Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 23/3/2013 9:59'(GMT+7)

Đẩy mạnh hợp tác để bảo vệ nguồn tài nguyên nước

(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Tiếp nối Hội thảo về vai trò nước trong phát triển bền vững tại Hungary năm 2012, hội thảo lần này chính thức tạo ra khuôn khổ đối thoại thường niên trong cơ chế ”Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” mới vừa được thành lập tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 tại thủ đô Vientiane, Lào.

Đây là sáng kiến đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam ở một diễn đàn liên khu vực về vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước, trong bối cảnh năm 2013 được chọn là “Năm hợp tác quốc tế về nguồn nước”, đánh dấu 20 năm Liên hợp quốc triển khai “Ngày nước thế giới” (ngày 22/3).

Sáng kiến này cũng tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với ASEM với tư cách là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn cách đây đúng 17 năm (tháng 3/1996 - tháng 3/2013), đồng thời là đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức phi truyền thống toàn cầu.

Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững và tăng cường hơn nữa hợp tác Á-Âu như đẩy mạnh hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước, quản lý bền vững các lưu vực sông gắn với tăng trưởng xanh; cần có các cách tiếp cận mới mang tính tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực, thay đổi cách làm để thúc đẩy phát triển và giảm nghèo.

Hội thảo đề xuất xây dựng các giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ hơn trong cơ sở hạ tầng, thể chế và thông tin để thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh sử dụng công nghệ xanh cho quản lý và sử dụng nước, tăng cường hợp tác công-tư; trao đổi chính sách trong các vấn đề nước, bao gồm nước xuyên biên giới, với mục tiêu cân bằng các lợi ích khác nhau trong phát triển.

Hội thảo cũng nhất trí cho rằng cần tăng cường sự tham dự và hỗ trợ của ASEM đối với các cơ chế của các thành viên trong hợp tác khu vực và tiểu vùng về quản lý nước, như tiểu vùng Mekong, Danube..., đồng thời tăng cường sự đóng góp của ASEM cho các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Nước châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Chiangmai, Thái Lan vào tháng 5/2013 và Hội nghị Thượng đỉnh Nước thế giới Budapest tại Hungary vào tháng 10/2013.

Hội thảo đã thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại Ấn Độ vào tháng 11/2013, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEM và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Bỉ năm 2014.

Romania sẽ đăng cai Hội thảo tiếp theo trong khuôn khổ cơ chế đối thoại này trong năm 2014.

Trong thời gian tham dự hội thảo, các đại biểu đã đi thăm Dự án Kè sông Hậu tại thành phố Cần Thơ. Bạn bè quốc tế đánh giá cao nỗ lực và các dự án của Việt Nam nhằm quản lý bền vững nguồn nước, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các nước và các tổ chức quốc tế cũng chia sẻ và nhất trí cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức đang đặt ra đối với việc quản lý nguồn nước sông Mekong, nhất là với các nước ở hạ nguồn, khi mà Mekong là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán trong một thập kỷ qua./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất