Thứ Ba, 1/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 30/5/2011 13:33'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin để góp phần xoá đói giảm nghèo

Bà con các dân tộc huyện KonPlông ra quân làm đường giao thông nông thôn đầu xuân.

Bà con các dân tộc huyện KonPlông ra quân làm đường giao thông nông thôn đầu xuân.

Trong những năm qua, chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện KonPlông (tỉnh Kon Tum) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, Nghị quyết 04-NQ/TU, Chương trình 37-CTr/TU của Tỉnh ủy về xây dựng các xã đặc biệt khó khăn đã thật sự đi vào cuộc sống.

Xác định công tác xoá đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết chuyên đề về Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2003-2010, Đại hội XVI Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2006-2010) đã ban hành chương trình giảm hộ nghèo, xây dựng thôn, làng vững mạnh giai đoạn 2006-2010, với những mục tiêu cụ thể: giảm hộ nghèo còn dưới 40%, phấn đấu có trên 70% thôn, làng no đủ-vững mạnh-an toàn; UBND huyện ban hành Đề án thực hiện chương trình “giảm hộ nghèo, xây dựng thôn, làng vững mạnh” giai đoạn 2006-2010; Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện được thành lập gồm 20 thành viên, là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan, do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.

Các Nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia của Đảng, của Chính phủ; Nghị quyết, đề án của tỉnh, của huyện về giảm hộ nghèo, xây dựng thôn, làng vững mạnh giai đoạn 2006-2010 được cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các cơ quan 04 phụ trách thôn, làng triển khai sâu rộng trong nhân dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, công tác giảm hộ nghèo, xây dựng thôn, làng no đủ-vững mạnh-an toàn đạt được những kết quả tích cực.

Theo kết quả Điều tra khảo sát hộ nghèo năm 2005, toàn huyện KonPlông có 3.850 hộ, trong đó 3.382 hộ nghèo chiếm 87,84%; tỷ lệ hộ dân định canh định cư là 75%, có 65% trong tổng số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 168, 134, 139 của Chính phủ, cùng với sự quan tâm tỉnh; sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của Huyện ủy, UBND huyện và sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của các cơ quan 04 đỡ đầu xã, thôn... thời gian qua đã tạo động lực để hộ nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện và nâng dần mức sống gia đình, từng bước thoát nghèo.

Giai đoạn 2006-2010, bằng nhiều nguồn vốn, đã có 4.037 lượt hộ nghèo được vay vốn với hơn 47 tỷ đồng đồng để tạo việc làm, phát triển sản xuất; 600 công trình hạ tầng được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng mức vốn đầu tư lên hàng nghìn tỷ đồng. Nhân dân được cấp không thu tiền muối Iốt, dầu hỏa và hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho 12.583 lượt hộ, với tổng trị giá 1.852 triệu đồng; mua thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo, hộ DTTS: 69.465 thẻ, hộ gia đình chính sách: 1.896 thẻ, trẻ em dưới 72 tháng tuổi: 5.358 thẻ; Chính sách an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả, trợ cấp thường xuyên cho 562 đối tượng với tổng kinh phí 4.762 triệu đồng; có 1.233 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134, với tổng mức hỗ trợ 7.561 triệu đồng.

Lễ khởi công Công trình Nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 676, đoạn qua Thị trấn Măng Đen-KonPlông.

Đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2009 của Chính phủ "về Chương trình hỗ trợ giảm hộ nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo", Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ "về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở" được triển khai trên địa bàn huyện đã tăng thêm nguồn động lực giảm hộ nghèo nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đến nay, có 14 công trình hạ tầng cơ sở được xây dựng với tổng mức vốn đầu tư 36.600 triệu đồng; tỷ lệ hộ làm nhà ngói đạt 85%, 100% hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; có 398 hộ tham gia khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đất sản xuất, với diện tích 109,9 ha; giao khoán 24.650,2 ha rừng cho 881 nhóm hộ và 385 hộ khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ; tạo điều kiện đưa đi xuất khẩu lao động sang thị trường các nước là 61 lao động thuộc diện hộ nghèo.

Với mục đích giảm nhanh hộ nghèo và phát triển kinh tế bền vững, đến cuối năm 2010, toàn huyện còn 1.773 hộ nghèo, chiếm 38,7%, giảm 1.725 hộ nghèo so với cuối năm 2005; có 100% hộ dân định canh, định cư bền vững.

Từ những kết quả của công tác xoá đói giảm nghèo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, có 3.448 gia đình tham gia đăng ký gia đình văn hóa, đạt 79% số hộ. Qua bình xét hàng năm, số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 53%; tổng số thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa đạt tỷ lệ 33%, 89/89 thôn đã xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, được trang bị bàn ghế, âm ly, loa đài; lưu giữ được 80 bộ cồng chiêng; 100% các thôn đã có đội cồng chiêng, đội văn nghệ quần chúng, UBND các xã ban hành quyết định thành lập mới 10 đội cồng chiêng cấp thôn, 18 đội văn nghệ quần chúng. Số hộ có ti vi trên địa bàn huyện là 1.360 hộ, chiếm 33% so với tổng số hộ.

Sự nghiệp giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn huyện có 22 trường học gồm các bậc học, với 362 phòng học ở 21 trường xã, trong đó có 214 phòng học được xây dựng kiên cố, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy-học được trang bị đầy đủ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục tăng từ 396 người (năm 2005) lên 557 người (năm 2010), 100% giáo viên đạt chuẩn. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt ở mức cao 98,5%. Năm 2010, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ I; 3/9 xã đạt chuẩn về phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.

Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố; hàng năm tổ chức tốt chiến dịch chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tuyên truyền cho nhân dân ăn chín, uống chín, ốm đau đến bệnh viện để điều trị. Trung tâm y tế huyện được xây dựng kiên cố đạt tiêu chuẩn của một bệnh viện hạng III với đầy đủ các khoa, phòng quy mô trên 50 giường bệnh; 100% trạm y tế xã đã có y sỹ phụ trách; 100% thôn làng có nhân viên y tế thôn được bồi dưỡng kiến thức và có kỹ năng cơ bản về truyền thông giáo dục sức khoẻ, thực hiện tư vấn và truyền thông giáo dục sức khoẻ ban đầu lồng ghép tại trạm y tế, tại cộng đồng và gia đình.

Một trong những nguyên nhân thành công của công tác giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện KonPlông được bắt nguồn từ chính kết quả xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Đến nay tất cả các thôn trong huyện đều có đảng viên tại chỗ, có chi bộ (trước đây, 10 thôn chưa có đảng viên, 20 thôn chưa có tổ chức đảng). Trình độ học vấn của bí thư chi bộ thôn, thôn trưởng, thôn phó từng bước được nâng lên, góp phần đắc lực vào triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo của cấp trên.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác vận động quần chúng. Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận và các ngành đoàn thể huyện đã phối hợp với chính quyền các xã không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động từ huyện đên thôn; kết hợp ngành chức năng của huyện chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, giới thiệu các mô hình kinh tế có hiệu quả, phối hợp với Trung tâm dạy nghề Măng Đen tổ chức các lớp dạy nghề - tạo thêm việc làm cho lao động ở nông thôn... Với ý thức vươn lên thoát nghèo, tạo dựng kinh tế gia đình ổn định, hộ nghèo được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, định hướng mô hình kinh tế cộng đồng, kinh tế trang trại..., phát huy có hiệu quả nguồn vốn, góp phần thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo ở khu dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm hộ nghèo, xây dựng thôn làng no đủ-vững mạnh-an toàn còn một số mặt chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm của huyện thấp, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa được bền vững, nguy cơ tái nghèo không thể tránh khỏi. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình phức tạp, đất sản xuất ít, hạ tầng cơ sở yếu kém, thiên tai thường xuyên đe doạ. Trình độ dân trí thấp, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tập quán sinh hoạt lạc hậu, tốc độ tăng dân số tự nhiên khá cao. Tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự ty mặc cảm, chấp nhận đói nghèo như một định mệnh vẫn còn khá phổ biến trong người dân và một số cán bộ địa phương. Năng lực tổ chức thực hiện cuả cán bộ cơ sở hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật...

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục yếu kém trong công tác giảm hộ nghèo, xây dựng thôn làng no đủ-vững mạnh-an toàn; đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015) về công tác xoá đói giảm nghèo... Đảng bộ huyện KonPlông đã xác định các giải pháp:

Một là, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin một cách thường xuyên, có hiệu quả đến từng tổ chức cơ sở thôn, làng, cán bộ, đảng viên về các Nghị quyết của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo; Đề án phát triển KT-XH giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2009-2020; Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum... Thông qua tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu rõ mục đích, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên cho người nghèo hưởng lợi, từ đó mỗi người dân, mỗi hộ gia đình ý thức tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; coi đây là một trong những yếu tố quyết định để thoát nghèo bền vững.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông tin cho người nghèo. Tiếp tục chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình cho các thôn, làng thuộc vùng sâu, vùng xa. Tăng thời lượng tuyên truyền các phóng sự, mô hình kinh tế kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế cộng đồng ở các nơi trong cả nước có điều kiện tương tự như huyện KonPlông để nhân dân tham khảo, học tập; phát hiện, giới thiệu các mô hình kinh tế tiên tiến, cá nhân xuất sắc trong phát triển sản xuất để tuyên truyền và nhân rộng.

Hai là, tạo điều kiện, bố trí đủ nguồn vốn, lập kế hoạch cho hộ nghèo vay vốn, đồng thời phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn kịp thời cho các xã ngay từ đầu năm để các địa phương chủ động tuyên truyền cho nhân dân đăng ký vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Khuyến khích cac hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, ngành nghề, tạo điều kiện cho lao động có cơ hội được vay vốn đi xuất khẩu lao động.

Ba là, tập trung các nguồn lực, củng cố hệ thống trang thiết bị, trạm y tế cơ sở để phục vụ công tác khám và điều trị kịp thời cho nhân dân. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh để phòng bệnh, khi đau ốm phải đến trạm y tế, bệnh viện để khám và điều trị bệnh.

Bốn là, nâng cao dân trí, dạy nghề cho nông dân. Duy trì tốt kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo ở các cấp học, bậc học. Tăng cường đào tạo ngành nghề cho nông dân. Đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, các ngành nghề khác, từng bước đưa nông nghiệp ngày càng phát triển. Củng cố và phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến lâm của huyện và có phương pháp hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi cho nhân dân một cách phù hợp.

Năm là, hỗ trợ cải thiện nhà ở, đất sản xuất, nước sạch cho người nghèo. Hỗ trợ kinh phí kịp thời cho người nghèo khai hoang, phục hóa để sản xuất, trồng cây lâu năm, lúa 02 vụ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tăng cường đầu tư các công trình nước sạch để phục vụ cho người dân ở các xã đặc biệt khó khăn./.

Bài, ảnh: Võ Thị Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất