Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 2/10/2011 14:22'(GMT+7)

Giảm tải để trẻ em được sống tuổi thơ

GS Phạm Tất Dong trả lời phỏng vấn.

GS Phạm Tất Dong trả lời phỏng vấn.

Nhồi nhét kiến thức, làm mất tuổi thơ

- Ngành giáo dục Việt Nam hiện đang rất quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Theo GS, mấu chốt của vấn đề này là gì?

- Từ lâu tôi đã mong mỏi phải cải cách giáo dục. Tại sao vậy? Vì càng ngày, giáo dục càng khác. Trước đây, trong mỗi giai đoạn, chúng ta đều có sự điều chỉnh trong giáo dục, vì mỗi giai đoạn đều có những đòi hỏi mới về con người. Trải qua những cuộc cải cách ấy, thì chúng ta mới có nền giáo dục này.

Bây giờ, chúng ta đang ở giai đoạn khác. Chúng ta đặt mục tiêu 10 năm nữa trở thành nước công nghiệp. Hơn nữa, chúng ta đang ở trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra rất mạnh và kinh tế hiện nay là kinh tế tri thức. Do vậy, giáo dục không thể cứ giữ nguyên như cũ. Chúng ta cần có đổi mới về chương trình, phương pháp, phải có cải cách cả hệ thống giáo dục, về quản lý giáo dục và về nghiệp vụ sư phạm. Tất cả những vấn đề đó phải đi với nhau thì mới tạo ra được nền giáo dục mới. Giáo dục mới ấy phải có những phương châm, những nguyên lý mới.

- Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thành công, nhiều người cho rằng, vấn đề cốt yếu là phải giảm tải nội dung chương trình học…

- Theo tôi, chương trình phổ thông đừng đòi hỏi cao quá. Tôi nhớ, có lần, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma hỏi Tổng thống Hàn Quốc: Trở ngại lớn nhất trong giáo dục mà ông thấy là gì? Tổng thống Hàn Quốc nói: “Trở ngại lớn nhất là bố mẹ tôi luôn đòi hỏi tôi gay gắt quá”. Theo tôi hiểu thì có lẽ ý ông ta muốn nói đến nền giáo dục đòi hỏi nhiều thứ quá. Cái gì cũng bắt trẻ con phải học. Thế thì không phải. Người ta chỉ nên dạy những cái rất cơ bản và từ những cái cơ bản ấy, sau này trẻ em có vốn liếng để tiếp tục phát huy. Nếu cứ nhồi nhét đủ thứ thì kiến thức nhà trường chẳng khác gì món ăn hổ lốn. Tức là phải có đủ mọi thứ trên đời cho vào rồi quấy lên để cho đứa trẻ “ăn”. “Món ăn” ấy không “nuốt” được. Cho nên phải học cái gì cơ bản nhất. Càng lên cao càng học dần dần.

Trẻ em tiểu học cần được phát triển tuổi thơ theo đúng nghĩa của nó. Kiểu dạy và học như bây giờ đang làm mất tuổi thơ, mất tuổi chơi của các cháu. Cho nên giảm tải là để làm sao cho trẻ em có thì giờ sống với đúng lứa tuổi của mình. Đó là nguyên tắc quan trọng.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, học sinh mới chỉ học 5 buổi mỗi tuần trên lớp, nên chương trình trở nên nặng. Trong khi ở các nước khác thì trẻ em đều đi học cả ngày…

- Không phải. Tôi được học 2 buổi từ thời Pháp thuộc. Nhưng chương trình không nặng như bây giờ. Nhiều lúc tôi vẫn nói đùa với mọi người rằng, mình học cũng không đến mức căng thẳng nhưng mình vẫn trở thành giáo sư. Nhà trường không thể dạy mọi thứ cho học sinh. Những điều học được trong nhà trường chỉ bằng một phần mấy học được bên ngoài. Vậy nên người xưa mới có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Trong trường chỉ nên dạy những kiến thức cơ bản, dạy cho học trò biết cách học, biết tự học thì học trò mới tiến bộ xa.

Ngày xưa, khi Cụ Hồ đến In-đô-nê-xi-a nói chuyện với các cháu sinh viên, cụ nói cụ không có thì giờ đi học, nhưng cụ có một trường đại học đó là học dân. Cụ Hồ là vị lãnh tụ tối cao, là con người rất uyên bác. Nhưng với Cụ Hồ và nhiều học trò của cụ thì học dân vẫn là chủ yếu. Cụ Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng có phải do cụ học từ trường quân sự đâu? Cụ học ngay trong cuộc sống thực ở Việt Nam.

Tiến sĩ chưa “vỡ” kiến thức tiểu học

 - Một số người cho rằng, việc không chuyển hết kiến thức là do năng lực sư phạm của một số giáo viên. Những người này bày tỏ lo ngại rằng, giảm tải nội dung chương trình học đồng nghĩa với việc chấp nhận những giáo viên có năng lực sư phạm chưa bảo đảm.

- Ý kiến của GS về vấn đề này thế nào?- Giảm tải không có nghĩa là không đòi hỏi về năng lực sư phạm. Ngược lại, giáo viên phải có năng lực sư phạm tốt thì mới đảm nhiệm được việc dạy chương trình giảm tải, dạy phương pháp tự học cho học sinh. Cho nên, tôi nghĩ là càng giảm tải thì giáo viên càng phải giỏi. Với giáo viên giỏi thì những điều quá khó cũng trở thành dễ. Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh, giảm tải nghĩa là những điều không cần thiết thì đừng có dạy.

- Giảm tải kiến thức trong sách giáo khoa, nhưng trên thực tế lại phát sinh rất nhiều chương trình học ngoại khóa. Theo GS, như vậy có mâu thuẫn không?

 - Chương trình dạy chính khóa thì phải giảm. Còn các chương trình ngoại khóa để dạy kỹ năng, giúp học sinh giao tiếp tốt hơn, khéo tay hơn, giỏi âm nhạc hơn, chơi thể thao tốt hơn thì càng tốt chứ sao? Miễn là đừng có “vác” những thứ cao siêu “tống” cho học sinh THPT như học đại học, rồi một số nội dung trong chương trình THPT lại đưa xuống THCS thì không ổn. Như thế thì “chết” học sinh.

- Vậy, GS đánh giá như thế nào về chương trình học trong các nhà trường hiện nay?

- Thực ra, các nhà làm chương trình hiện nay đang muốn hiện đại hóa nên cứ nghĩ phải đưa được cái này, cái kia vào mới hay. Họ quên mất rằng dạy cái gì phải theo đúng tâm, sinh lý của lứa tuổi. Tôi cho rằng, đi học là phải học được cái căn bản nhất. Viết sai ngữ pháp, sai chính tả là ví dụ điển hình về hậu quả của việc dạy học nhồi nhét. Ngay một số luận án tiến sĩ mà tôi hướng dẫn hoặc chấm cũng có rất nhiều câu “hỏng”. Tại sao lại như thế? Đáng lẽ học xong tiểu học là phải thông thạo những kiến thức ấy rồi. Nhưng ở đây đến đại học, sau đại học vẫn sai. Như vậy, tức là cái đáng học thì không học, mà học những cái đâu đâu. Tôi nhớ, ngày bé ở tiểu học là viết câu không được sai từ. Tốt nghiệp đại học là viết câu không được sai nữa. Như thế thì mới có cái cơ bản. Cho nên tôi nói thật, làm thủ trưởng bây giờ mệt lắm. Cán bộ giúp việc làm cho mình công văn xong mà không dám tin là cán bộ viết đúng, phải đọc và chữa lại. Đó là cái buồn nhất của các thủ trưởng. 

- Xin cảm ơn GS! 

Minh Thắng/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất