Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Bảy, 4/1/2014 9:53'(GMT+7)

Phê phán quan điểm: "Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin" !

Sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990 được coi là chấn động lớn nhất trong nền chính trị thế giới nửa cuối thế kỷ XX. Trong Thông điệp Liên bang Nga năm 2005, Tổng thống V. Putin từng gọi đây là thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất thế kỷ XX. Chỉ trong vòng ba năm từ 1989 đến 1992, toàn bộ 8 nước XHCN ở Đông Âu, Liên Xô và Mông Cổ đã sụp đổ. Các đảng cộng sản nắm quyền bị giải thể, ngừng hoạt động hoặc phải đổi tên gọi. Hàng triệu đảng viên cộng sản rời bỏ hàng ngũ và lý tưởng của mình. Nhiều thành quả đạt được trong thời gian dài xây dựng CNXH ở các nước này bị xóa bỏ. Phong trào công sản thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các đảng xã hội chủ nghĩa và công nhân tại các nước Tây Âu đi vào thoái trào. Quá trình “phi marxit hóa” lan rộng. Xu hướng chuyển dịch quan điểm chính trị từ tả sang hữu diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác-Lênin bị thách thức nghiêm trọng từ cả hai phía bên ngoài và bên trong. Từ bên ngoài, đó là sự tấn công dồn dập của các học thuyết tư sản như chủ nghĩa tự do mới, quan điểm tân bảo thủ, cũng như sự thâm nhập gây xói mòn từ các quan điểm chống cộng kể cả ôn hòa lẫn cực đoạn, theo đó sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN Đông Âu được coi vừa là kết quả, vừa là cáo chung của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ bên trong, các xu hướng xét lại, cả cấp tiến lẫn bảo thủ, cải lương lẫn thỏa hiệp, … liên tục nổi lên, gây chia rẽ nội bộ các đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân, trong khi chủ nghĩa trotskyism, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, các quan điểm “tân Marxit”, “hậu marxit”, … trỗi dậy, gây xáo trộn mạnh về tư tưởng.

Tình hình phức tạp đó đòi hỏi chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách là một học thuyết khoa học phải có những bước phát triển mới thận trọng nhưng quyết đoán, một mặt làm sáng tỏ những lập luận, phê phán có cơ sở khoa học và giá trị tham khảo, mặt khác vạch rõ những luận điệu xuyên tạc, ngụy biện, phi logic, đánh tráo khái niệm, chỉ ra những bằng chứng thực tiễn không thể chối cãi để bác bỏ tính chất vô căn cứ và sai lầm nguy hiểm của những luận điệu này.

1. Các quan điểm sai trái về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu 

Không còn nghi ngờ gì rằng sự sụp đổ bất ngờ và nhanh chóng của siêu cường Xô-viết sau hơn 7 thập kỷ tồn tại đã giáng một đòn nặng nề không chỉ vào mô hình phát triển của Liên Xô và các nước XNCH, mà vào chính học thuyết Mác-Lênin và hệ tư tưởng XHCN. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô – quê hương của Cách mạng tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước Marxit-Lêninit đầu tiên trên thế giới, thành trì của CNXH và phong trào cộng sản quốc tế khiến cho uy tín của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như lòng tin của các tầng lớp xã hội vào sức mạnh khoa học của học thuyết này bị tổn hại nghiêm trọng.

Chính vì lẽ đó, thập niên 1990 đánh dấu sự bùng nổ các bài viết, công trình phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này. Thậm chí có không ít bài viết bôi nhọ cá nhân Các Mác, Lênin và các lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thông qua đó nhằm “hạ bệ” uy tín của học thuyết mà các ông đã sáng tạo ra. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự giảm sút lớn số lượng những người trung thành với học thuyết này trên toàn thế giới. Xu hướng “phi marxit hóa”, phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác-Lênin trỗi dậy mạnh tại hàng loạt nước từng đi theo con đường XHCN, cũng như trong nội bộ các đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế. Mặt khác, mặc dù sự sụp đổ của Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu khiến cho các trào lưu quan điểm chống cộng mất đi mục tiêu công kích chính, ít nhiều bị mất phương hướng, giảm bớt mức độ điên cuồng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng lại kích thích chúng thay hình đổi dạng, chuyển sang các chủ đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, nhằm gây rối tình hình, kích động các cuộc “cách mạng màu” tại các nước vẫn do các đảng cộng sản và cánh tả nắm quyền. Không ít tổ chức NGO về nhân quyền, tự do tôn giáo trở thành công cụ truyền bá các quan điểm này, thực hiện “diễn biến hòa bình”, xúi giục “tự diễn biến”, gây bạo loạn lật đổ.

Thứ nhất, nhiều học giả phương Tây, cả cánh tả và cánh hữu, từ tân bảo thủ đến tân tự do, tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác-Lênin sau hơn 150 năm tồn tại. Đại diện cho quan điểm này là triết gia tân bảo thủ Francis Fukuyama với công trình nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử và người cuối cùng” xuất bản năm 1992, trong đó cho rằng cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của bức tường Berlin thì cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng như là động lực của sự tiến bộ nhân loại đã đến hồi kết với thắng lợi cuối cùng thuộc về nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường.

Cuộc tấn công của các quan điểm tân tự do (neoliberalism) và tân bảo thủ (neoconservatism) không chỉ dừng ở việc cho rằng thất bại của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu chính là sự “thất bại” của học thuyết của Mác và Lênin, mà còn nhằm chứng minh sự phá sản của nền tảng lý luận Mác-Lênin. Một mặt, phái “Shumpeter mới” (neo-shumpeterianism) phê phán rằng, học thuyết này chỉ thấy được khía cạnh “phá hủy” của CNTB, mà không thấy được khả năng “sáng tạo” của nó trong vòng chuyển động không ngừng của “sự phá hủy mang tính sáng tạo”. Một số học giả cho rằng, Mác và Lênin đã không lường trước được khả năng thích nghi, tiến hóa của CNTB, chẳng hạn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa chủ và thợ, giữa tư bản và lao động. Mặt khác, họ cho rằng, học thuyết này đã chỉ ra con đường sai lầm để thoát khỏi CNTB, chẳng những không dẫn đến CNXH, mà còn đưa tới một chế độ “toàn trị độc đoán”, hay nói như học giả tân tự do hàng đầu Friedrich F. Hayek là dẫn tới “chủ nghĩa nô lệ”.

Trên thực tế, trong giai đoạn này, các nước TBCN đứng đầu là Mỹ đã có bước phát triển lớn, vượt qua được các cuộc khủng hoảng dầu lửa thập niên 1970, khủng hoảng nợ thế giới thập niên 1980, đi đầu trong cuộc Cách mạng khoa học-công nghệ lần thứ 3 hay còn gọi là Cách mạng tin học và khuấy động một cao trào toàn cầu hóa mới có tác động lôi kéo ngày càng nhiều các nước trên thế giới tham gia. Mô hình phát triển dựa vào chủ nghĩa tự do mới dường như trở nên lấn át, từ thập niên 1990 thậm chí còn “vượt mặt” cả mô hình nhà nước phúc lợi rất phổ biến ở Tây Âu và mô hình nhà nước phát triển của Nhật Bản. Tại các nước TBCN, các thế lực tân tự do và tân bảo thủ đồng loạt thắng cử và nắm quyền, trong khi các tổ chức công đoàn suy yếu, phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Theo sự quả quyết của học giả Mỹ Stephan Walt, chủ nghĩa Mác-Lênin đã sai lầm khi cho rằng các nước TBCN không thể tránh khỏi chiến tranh, trong khi xung đột lại luôn nổ ra giữa các nước trong phe XHCN.

Thứ hai, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cũng kích thích cuộc đấu tranh tư tưởng ngay trong lòng các đảng cộng sản do sự trỗi dậy của hàng loạt các quan điểm mạo danh Marxit-Lêninit, kêu gọi bảo vệ học thuyết này, nhưng thực chất gây nghi ngờ, chia rẽ, xói mòn cơ sở lý luận Mác-Lênin. Không thể phủ nhận rằng, thất bại của mô hình phát triển của Liên Xô và các nước XHCN đã chứng tỏ một số luận điểm quan trọng như chuyên chính vô sản, kế hoạch hóa tập trung, tổng khủng hoảng của CNTB, … đã không còn phù hợp trong điều kiện mới. Nhưng cũng chính điều này lại khiến cho một số người, cả vô tình lẫn cố ý, quay sang phủ nhận tính khoa học của toàn bộ hệ thống lý luận Mác-Lênin.

Đầu tiên phải kể đến quan điểm của phái trotskyist mới (neo-trotskyism) cho rằng CNXH hiện thực được xây dựng ở Liên Xô hơn 70 năm qua và các nước Đông Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, cũng như ở Trung Quốc và Việt Nam trước cải cách đổi mới, hoàn toàn xa lạ với các nguyên lý nền tảng của của chủ nghĩa Mác-Lênin, và thực chất là các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa toàn trị của Stalin. Một đại diện của phái này là Alex Callinicos (1999) còn cho rằng, sự sụp đổ của Liên Xô hoàn toàn không phải là sự thất bại, mà trái lại có thể xem như “thắng lợi” của chủ nghĩa Mác-Lênin, vì cái bị phủ định chính là chủ nghĩa Stalin, trong đó chuyên chính của giai cấp vô sản đã bị đánh tráo bởi chuyên chính của bộ máy quan liêu. Những người cực tả (ultra-left) cũng cùng quan điểm như vậy, nhưng cho rằng mô hình phát triển của Liên Xô và các nước Đông Âu xây dựng là một kiểu CNTB nhà nước, không liên quan gì với chủ nghĩa Mác-Lênin, còn sự sụp đổ của các nước này chính là do đã không tuân theo các chỉ dẫn của Mác ngay từ đầu. Có vẻ những quan điểm này đã cố tình phủ nhận tính thống nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, thậm chí vu cáo chủ nghĩa Mác-Lênin đã xa rời các mục tiêu XHCN.

Theo phái marxit mới (neo-marxism), động lực chính gây sụp đổ Liên Xô chính là giới tinh hoa nắm đặc quyền, đặc lợi ở nước này (nomenklatura). Quan điểm này lý giải rằng, khi chế độ chính trị ở Liên Xô không còn đảm bảo an toàn cho địa vị của giới tinh hoa, thì những người này tìm cách thay đổi chế độ, tiến hành tư hữu hóa các tài sản của đất nước nhằm chuyển đổi đặc quyền, đặc lợi thành các tài sản tư nhân để tiếp tục duy trì địa vị lũng đoạn của họ. Bất chấp việc thổi phồng vai trò của giới tinh hoa, quan điểm này đã phần nào phản ánh đúng tình trạng tham nhũng khá phổ biến ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước khi sụp đổ.

Những người cánh tả theo quan điểm hậu marxit (post-marxism) tìm cách rũ bỏ khỏi chủ nghĩa Mác các quan điểm của Lênin, cho rằng mô hình xây dựng CNXH ở một nước riêng lẻ có trình độ phát triển lạc hậu bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN mà Lênin đặt nền móng ở nước Nga tuy là một trong số nhiều lý luận khác nhau phân nhánh từ chung một gốc là học thuyết của Mác, nhưng đã chệnh hướng khỏi các nguyên lý Marxit cơ bản. Vì thế, thất bại của mô hình do Lênin chủ xướng chỉ mang tính cục bộ, khu biệt, trong khi các nhánh lý luận Marxit khác vẫn có thể tiếp tục phát triển ở nhiều nước Tây Âu, châu Á, Mỹ Latin, …

Có thể nói, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã thách thức nghiêm trọng nền tảng lý luận và cơ sở xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin, gây hoài nghi về tính khoa học của học thuyết này, cũng như mất phương hướng về tư tưởng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

2. Nguyên nhân của sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu

Cho đến nay đã đạt được sự nhất trí tương đối rộng rãi rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu có nguyên nhân sâu xa từ thất bại của mô hình kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Vấn đề là ở chỗ, có phải ngay từ đầu mô hình này đã thất bại và đã xa rời chủ nghĩa Mác hay không? Không thể phủ nhận rằng, trong nhiều thập kỷ kể từ Cách mạng tháng Mười năm 1917, mô hình này đã thể hiện được sức sống bền bỉ và sức sáng tạo lớn, tạo được những thành quả phát triển vĩ đại, đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành siêu cường thế giới về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự với mức sống, phúc lợi, công bằng và bình đẳng xã hội được đảm bảo ở mức độ tương đối cao. Mô hình này cũng đã được áp dụng thành công ở hàng loạt nước Đông Âu và một số nước thuộc địa mới giành độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, làm hình thành phe XNCN thế giới. Tính chất Marxit của mô hình này thể hiện rõ ở việc thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân do các đảng cộng sản lãnh đạo, tiến hành chuyên chính vô sản, xóa bỏ chế độ tư hữu và giai cấp tư sản, tập trung tư liệu sản xuất vào tay nhà nước hay còn gọi là kế hoạch hóa tập trung, thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phổ cập phúc lợi xã hội miễn phí, v.v.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là từ khi nào và tại sao mô hình này lại thất bại? Trên thực tế, từ thập niên 1970, lực lượng sản xuất thế giới bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc mới với 2 động lực chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 hay còn gọi là cuộc cách mạng tin học, và quá trình toàn cầu hóa. Trong khi đó, Liên Xô và các nước XHCN theo mô hình Xô-viết lại trở nên xơ cứng, trì trệ, không bắt kịp với những thay đổi của thời đại, ngày càng chệch hướng khỏi các nguyên lý Marxit-Lêninit. Các đảng cộng sản cầm quyền ngày càng xa rời thực tiễn, rơi vào tình trạng giáo điều về tư tưởng, sa sút về tinh thần, suy thoái về tổ chức, tha hóa về đạo đức, đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Nền dân chủ XHCN bị xói mòn bởi tình trạng tập trung quyền lực và tệ sùng bái cá nhân ngày càng trở nên chuyên chế, quan liêu, độc đoán, duy ý chí, khiến cho các mâu thuẫn xã hội tích tụ không được giải quyết, bức xúc xã hội gia tăng. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mất dần tính hiệu quả và động lực phát triển do các quan hệ sản xuất trở nên xơ cứng, coi nhẹ lợi ích cá nhân, khuyến khích vật chế, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của con người, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, khiến cho tăng trưởng kinh tế mất đà, hiệu quả kinh tế-xã hội ngày càng giảm sút.

Việc chi phí những nguồn lực khổng lồ cho chạy đua vũ trang với Mỹ, viện trợ cho các nước XHCN anh em và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, sa lầy về quân sự ở Afghanistan hay tình trạng giá dầu thế giới sụt giảm trong thập niên 1980, … cũng thường được nhắc đến như những nhân tố góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng trì trệ của Liên Xô, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến sụp đổ.

Cần lưu ý rằng, mặc dù khủng hoảng của mô hình kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp mà cốt lõi là việc không giải quyết được mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong bối cảnh mới theo nguyên lý của Mác, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những biến cố ở Liên Xô và Đông Âu, cũng như ở nhiều nước XHCN khác trên thế giới, nhưng rõ ràng không phải là điều tất yếu gây sụp đổ dây chuyền chế độ chính trị ở các nước này. Nói một cách khác, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt. Sự “vượt thoát” bằng cải cách và đổi mới của CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam là những minh chứng không thể chối cãi cho điều đó.

Những sai lầm nghiêm trọng của ban lãnh đạo Liên Xô đứng đầu là Gorbachev trong quá trình cải tổ chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Sự thực, đổ vỡ đã có thể không xảy ra nếu công cuộc cải tổ được tiến hành từng bước thận trọng, chứ không ồ ạt trên cả 4 phương diện: tự do hóa kinh tế, dân chủ hóa chính trị, phi ý thức hệ tư tưởng và mở cửa ra bên ngoài. Chính đường lối phiêu lưu, nguy hiểm này đã làm bùng nổ và lan tràn đến mức không thể kiểm soát nổi các mâu thuẫn chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, sắc tộc, các xu hướng ly tâm, cấp tiến hóa, cực đoan hóa.

Cải tổ (perestroika) bắt đầu bằng chính sách “tăng tốc” (uskorenia) nhằm nâng cao năng suất lao động thông qua cắt giảm chi phí, thắt chặt kỷ luật lao động và bước đầu áp dụng một số nhân tố thị trường vào mô hình kinh tế kế hoạch của Liên Xô. Tuy nhiên, sau một vài thành công ban đầu, các rối loạn về giả cả, khan hiếm hàng tiêu dùng bùng phát, khủng hoảng kinh tế bắt đầu. Trước sự phản đối trong đảng và ngoài xã hội, để duy trì quyền lực của mình Gorbachev tiến hành bước phiêu lưu mới – phát động chính sách công khai hóa (glasnost) và dân chủ hóa mà thực chất là kích động dư luận công kích, bôi nhọ Đảng Cộng sản, phủ nhận thành tựu của 70 năm xây dựng CNXH, tiến tới xóa bỏ quyền kiểm soát của Đảng đối với lĩnh vực truyền thông, bật đèn xanh cho quá trình tư nhân hóa ồ ạt các xí nghiệp quốc doanh, làm mất chỗ dựa kinh tế của quyền lực lãnh đạo của Đảng. Để duy trì và thâu tóm quyền lực cho mình, chống lại sự phản đối ngày càng tăng trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev đã phá vỡ nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ trong đảng, tùy tiện khởi động cải cách chính trị nhằm hạn chế tiến tới xóa bỏ quyền lực của Đảng Cộng sản, phi chính trị hóa công an và quân đội, tước bỏ chức năng bảo vệ Đảng của các lực lượng vũ trang.

Tại Hội nghị đại biểu lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô họp vào tháng 6/1988, Gorbachov đã áp đặt “tư duy mới” về “CNXH mới dân chủ và nhân đạo” mà thực chất là chuyển hướng sang các giá trị tư sản phương Tây, thay thế nguyên tắc tập trung dân chủ bằng dân chủ bầu cử hình thức, giải tán 23 ban trung ương của Đảng mà thực chất là tước bỏ các công cụ cầm quyền của Đảng, thực hiện đa nguyên hóa chính trị thông qua cái gọi là “phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng và các Xô-viết” mà thực chất là xóa bỏ vai trò của đảng như đội tiền phong của giai cấp công nhân, chuyển trung tâm quyền lực nhà nước từ tay Đảng Cộng sản sang các Xô-viết. Đây là một trong những bước ngoặt căn bản dẫn đến đổ vỡ hệ thống chính trị Liên Xô. Bằng nhiều thủ đoạn chính trị tinh vi, quyền lực của Đảng đã bị chuyển sang tay Xô-viết tối cao, và sau đó việc sửa đổi Hiến pháp đã cho phép Gorbachev thâu tóm được chức Chủ tịch Xô-viết tối cao vào năm 1988 và trở thành Tổng thống đầu tiên của Liên Xô vào năm 1989. Ngày 14/3/1990 điều 6 Hiến pháp Liên Xô bị sửa đổi, chính thức bãi bỏ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, quy định đa nguyên chính trị và hệ thống đa đảng.

Những bước đi nguy hiểm này đã hủy hoại uy tín của Đảng Cộng sản, làm mất phương hướng dự luận xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị XHCN tốt đẹp, thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa ly khai tại các nước cộng hòa tự trị và các nước XHCN anh em, tạo điều kiện cho các phần tử bất đồng chính kiến, những kẻ cơ hội chính trị đủ mọi phe phái trỗi dậy, tập hợp thành các phong trào chống đối.

Cùng với những sai lầm trong chính sách đối nội, ban lãnh đạo do Gorbachev cầm đầu thi hành chính sách đối ngoại phản động theo hương từng bước nhượng bộ, thỏa hiệp với phương Tây. Không chỉ dừng lại ở chủ trương hòa dịu, chấm dứt chạy đua vũ trang, tiến hành giải trừ quân bị, ban lãnh đạo Liên Xô đã chủ động rút quân khỏi Afghanistan và các nước Đông Âu, đánh mất kiểm soát tình hình chính trị tại các nước này. Nguy hiểm hơn, “tư duy đối ngoại mới” còn kêu gọi mở cửa về văn hóa-tư tưởng, cấp tập “nhập khẩu” các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây. Điều này đã tiếp tay cho các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng những khó khăn trong nước, đẩy mạnh “diễn biến hoà bình”, kích động tâm lý bất bình, bức xúc trong dân chúng, hỗ trợ tập hợp lực lượng, hình thành các phong trào đối lập, phản kháng, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Sự tan rã của Liên bang Xô viết diễn ra đồng thời với sự sụp đổ của khối XHCN Đông Âu. Năm 1989, chế độ XHCN tại 5 nước Đông Âu là Balan, Hungary, CHDC Đức, Bulgary và Rumani sụp đổ. Năm 1990 các nước cộng hòa vùng Baltic tuyên bố độc lập, rút khỏi Liên Xô. Ngày 20/8/1991, đến lượt các thế lực chống đối lên nắm quyền tại 3 nước cộng hòa chủ chốt là Nga, Ucraina và Beloruxia cũng tuyên bố độc lập. Ngày /12/1991 Liên Xô chính thức giải thể. Năm 1992 đến lượt các chế độ XHCN ở Albani và Nam Tư cũng bị lật đổ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu bắt nguồn từ việc xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, bắt đầu từ việc giáo điều, xơ cứng hóa học thuyết này, và kết thúc bằng việc xuyên tạc, phá bỏ các nguyên lý Marxit-Lêninit cơ bản.

3. Giá trị và sức sống đích thực của chủ nghĩa Mác-Lênin

Phân tích trên chứng tỏ rõ ràng rằng, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990 không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác-Lênin, mà trái lại, có nguyên nhân sâu xa và trực tiếp từ những sai lầm và vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trên cả hai khía cạnh: máy móc, giáo điều và bóp méo, xuyên tạc. Hơn thế nữa, thực tiễn thế giới những năm tháng sau những biến cố lịch sử đó đã chứng tỏ, chân lý vẫn thuộc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp tục khẳng định những giá trị đích thực, cũng như sức sống mãnh liệt của học thuyết cách mạng vĩ đại này.

Thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, như Đổi mới ở Việt Nam, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hóa mô hình kinh tế” ở Cuba, … đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, là những bằng chứng rõ ràng về sự hồi sinh của chủ nghĩa Mác-Lênin. Cốt lõi của những thành công này là việc kết hợp hài hòa các quy luật của kinh tế thị trường với các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN với mở cửa và hội nhập quốc tế, giữa việc củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản với việc xây dựng nhà nước pháp quyền và dân chủ hóa xã hội. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện thực tiễn mới không phải là việc tân trang, cắt xén hay sửa đổi tùy tiện hệ thống lý luận này, mà là việc đổi mới nhận thức, tư duy lại một cách thấu đáo các nguyên lý Marxit-Lêninit trong tình hình mới, bổ sung và phát triển lý luận lên ngang tầm thời đại bằng những tinh hoa tri thức mới của nhân loại cũng như kinh nghiệm thực tiễn mới từ cuộc sống.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ trong gần hai thập niên qua của phong trào cánh tả ở nhiều nước Mỹ Latin trong điều kiện o bế gắt gao của các thế lực tư bản và đế quốc, là bằng chứng sống động về sự bền bỉ của lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Có thể ở đây người ta không nói nhiều đến chủ nghĩa Mác-Lênin, về cách mạng vô sản hay vai trò của Đảng Cộng sản, nhưng các quan điểm cánh tả và xã hội chủ nghĩa về độc lập, tự do, công bằng, bình đẳng, chống áp bức, bóc lột, bất công, đói nghèo; ưu tiên chăm lo sức khỏe, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội cho đông đảo người lao động; không chấp nhận sự thống trị của thị trường, của tư bản và của giai cấp tư sản đang chứng tỏ được sức lôi cuốn, ngày càng thẩm thấu sâu rộng vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân.

Cũng tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu “trăm năm mới có một lần” nổ ra đầu tiên tại Mỹ và các nước TBCN phát triển vào năm 2008 một lần nữa lại cho thấy sức mạnh khoa học phi thường của học thuyết Mác-Lênin. Người ta lại tìm đọc những tác phẩm mà các nhà kinh điển đã viết ra cách đây hàng trăm năm để tìm câu trả lời cho những vấn đề hiện tại. Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ Michael Burawoy (2000) nhận xét, chủ nghĩa Mác như chiếc boomerang – càng cố tình ném nó đi xa thì càng khiến nó mau quay trở lại vì cốt lõi của học thuyết này chính là sự phê phán sâu sắc nhất về CNTB. Còn học giả bảo thủ Robert Kagan (2008) phải thừa nhận “kết thúc của sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý mỉa mai những người đã “mừng hụt” gần hai thập niên trước đây. Chủ nghĩa tư bản có thể chưa hết dư địa để phát triển, nhưng không thể thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo do chính nó sinh ra.

Với tư cách là một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, học thuyết Mác-Lênin vẫn không ngừng đổi mới và phát triển, còn với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của những người vô sản, chủ nghĩa Mác-Lênin đòi hỏi chúng ta phải luôn biết vận dụng sáng tạo để đi tới thành công.   

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất