Thứ Ba, 24/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 7/5/2011 9:33'(GMT+7)

Ưu tiên hỗ trợ lao động trẻ nông thôn học nghề

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến đánh giá sau một năm thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đôn đốc, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án, các Bộ, cơ quan Trung ương, sự quyết tâm triển khai của cấp ủy, chính quyền điạ phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và cơ sở dạy nghề đã thu được các kết quả ban đầu. Về cơ bản, hoàn thành mục tiêu năm 2010 và đang khẩn trương triển khai kế hoạch 2011. Việc ban hành văn bản hướng dẫn, đặt hàng dạy nghề cũng như tăng cường các điều kiện để nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai tích cực.

Để đẩy mạnh thực hiện Đề án trong năm 2011 và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng lưu ý tập trung thống nhất mục tiêu năm 2011: Dạy nghề cho khoảng 500.000 LĐNT theo chính sách của Quyết định số 1956, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; tiếp tục triển khai làm rõ mô hình thí điểm ở cấp tỉnh, huyện, xã và các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; tiếp tục nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cho 07 chức danh chuyên môn ở xã.

Về đối tượng tham gia Đề án: Thống nhất đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ nghèo và cận nghèo (được quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, cận nghèo năm 2011-2015) thay cho quy định đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn trong Quyết định số 1956.

Về tuổi học nghề: Ưu tiên hỗ trợ lao động trẻ trong độ tuổi lao động tham gia học nghề theo chính sách trong Quyết định 1956. Giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc cho phép những người lao động lớn tuổi được học nghề theo chính sách trong Quyết định 1956 nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và trong khả năng kinh phí được bố trí. Mỗi tỉnh chọn xây dựng ít nhất một trung tâm dạy nghề kiểu mẫu, dạy những nghề có nhu cầu cao nhất và phổ biến nhất ở địa phương; các tỉnh phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thống nhất xây dựng dự án đầu tư từ nguồn kinh phí theo Quyết định 1956. Hỗ trợ đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, chủ yếu thông qua chương trình vay vốn cho học sinh, sinh viên gắn với đào tạo theo cơ chế đặt hàng; điều chỉnh đối tượng đặt hàng trên cơ sở trước hết ưu tiên cho đối tượng trong Quyết định 1956, xem xét đặt hàng cho các đối tượng khác nếu thực tế có nhu cầu bức thiết.

Trước tháng 6/2011, kiện toàn hệ thống Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, hoàn thành các văn bản quy định, hướng dẫn, trong đó có thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án. Gắn nội dung thực hiện Đề án với việc quy hoạch và phát triển nhân lực quốc gia và địa phương ./.

TCTG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất