Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 2/10/2011 10:35'(GMT+7)

Ðẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời

Ðại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trao 10 bộ máy vi tính cho Trung tâm Nghị lực sống.

Ðại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trao 10 bộ máy vi tính cho Trung tâm Nghị lực sống.

Ðể có được bước chuyển biến vĩ đại đó, trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tạo nên ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó nhiều quốc gia đã có chiến lược xây dựng xã hội học tập, trong đó mọi người dân đều có cơ hội, có điều kiện học tập và ai cũng học suốt đời.

Ở nước ta, tại Ðại hội toàn quốc lần thứ IX của Ðảng (2001) đã quyết định phải tạo điều kiện cho mọi người dân đều được học theo hệ thống chính quy hoặc không chính quy, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X tiến thêm một bước khẳng định: Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập; Chỉ thị 11-CT/T.Ư ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị đã khẳng định: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân; Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã xác định: Ðẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. Mặc dù, Ðảng và Nhà nước đã sớm đề ra chủ trương xây dựng xã hội học tập từ hơn mười năm nhưng nhiều người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên vẫn chưa nắm được khái niệm xã hội học tập, chưa nhận thức được tính chất quan trọng và sự cần thiết của xã hội học tập, do đó chưa quan tâm vấn đề xây dựng xã hội học tập.

Xã hội học tập là một xã hội, trong đó, mọi người dân đều có nhu cầu và nghĩa vụ học tập, đều được tạo cơ hội và điều kiện học tập. Nhà nước bảo đảm cho ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất. Trong xã hội học tập, nền giáo dục được cấu trúc thành hai hệ thống giáo dục có sự liên thông với nhau, hỗ trợ lẫn nhau: Hệ thống giáo dục ban đầu (hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường), chủ yếu dành cho thế hệ trẻ và hệ thống giáo dục tiếp tục (hệ thống giáo dục không chính quy ngoài nhà trường) chủ yếu dành cho người lớn. Quá trình giáo dục gắn liền với toàn bộ đời sống con người, không phân biệt tuổi tác, ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, mọi người đều có điều kiện học và phải học.

Ðể có một tổ chức xã hội làm nhiệm vụ vận động toàn dân học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường và tạo điều kiện mở rộng các hình thức học ngoài nhà trường, Ðảng và Nhà nước đã cho thành lập Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam) vào ngày 2-10-1996. Ðến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng có hơn 8,5 triệu hội viên. Tổ chức của hội đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, 100% số huyện, thị xã, quận... với gần 300 nghìn chi hội. Trong đó, hằng năm có tới hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên nghèo và học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi được nhận học bổng từ các quỹ khuyến học. Nhiều trường học, nhiều xã nghèo được hội giúp xây dựng trường lớp, tủ sách hoặc thư viện, nhân dân nhiều địa phương đã góp tiền, hiến đất, góp vật tư xây dựng trường lớp bị xuống cấp hoặc bị hư hỏng do thiên tai. Ðáng chú ý, hội đã cùng ngành giáo dục và đào tạo xây dựng 10.696 trung tâm,  chiếm hơn 96% số xã, phường, thị trấn trong cả nước. Mỗi năm, có hơn 13 triệu lượt người đến các trung tâm học tập cộng đồng để được tiếp thu chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước cũng như hướng dẫn tiến bộ khoa học công nghệ cần cho sản xuất, v.v. Ngoài ra, mỗi năm hội đã có hàng chục nghìn phần thưởng dành cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, những thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Ðặc biệt từ năm 2005 đến nay, hội đã tổ chức "Giải thưởng Nhân tài đất Việt" hằng năm, lúc đầu về Công nghệ - Thông tin, tiếp đó mở rộng sang lĩnh vực khoa  học tự nhiên, y học và sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác. Qua đó động viên được đông đảo người dân, nhất là thanh niên, đi sâu vào công tác nghiên cứu sáng tạo, kết quả là nhiều công trình được ứng dụng vào sản xuất và đời sống một số công trình được xuất khẩu ra nước ngoài, được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá là "vườn ươm nhân tài cho đất nước".

Thực hiện Chỉ thị 11-CT/T.Ư ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, hội đã và đang nỗ lực thực  hiện vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội... trong cuộc vận động toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các hoạt động của hội đều được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng nên các cuộc vận động do hội đề xướng như xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, thôn, bản, khu phố khuyến học... đều được mọi người tích cực tham gia. Hiện nay, rất nhiều cơ quan, xí nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đã mở các lớp học thường xuyên để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, công nhân, chiến sĩ... Rất nhiều doanh nghiệp đã có những khoản ngân sách dành riêng cho việc hỗ trợ giáo dục. Các chi nhánh của Quỹ Khuyến học như Quỹ Nhân ái, Quỹ Vòng tay đồng đội,... còn giúp xây dựng cầu, đường, cung cấp phao cứu hộ, xuồng... để cho trẻ em ở những vùng sông nước có điều kiện thuận lợi đến trường.

Tuy xây dựng xã hội học tập và yêu cầu học tập suốt đời là một xu thế lớn, xu thế chung của thế giới hiện đại, nhưng do mỗi nước đều có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau nên không thể có một mô hình định sẵn để các nước noi theo, mỗi nước xuất phát từ xu thế chung đó phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình mà xây dựng xã hội học tập phù hợp. Ðối với nước ta do có nhiều khác biệt giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền ngược, giữa đồng bằng, trung du và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, cho nên xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập không thể ngày một ngày hai có thể thực hiện được. Chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đi từng bước vững chắc, đi từ cơ sở đi lên. Trong sự nghiệp này truyền thống hiếu học từ nghìn đời của dân tộc và quyết tâm cao của toàn Ðảng, toàn dân, là yếu tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thành công. Trong những năm trước mắt Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, với sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội... quyết ra sức thực hiện Nghị quyết của Ðại hội lần thứ XI của Ðảng "Ðẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời" nhằm trong tương lai không xa đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Nguyễn Mạnh Cầm-Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất