội đều không biết về giáo lý nhà Phật, không thuộc kinh phật, thậm chí nhiều người chưa một lần đọc kinh phật. Nhiều người còn không biết phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng, nhất là sự khác biệt giữa đền, chùa, miếu, phủ…, nên đến đâu cũng đều được gọi là “đi chùa” và họ đi hết đền này, phủ nọ, chùa kia, cứ miễn là ở đó có lễ hội hay được gọi là nơi linh thiêng. Trong thực tế, có nhiều người đi chùa, bắt đầu đều do tác động “lan truyền” của bạn bè, hàng xóm chứ không phải do yêu cầu thiết thực của đời sống tâm linh, sau đó dần quen và trở thành thói quen. Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm hoặc cuối năm, cứ ở đâu có lễ hội là đến, không kể đó là hội chùa hay hội đền. Thêm nữa những chuyện thật như đùa, nhiều người đến chùa không biết chữ nho, phải nhờ người “viết sớ” để gửi lên nơi… Phật nên sinh ra các thầy viết sớ nhan nhản và tha hồ “chặt chém” nơi cửa Phật. Sớ được in sẵn nội dung chỉ cần ghi thêm tên tuổi địa chỉ, thế mà có thầy còn phải lót thêm 4-5 tờ giấy than nữa để "nhân bản" cho ai muốn có nhiều sở để đặt trên tất cả các ban thờ. Mỗi tờ sớ nhân bản đều có giá trị tiền như nhau. Viết xong, phật tử bảo đọc lại bằng tiếng quốc ngữ thì thầy đọc sai bét(!). Nhiều người do không biết khấn nên phải nhờ “thầy” là mấy cô, mấy cậu, mấy ông bà đồng bóng học chưa hết cấp I, thậm chí là mù chữ, quanh năm suốt tháng cày cuốc chân lấm tay bùn, ăn tạp nói tạp, đến dịp lễ hội trở thành… các thầy “kêu thay vái đỡ” cho con nhang phật tử, miệng leo lẻo chỉ có một bài thuộc lòng kêu cho ai cũng giống ai. Nếu ai không trả công hậu hĩnh cho thầy, lập tức bị thầy rằn mặt, có khi còn bị chửi ngoa ngoắt và xôi oản, hương vàng, hoa quả củng chùa cũng trở thành mớ hổ lốn. Nhiều người đến nơi đền chùa còn không biết làm gì, lễ lạt ra sao ngoài việc bỏ mỗi nơi mấy đồng tiền lẻ và chắp tay cầu khấn bình an lợi lộc cho gia đình, con cháu, bản thân, do đó cũng mới sinh ra cái chuyện bán tiền lẻ với giá cắt cổ, lãi suât đến hai ba mươi phần trăm, kể ra thì cũng chảy nước mắt. Còn bao nhiêu chuyện nơi cửa đền, cừa Phật làm phiền lòng các phật từ như chèo kéo bán hàng, tranh nhau khách ăn, khách nghỉ, nạn cờ bạc, móc túi, trộm cắp, bán hàng giả, hàng đắt với giá sát phạt...

Vì thế, và một ngàn lẻ một  lý do nữa, làm cho sự phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng đã sảy ra những điều phản cảm gây “sốc” cho các nhà quản lý văn hóa và xã hội. Không ít người đã từ sự tín ngưỡng, từ niềm tin tôn giáo chân chính biến tướng thành mê tín dị đoan. Đến chùa nhưng lòng lại không trong sáng, vụ lợi nơi cửa Phật bằng việc cầu đủ thứ: danh, lợi, địa vị, chức quyền với những lễ vật được biện thật to và đặt nhiều tiền thật, tiền giả (tiền Âm phủ) như một sự “hối lộ thánh thần”. Người ta (có cả không ít cán bộ, đảng viên, cả những người cói chức quyền không ngại đặt, thậm chí là nhét, giắt tiền lên bàn tay nhân ái, lòng từ bi của Phật; xoa bàn tay tham nhũng "đen lẻm" lên “đít” tượng Phật rồi xoa lên mặt, lên người để được khỏe mạnh, đẹp đẽ, giàu có, mau lên quan tiến chức!

Bởi ngàn lý do ấy nên không ít cơ sở tôn giáo đã bị lợi dụng kiếm lời, tính thương mại lấn át tính nhân văn, vẻ uy nghi thanh tịnh của nhà chùa. Các nhà quản lý cũng đổ lỗi cho rất nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản trước hết vẫn nói lại là do thiếu hiểu biết về tôn giáo, về những nghi lễ thờ, cúng nói chung và thờ cúng ở chùa nói riêng, trong khi chúng ta chưa có được một nền giáo dục cơ bản về tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng phần lớn là tự phát và thụ động. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến việc “lên chùa” để bạn đọc tham khảo.

Lên chùa dâng hương, lễ Phật chính là nói khái quát nhất các nghi lễ hoạt động thờ cúng ở chùa. Đối tượng được thờ cúng chính ở chùa  là các vị Phật, Bồ Tát, La Hán... “ Điều đầu tiên phải chú ý là dâng hương tại chùa thì chỉ được sắm các lễ chay chứ không được sắm các lễ mặn. Việc sắm lễ mặn có thể được trong trường hợp trong chùa có khu thờ Thánh Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng ở khu vực chính điện. Cũng không được sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng, lễ Phật tại chùa. Tiền giấy âm phủ hay vàng mã, tiền thật kiêng đặt ở bàn thờ Phật, Bồ Tát, hương án của chính điện. Đến chùa hành lễ phải theo thứ tự sau: 1). Đặt lễ vật, thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước. 2). Đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh ba hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát. 3). Sau khi làm lễ chính điện xong thì đi lễ ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường (nếu chùa có Điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện). 4).Cuối cùng là lễ ở nhà thờ Tổ. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư trụ trì và có thể tùy tâm công đức”[2].

Đến đền, phủ, miếu thờ nghi lễ lại phải khác. Nếu ai có tâm linh thì cần phải nghiên cứu kỹ hơn.

Những nghi lễ này bao gồm nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh, tôn giáo. Nó luôn là một phần không thể thiếu của cộng đồng người Việt. Cũng chính những nghi lễ này đã làm giàu cho bản sắc văn hóa Việt, khơi gợi sự kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc.

Vì vậy, để ngôi chùa thực sự là hình ảnh thiêng liêng, thân thuộc, là nơi người dân bày tỏ niềm thành kính của mình, cầu sự bình an cho bản thân, gia quyến, rất cần một sự hiểu biết và thực hành đúng nghi lễ khi đến chùa cũng như các cơ sở tôn giáo khác.

Cán bộ, đảng viên cần phải có sự hiểu biết về tôn giáo, phải làm gương trước nhân dân; phải phấn đấu, phục vụ nhân dân tận tuy, trong sáng, vô tư. Và hơn hết, phải có trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để mọi người được bình an hạnh phúc bằng sự nỗ lực của bản thân chứ không phải đặt niềm tin hạnh phúc hư ảo nơi thần thánh./.
Đặng Thị Minh Hảo
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội.


[1] C.Mac, Ph. Ăng ghen tuyển tập, Nxb Sự thật, H. 1984, tập 5, tr. 448

[2] Văn Quảng, Đình, đền, miếu, phủ Hà Nội và những nghi lễ thờ cúng. Nxb Lao động, H.2010, tr. 175

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất