Thứ Tư, 6/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 22/11/2013 9:39'(GMT+7)

Đẩy mạnh ba khâu đột phá chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều 21/11 đã nêu bật việc đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, Chính phủ tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg và triển khai Luật đầu tư công. Rà soát các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển và các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh để tập trung đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo báo cáo, năm 2012 - 2013, doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước và trên 33% GDP. Trên 80% doanh nghiệp nhà nước có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ. Năm 2012, vốn chủ sở hữu tăng 26% so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 16,37%, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, nằm trong giới hạn cho phép (3 lần).

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo cho biết, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 10/2013 khoảng gần 800.000 tỷ đồng, tăng gần 2,6 lần so với năm 2008. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước còn chi thêm 7.000 – 8.000 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…/.

(Theo: VOV)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất