Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 11/3/2011 13:10'(GMT+7)

Dạy học sinh văn minh, thanh lịch: Nhiều chuyển biến tích cực

Dạy nếp sống văn minh, thanh lịch không thể là những bài giảng giáo điều (Ảnh minh họa: Internet)

Dạy nếp sống văn minh, thanh lịch không thể là những bài giảng giáo điều (Ảnh minh họa: Internet)

Khơi dậy truyền thống thanh lịch

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định: Hiện nay, đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh Hà Nội đang xuống cấp khiến chúng ta phải phiền lòng. Nhiều vụ học sinh đánh nhau, hoặc tự quay “cảnh nóng” rồi tung lên mạng khiến người lớn phải giật mình. Chủ trương xây dựng bộ tài liệu này để trang bị, hun đúc nét thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội là rất cần thiết và có tính đột khởi. Hơn lúc nào hết, Hà Nội cần phải khôi phục nét đặc trưng văn hóa "người Tràng An", mà trước hết là hình thành bộ quy tắc ứng xử trong đội ngũ học sinh Hà Nội.

Bà Phạm Thị Hòa - Trưởng phòng giáo dục quận Hà Đông nhấn mạnh: Việc giảng dạy về văn minh, thanh lịch cho thế hệ trẻ là vô cùng cần thiết, nhưng vấn đề là phải dạy thế nào cho thật sự hiệu quả. Lâu nay, môn giáo dục công dân vẫn được dạy đều 2 tiết/tuần, nhưng rõ ràng không phát huy tác dụng, đa số học sinh thấy nhàm chán.

Dạy nếp sống văn minh, thanh lịch không thể là những bài giảng giáo điều, không tác động vào suy nghĩ và hành động của học sinh. Muốn các em thanh lịch, cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Khi ai cũng có ý thức thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch thì những hành vi không thanh lịch sẽ tự biến mất, các em sẽ tự biết phải làm gì là đúng. Chứ như hiện nay, nhà trường dạy thanh lịch, nhưng ra đường người lớn vẫn văng tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi, không tuân thủ luật lệ giao thông... thì chắc chắn, việc dạy và học sẽ chỉ là hình thức.

Sự hưởng ứng tích cực

Sau 4 tuần với 8 bài giảng được thí điểm tại 18 trường ở 6 quận, huyện trong 3 cấp phổ thông trên toàn thành phố, bộ tài liệu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả cô và trò các trường tham gia dạy thí điểm.

Tại Trường tiểu học Đoàn Kết, ngôi trường được chọn thí điểm triển khai dạy bộ tài liệu này ở cấp tiểu học của quận Hà Đông, cô Đặng Thị Phúc, Nhà giáo ưu tú, Phó Hiệu trưởng phấn khởi cho biết: Kết quả bước đầu của việc triển khai bộ tài liệu này là giúp các em có được sự lễ phép và tự tin hơn. “Nội dung bộ tài liệu khá phù hợp, gần gũi, dễ tiếp thu nên học sinh hứng thú học tập. Trong giờ học, các em tích cực, chủ động, nắm bắt nhanh nội dung kiến thức, vận dụng kỹ năng để thực hành tốt. Tất cả phiếu góp ý của học sinh đều nêu ý kiến tán thành và cảm thấy thích thú với nội dung học tập trong bộ tài liệu”, cô Phúc cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đoàn Kết chia sẻ: Khi được giới thiệu sơ qua về bộ tài liệu, tôi và rất nhiều phụ huynh tò mò không biết con em mình sẽ được học gì. Qua những buổi học đầu tiên, tôi thấy cháu thực sự hứng thú trong học tập, mang những nội dung được học trong trường về đố bố mẹ. Sự chuyển biến ở cháu rất rõ rệt. Từ nhận thức đến hành động. Cụ thể, cháu nói năng lễ phép hơn, biết thưa gửi khi giao tiếp. Có ý thức tham gia vào các việc của gia đình như: ngủ dậy biết để gọn gối, chăn, giúp mẹ thu dọn giường chiếu, đến giờ ăn tự giác ngồi vào bàn dọn đũa, bát. Đó là những chuyển biến đầy ý nghĩa. Khi những kỹ năng sống của các cháu được dạy dỗ, vun đắp liên tục trong sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội thì nếp sống văn minh, thanh lịch ngày càng được phát huy./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất