Thực tiễn cạnh tranh mới đang diễn ra khắp toàn cầu, nguồn tài nguyên nào rồi cũng cạn kiệt. Vậy lợi thế cạnh tranh bền vững của các quốc gia sẽ đến từ đâu? Trong bối cảnh này, có thể thấy vấn đề nhân lực, nhân tài chính là nguồn “tài nguyên” vô cùng quý giá. Họ sẽ là lực lượng đưa đất nước đi lên bằng năng lực hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả trên mỗi lĩnh vực của mình.
Tuy nhiên, để “đánh thức” nguồn tài nguyên quan trọng này, cần hiểu rõ thế nào là nhân tài, họ đang ở đâu và làm thế nào để họ xuất hiện… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ để hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Nhân tài là người cống hiến cho xã hội
Phóng viên (PV): Vai trò của nhân tài đã được khẳng định rất rõ và từ lâu qua câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vậy thế nào được gọi là nhân tài? Họ có đào tạo được không, thưa ông?
GS Chu Hảo: Những nhân vật xuất chúng thường được chúng ta nhắc đến như Nhân tài, Hiền tài và Thiên tài. Tất cả bậc danh này đều là nguyên khí của mỗi quốc gia.
Thiên tài là người có khả năng siêu phàm trong một lĩnh vực nào đó và để lại những thành tựu kiệt xuất cho nhân loại. Người có kiến thức uyên bác, đức độ mẫu mực được quần chúng tin tưởng tôi xin được gọi là hiền tài. Còn nhân tài là những người giỏi giang, năng lực xuất chúng hơn những người đồng nghiệp khác trong một lĩnh vực, một địa phương nào đó. Mặt bằng nguồn nhân lực có chất lượng càng cao thì khả năng xuất hiện nhân tài càng cao. Họ xuất hiện một cách rất tự nhiên trong hoạt động cộng đồng.
Trong cộng đồng có 6, 7 loại trí thông minh khác nhau như thông minh ngôn ngữ, âm nhạc, vận động… nhưng chưa chắc đã được coi là người tài khi không có tác dụng cống hiến cho xã hội nhiều. Còn nhân tài là người có những đóng góp, sáng tạo làm ra thêm những sản phẩm giá trị vật chất, tinh thần khác.
Khó có thể đào tạo được thiên tài. Nhưng với nền giáo dục hiệu quả, tôn trọng thực học, sẽ là nền tảng, cơ hội để nhân tài bộc lộ. Qua hệ thống giáo dục, người ta làm tốt công việc chuyên môn, bằng năng lực của mình, họ trở nên xuất chúng hơn người khác với những kiến thức đã có đó.
PV: Như vậy, không thể phủ nhận rằng giáo dục và đào tạo có một sứ mệnh quan trọng tạo ra mặt bằng tri thức và kỹ năng để người tài vươn lên đỉnh cao bằng sự thông minh và ý chí của mình. Theo ông, nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh đó chưa?
GS Chu Hảo: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập. Đó là nền giáo dục mà triết lý giáo dục nói rất hay nhưng trong thực tế cuộc sống phần lớn lại đào tạo ra những con người thụ động, không có năng lực sáng tạo, chỉ biết học thuộc lòng. Chúng ta hiện đang lún sâu vào nền giáo dục tạo ra những con người ham hố bằng cấp, khác với nghị quyết, chủ trương đặt ra. Nền khoa học-công nghệ, văn học-nghệ thuật khó có thể phát triển trên cơ sở này.
Nền giáo dục hiệu quả - cơ hội để nhân tài xuất hiện
PV: Người xưa đã có câu “Thời thế tạo anh hùng”, vậy cần những điều kiện gì để nhân tài xuất hiện và phải trọng dụng họ thế nào?
GS Chu Hảo: Trong bối cảnh hiện nay, theo suy nghĩ của tôi, đó là phải có nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học; có cơ chế phát huy dân chủ, đảm bảo tự do sáng tạo, tự do học thuật để phát triển tài năng; áp dụng phương pháp tuyển chọn nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Hiện nay, bộ máy của các cơ quan nhà nước thường được quy định chặt chẽ từ trên xuống dưới. Điều này có mặt tốt là tạo nên sự thống nhất nhưng cũng tạo nên sự cứng nhắc, trì trệ khi thực tiễn ở từng nơi đòi hỏi “tối ưu hóa” bộ máy đang tồn tại. Muốn tìm được “đúng người, đặt vào đúng chỗ” phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: trọng dụng hiền tài (người có đức, có tài phải được xếp ở cương vị cao hơn), những lỗi “xếp ngược” sẽ khiến tổ chức đó bất ổn; tiếp đến là đặt người vào đúng vị trí sở trường.
Ở những nước công nghiệp tiên tiến, họ thực hiện một cách bài bản, hiệu quả và liên tục các công đoạn: mô tả công việc và quy định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của từng vị trí công tác; nêu ra được các tiêu chuẩn rất cụ thể của từng cương vị trong hệ thống; tiến hành tuyển chọn nhân sự một cách khoa học; tiếp đến là theo dõi, đánh giá khách quan, hiệu quả công việc để có chính sách khuyến khích nếu làm việc tốt, răn đe nếu làm việc xấu, thải hồi nếu quá xấu và đề bạt nếu làm rất tốt.
PV: Nhân tài thì ở lĩnh vực nào cũng cần, trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, chúng ta cần những nhân tài trong lĩnh vực nào?
GS Chu Hảo: Chúng ta rất cần ba loại nhân tài là: các nhà lãnh đạo xuất sắc, doanh nhân cự phách và các nhà khoa học – công nghệ, văn học-nghệ thuật tài ba.
Thời nào cũng vậy, nhân tài quan trọng nhất đối với quốc gia là những người lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Thiếu những nhà lãnh đạo, đặc biệt ở các cấp càng cao thì đất nước sẽ càng khó để tồn tại và phát triển. Việc đào tạo, tuyển chọn và sử dụng những nhân tài lãnh đạo là quan trọng nhất nhưng cũng đồng thời là công việc phức tạp và khó khăn nhất.
Đất nước ta còn nghèo trong một thế giới đầy biến động và bất trắc về tài chính, thương mại. Các doanh nhân là người đóng vai trò chính trên mặt trận này. Chúng ta đã từng có một lớp người kinh doanh cự phách và tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc, họ kinh doanh không chỉ để làm giàu mà còn vì thể diện quốc gia. Một lớp doanh nhân thời đại mới đang hình thành nhưng hình như tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc chưa sánh được với các bậc tiền nhân.
Nhân tài trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, văn học-nghệ thuật có vai trò quan trọng nhưng chỉ có thể phát huy tiềm năng khi hai loại nhân tài kể trên đi trước một bước. Những nhân tài có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới như GS Ngô Bảo Châu, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn… còn quá ít.
PV: Câu trả lời nào là thấu đáo để câu chuyện nhân tài không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, thưa ông?
GS Chu Hảo: Câu trả lời chỉ có khi có một sự đồng thuận trong đánh giá. Các nhà lãnh đạo, những người trong ngành giáo dục và toàn xã hội phải có cái nhìn khách quan, đánh giá trung thực mọi vấn đề để cuối cùng có thể xác định được mục tiêu và nội dung cơ bản của công cuộc cải cách một cách toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà, như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra. Chỉ khi có một nền giáo dục lành mạnh và đề cao thực học thì đất nước mới có được nguồn “nguyên khí” dồi dào nhằm phụng sự quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông !
(Theo: Thu Hà/QĐND)