Ngày 26/8, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam về khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (Chỉ thị số 42-CT/TW).
NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW
Theo Báo cáo tại buổi làm việc, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW sâu rộng đến khắp các cơ quan Hội. Công tác triển khai này gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về xuất bản.
Việc nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản ở Hội Nhà văn Việt Nam được triển khai cụ thể. Báo Văn nghệ nâng cao chất lượng cả về hình thức và nội dung, tăng số lượng phát hành tờ báo, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống thay đổi tên gọi và măng séc, kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ hữu, tăng cường công tác viên, bước đầu có những thay đổi chất lượng nội dung tạp chí. Số lượng phát hành Tạp chí tăng lên.
Trang web của Hội Nhà văn Việt Nam đã xây dựng giao diện hiện đại, bắt mắt, kịp thời đưa những tin bài cập nhật về đời sống hoạt động văn hóa, văn học trong cả nước.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn hằng năm xuất bản những ấn phẩm có chất lượng trong lĩnh vực văn hóa, văn học. Mỗi năm, Nhà xuất bản đã cấp phép cho hàng ngàn cuốn sách, đồng thời, bước đầu thực hiện việc tự xuất bản, ấn hành những tác phẩm có giá trị, chất lượng. Từ đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng văn hóa đọc cho người dân, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân; thực hiện theo đúng phương châm của Đề cương văn hóa Việt Nam đã nêu: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, phát triển mạnh mẽ hoạt động xuất bản, in, phát hành sách của các cơ quan trực thuộc Hội. Hội đã đóng góp hàng vạn đầu sách cho hệ thống thư viện ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng, địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Việc khai thác các nguồn lực, tiến hành hợp tác, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước được Đảng đoàn Hội chú trọng, nhằm tăng cường nguồn lực cho xuất bản, in và phát hành các ấn phẩm văn hóa.
Đảng đoàn Hội Nhà văn đã đẩy mạnh công tác chăm lo, phát triển nhu cầu văn hóa đọc, nâng cao chất lượng hoạt động, giới thiệu, phê bình sách, phê bình văn học nghệ thuật, tham gia các hoạt động đối ngoại quốc tế.
Các hoạt động tri ân những cá nhân có đóng góp cho nền xuất bản nước nhà được tổ chức đều đặn như kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, 100 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố, Trần Hữu Thung, 110 năm ngày sinh GS. Trương Tửu... Tổ chức hàng chục trại sáng tác trên khắp cả nước. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, nói chuyện chuyên đề về các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào đời sống văn học...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Trong những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã xét duyệt đầu tư cho hàng trăm tác phẩm có chất lượng cao, xét Giải thưởng Hội Nhà văn và xét kết nạp Hội viên mới, tạo sự đồng thuận trong dư luận, củng cố, xây dựng, trẻ hóa đội ngũ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn khảo sát đánh giá cao Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đã chuẩn bị báo cáo công phu, chất lượng, khoa học. Báo cáo đã nêu được những cách làm hay, sáng tạo, cũng như tồn tại, hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động xuất bản của Hội. Các đại biểu cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Đảng đoàn Hội Nhà văn để tổng hợp, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN PHÁT TRIỂN, HIỆN ĐẠI
Phát biểu kết luận buổi buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam trong tổ chức, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW. Công tác nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW được thực hiện hiệu quả, rộng khắp đến các cấp Hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đạt được kết quả đáng khích lệ.
Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu tại buổi làm việc, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và toàn diện của hoạt động xuất bản, in và phát hành của Hội, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhà xuất bản, các đơn vị in, phát hành quán triệt, thực hiện nghiêm túc chất lượng, hiệu quả việc tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.
Đảng đoàn phải thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản xuất bản theo quy định của Đảng, Nhà nước. Lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động, công tác cán bộ của nhà xuất bản. Có giải pháp xây dựng nhà xuất bản theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa,văn học nghệ thuật.
“Cần phấn đấu sáng tác có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, từng bước nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng. Nhà xuất bản Hội Nhà văn phải khẳng định thương hiệu nhà xuất bản hàng đầu về lĩnh vực văn hóa, văn học” - Đồng chí Phan Xuân Thủy nêu rõ.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị, cần coi trọng việc sáng tạo, đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề sáng tác, nâng cao tính chuyên nghiệp để có được những tác phẩm kết tinh tài năng, tâm huyết của đội ngũ nhà văn đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước; phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật có giá trị cao, góp phần định hướng phát triển văn học nghệ thuật và định hướng giá trị chân - thiện - mỹ cho độc giả. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực để tham gia sâu vào xuất bản điện tử. Đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cho hoạt động nhà xuất bản phát triển, hiện đại.
Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bảo Châu