Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 10/1/2014 10:15'(GMT+7)

Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân

Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp. Ảnh: VOV

Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp. Ảnh: VOV

Ngay sau khi bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nước ta được Quốc hội thông qua với 97,59% phiếu tán thành (486 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không có phiếu chống), được dư luận chung đánh giá: Bản văn kiện quan trọng nhất của quốc gia đã thể hiện được cả "ý Đảng lẫn lòng Dân".

Tuy nhiên, một số tổ chức và cá nhân nước ngoài với nhiều lý do, trong đó có những dụng ý xấu, đã có những bình luận thiếu khách quan về một số nội dung trong bản Hiến pháp của chúng ta. Tổ chức theo dõi nhân quyền Humam Rights Watch (HRW) có trụ sở ở New York đã lên tiếng cho rằng bản hiến pháp sửa đổi của Việt Nam đã "không đáp ứng mong muốn thay đổi và cải cách của người dân" ?! và "Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội cho một cuộc cải tổ có thể đưa đất nước đến gần hơn với những chuẩn mực nhân quyền quốc tế" ?!. Một số người khác thì cho rằng bản Hiến pháp mới này là "một bước thụt lùi""sẽ đưa dân tộc vào con đường khó khăn trước những thách thức của thời đại, khi thế giới có rất nhiều biến động", và việc biểu quyết thông qua bản Dự thảo Hiến pháp vừa qua, "thay vì phải nói tiếng nói cho dân, Quốc hội lại nói tiếng nói cho Đảng" ? !.

Những tiếng nói trái chiều nêu trên chỉ là số ít, thể hiện một cách nhìn định kiến, phiến diện, mang tính áp đặt, bất chấp xu thế tiến bộ chung, cũng như thực tế phát triển ở Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự thực, việc huy động trí tuệ toàn dân góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp trong gần một năm qua, cũng như quy trình tiếp thu, chắt lọc những đóng góp tâm huyết này của các cơ quan có trách nhiệm cho thấy, bản Hiến pháp sửa đổi 2013, đã kết tinh được trí tuệ mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện đậm nét nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, tuân thủ và thể hiện đầy đủ những nguyên tắc cơ bản, những quy trình lập hiến tiến bộ mà các quốc gia trên thế giới đang vận dụng.

I. Lý thuyết chung về chủ quyền nhân dân và cách thể hiện

1. Lý thuyết về chủ quyền nhân dân

Trong lý thuyết về chủ quyền nhân dân, khái niệm chủ quyền nhân dân được hiểu là trong một quốc gia, nhân dân là người nắm giữ quyền lực một cách chính đáng và nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực chính trị.  Hiện nay, các nhà chính trị học trên thế giới đều thừa nhận lý thuyết về chủ quyền nhân dân của nhà tư tưởng người Pháp J.J.Rousseau (thế kỷ 18) vẫn là nền tảng tư tưởng cơ bản cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước của các nước. Chủ quyền nhân dân là một bộ phận không thể thiếu của các học thuyết về Hiến pháp. Tư tưởng chỉ đạo của Học thuyết chủ quyền nhân dân được thừa nhận rộng rãi ở hầu hết các nước trên thế giới. Hiến pháp của các nước, dưới các hình thức khác nhau đều khẳng định nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước. Chủ quyền nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước, chi phối quyền lực nhà nước, là cơ sở hình thành và đảm bảo sự thống nhất của quyền lực nhà nước.

Theo Rousseau, chủ quyền nhân dân mang tính chất tối cao, không thể từ bỏ và không thể phân chia. Việc chia quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ là biểu hiện bên ngoài, trong một giai đoạn nhất định của hoạt động của nhà nước. Thực chất, các bộ phận này đều phụ thuộc vào và nhằm thực hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Chủ quyền nhân dân là nền tảng cho sự ra đời của nhà nước, vì thế cao hơn, chi phối và là cơ sở bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện chủ quyền của mình bằng hai hình thức:dân chủ trực tiép và dân chủ gián tiếp.

Để thể hiện rõ chủ quyền nhân dân, việc tuyên bố chủ quyền thuộc về nhân dân trong các bản hiến pháp thường được thể hiện ở những nội dung sau:

- Quy định về việc nhân dân biểu quyết phê chuẩn hiến pháp;

- Tuyên bố nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân;

- Quy định về nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

2. Cách thức thể hiện chủ quyền nhân dân qua hiến pháp 

Hiến pháp của hầu hết các nước, dưới các hình thức khác nhau đều khẳng định, Nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, trong đó có quyền lực nhà nước. Sự khẳng định này thể hiện ở 3 khía cạnh:

a. Nhân dân là chủ thể xây dựng hiến pháp và hiến pháp phải được Nhân dân trực tiếp phê chuẩn. Điều này được ghi rõ ở lời nói đầu hoặc ở một số điều khoản của hiến pháp. Trong 93 bản hiến pháp đăng tải trên trang thông tin của Dự án thông tin hiến pháp quốc tế, có 68 bản có lời nói đầu trong cấu trúc của hiến pháp.

Để phù hợp với thực tiễn, một số nước quy định hiến pháp do những người đại diện của nhân dân thông qua (tại quốc hội lập hiến hoặc quốc hội thông thường), nên mặc dù trong lời nói đầu vẫn ghi nhận chủ thể xây dựng hiến pháp là nhân dân nhưng sau đó vẫn ghi nhận việc thông qua hiến pháp là do cơ quan đại diện thực hiện.

b. Tuyên bố chủ quyền thuộc về Nhân dân hoặc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Nội dung này thường được thể hiện ở một điều khoản riêng. Thông thường có 2 cách thể hiện:

+ Ghi dưới dạng: chủ quyền quốc gia bắt nguồn từ nhân dân và thuộc về Nhân dân (trong 93 hiến pháp khảo sát có 43 hiến pháp có quy định dạng này).

+ Ghi dưới dạng: Quyền lực Nhà nước bắt nguồn từ Nhân dân và thuộc về Nhân dân (trong 93 hiến pháp khảo sát, có 26 hiến pháp có quy định dạng này).

c. Thể hiện nguyên tắc, cách thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước.

+ Quy định nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp và gián tiếp thông qua các cơ quan nhà nước. Việc quy định theo cách thức này tương đối phổ biến (trong số 93 hiến pháp khảo sát có 38 bản hiến pháp có điều khoản quy định về nội dung này).

+ Quy định nhân dân sử dụng quyền lực thông qua các phương thức do hiến pháp quy định. Theo cách thức này, hiến pháp không có điều khoản đề cập tới các phương thức sử dụng quyền lực nhà nước của Nhân dân (có 14 bản hiến pháp trong số 93 bản hiến pháp có quy định theo dạng này).

+ Quy định Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua các cơ quan nhà nước. Theo cách thức này, việc nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước không được đề cập đến (chỉ có 6 trong số 93 bản hiến pháp quy định theo cách thức này).

II. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt Hiến pháp 2013

1-Hiến pháp sửa đổi là kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn dân tộc

Sau 9 tháng trưng cầu ý dân về nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có khoảng 26 triệu lượt ý kiến của các tập thể, cá nhân góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi. Quốc hội khoá XIII, tại kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp sửa đổi với sự đồng thuận cao. Trong Lời nói đầu của Hiến pháp ghi rõ "Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."  Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc,  tạo ra sự đồng thuận cho toàn dân tộc đồng lòng đưa Hiến pháp vào cuộc sống; là nhân tố để nước ta vững bước vào thời kỳ mới- thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước.

2. Tuyên bố nguyên tắc chủ quyền nhà nước của Nhân dân trong Hiến pháp sửa đổi

Các bản hiến pháp ở Việt Nam, từ Hiến pháp năm 1946 tới nay, đều thống nhất khẳng định quan điểm quyền lực nhà nước ở nước ta là thuộc về Nhân dân. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ XHCN và đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Điều 2 của Hiến pháp ghi rõ:  (1). Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.  (2). Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Cũng trong Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong các văn bản Hiến pháp của nước ta, chữ "Nhân dân" được viết hoa. Điều này cho thấy, vai trò của Nhân dân đã được nhìn nhận một cách sát thực hơn. Và điểm mới về nhận thức này không chỉ thể hiện qua cách "nhấn" đó, mà còn là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi; chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực Nhà nước ta là ở Nhân dân, thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước.

3. Hiến pháp sửa đổi đã xác định rõ quy định về nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

So với Hiến pháp 1992, Bản Hiến pháp sửa đổi lần này quy định cụ thể hơn các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Điều 6 Hiến pháp năm 1992 quy định: Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Điều 6 Hiến pháp 2013 ghi: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". Như vậy, Hiến pháp mới đã bổ sung đầy đủ hơn các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như trước đây mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay. Hiến pháp mới cũng làm rõ và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất Nhân dân của Đảng được bổ sung thêm tại điều 4 (sẽ nêu ở phần sau).

Sau khi khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Hiến pháp năm 2013 đã có quy định tiếp theo là Nhân dân (cử tri) bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình làm đại biểu Quốc hội,  tham gia Quốc hội để giải quyết, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời cũng quy định quyền phúc quyết, quyền tham gia trưng cầu ý dân để Nhân dân trực tiếp quyết định “những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia” hoặc theo “quyết định thực hiện việc trưng cầu ý dân” của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức thực hiện. Điều 7 Hiến pháp năm 2013 quy định (1) Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. (2) Đại biểu Quốc hội , đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Đây chính là hai hình thức Nhân dân sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của mình: dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

4- Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đề cao quyền con người

Trong lịch sử lập hiến nước ta thuật ngữ quyền con người, lần đầu tiên được sử dụng trong Hiến pháp năm 1992. Chương V, Hiến pháp 1992: "Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Đây là bước phát triển về quan niệm và nhận thức lý luận. Tuy nhiên, cách thể hiện các quyền con người, đồng thời là các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 chưa đầy đủ quan niệm về chủ quyền Nhân dân. Với quan điểm Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, Hiến pháp năm 2013 bổ sung: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặt ngay sau Chương I - Chế độ chính trị. Chương 2 của Hiến pháp 2013 (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) có 36 điều quy định chi tiết về quyền con người, quyền công dân. Việc đưa Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí ở chương II trong Hiến pháp, là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946, đồng thời cũng thể hiện bước phát triển mới về nhận thức trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về vai trò nhân tố con người, phù hợp xu thế chung của thế giới. Điều 14 Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc (1) Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.(2) Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

5- Hiến pháp đã xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước của nhân dân

Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước, đó là một nguyên tắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Đây là sự bổ sung mới về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Nguyên tắc này là cơ sở Hiến định để các cơ quan nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được nhân dân giao cho, đồng thời cũng là cơ sở đảm bảo cho quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân.

Với nhận thức đó, Điều 4 Hiến pháp sửa đổi 2013 đã bổ sung: "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân,chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình"; Điều 9 bổ sung: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Điều 10: “Công đoàn… tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước”.

Nguyên tắc Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp 2013 còn được thể hiện thông qua một số sửa đổi, bổ sung về chức năng nhiệm vụ quyền hạn, bảo đảm cho sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực và hiệu quả. Theo đó, Điều 69 Hiến pháp quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Chính phủ được Hiến pháp 2013 bổ sung, không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp.

 Tòa án nhân dân theo Hiến pháp 2013 xác định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Việc khẳng định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp là bổ sung mới so Hiến pháp sửa đổi 1992. Quy định như vậy thể hiện sự phân công quyền lực nhà nước một cách rõ ràng đồng thời đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp.

Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp sửa đổi 2013 khẳng định là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (khoản 1, Điều 107) và Viện kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... (khoản 3, Điều 107). Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (khoản 2, Điều 109). Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên được thể chế hóa trong Hiến pháp nước ta với tư cách là các thiết chế Hiến định và được quy định trong một chương riêng của Hiến pháp. Việc thiết lập hai thiết chế này trong Hiến pháp 2013 là tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, nhà nước ta doNhân dân làm chủ, tạo điều kiện và cơ chế để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử và trong kiểm soát quyền lực nhà nước.

Hiến pháp sửa đổi 2013 giao cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định (khoản 2, Điều 119);  mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý (khoản 1, Điều 119).

Tóm lại, việc xác lập quyền lực nhà nước của nhân dân trong việc lập hiến ở nước ta từ những năm đầu khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay là một quá trình nhất quán. Quá trình đó đã kế thừa những giá trị phổ quát của thế giới trong xây dựng, tổ chức một nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân, đồng thời phù hợp với những đặc điểm riêng của Việt Nam. Hiến pháp 2013 là hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đã có nhiều bổ sung quan trọng đề cao chủ quyền của Nhân dân, thể hiện rõ hơn nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân./.

Nguyễn Tiến

                                                                                                

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất