Quốc hội Việt Nam là biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, quy tụ trí tuệ và niềm tin của cả nước. Việc lựa chọn đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là đòi hỏi tất yếu ở một đất nước có đông đồng bào dân tộc như ở Việt Nam.
Thực tế, những năm qua, trong các cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương, các đại biểu là người dân tộc đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp sắp tới, việc lựa chọn đại biểu người dân tộc phải đáp ứng được cả 2 yêu cầu: cơ cấu và chất lượng.
Sinh năm 1983, Vi Thị Hương là đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khoá XII. Trẻ tuổi, là nữ, tốt nghiệp đại học, là người dân tộc thiểu số và được cử tri tín nhiệm, Vi Thị Hương trúng cử Đại biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2007. 4 năm có mặt ở nghị trường, người phụ nữ dân tộc Lào này không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri Điện Biên đến diễn đàn Quốc hội, chị còn tham gia các đoàn giám sát và qua đó, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số cả nước.
Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, đại biểu Vi Thị Hương cho biết: “Có rất nhiều ý kiến của đại biểu người dân tộc tại Quốc hội đã được Chính phủ tiếp thu, hiện thực hoá. Tôi mong trong khoá tới sẽ có thêm nhiều đại biểu là người dân tộc tham gia Quốc hội”.
Với sự tham gia của các đại biểu là người dân tộc thiểu số, Quốc hội Việt Nam là biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, quy tụ trí tuệ và niềm tin của cả nước. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là người dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc hình thành, xây dựng và quyết định các chủ trương, chính sách lớn về các vấn đề dân tộc; phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước về những vấn đề có liên quan tới dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ mang tính khả thi cao, sát với thực tế và nhất là phù hợp với nguyện vọng của cử tri như: Nghị quyết 30a về hỗ trợ đầu tư cho 62 huyện nghèo nhất nước; Chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tiếp tục triển khai chương trình 135, 134...
Vậy, đối với các cơ quan dân cử ở địa phương thì sao? Việc lựa chọn đại biểu là người dân tộc tham gia HĐND 3 cấp cũng được coi là yêu cầu bắt buộc. Ông Đinh Quang Phòng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Hoà Bình cho biết, địa phương này có hơn 10 dân tộc anh em, trong đó có những dân tộc chiếm tỷ lệ dân số cao như Mường, Thái, Dao, Mông... Chính vì vậy, không chỉ coi trọng cơ cấu, Hoà Bình còn đề cao vấn đề chất lượng.
“Tại cuộc bầu cử này, đối với đại biểu Quốc hội do Trung ương phân bổ, chúng tôi không tham gia. Nhưng đối với HĐND tỉnh, huyện, xã thì chắc chắn vấn đề cơ cấu sẽ đạt được. Trong những năm qua, Hoà Bình rất quan tâm đến việc luân chuyển, đào tạo cán bộ người dân tộc cho nên nhìn chung, các dân tộc đều có những người tham gia HĐND các cấp xứng đáng, xứng tầm”- Ông Phòng nói.
Thực tế, sự tham gia của các đại biểu dân tộc trong hệ thống chính trị của cả nước là một đòi hỏi khách quan ở một đất nước có 54 dân tộc như nước ta. Và với cơ quan dân cử cũng như vậy. Ông Giàng Seo Phử- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhận định: “Cho đến thời điểm này, có thể nói đại đa số các dân tộc thiểu số đều tham gia vào hệ thống chính trị của cả nước, đặc biệt là lãnh đạo Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương, cho đến Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh, huyện, xã. Trong 12 nhiệm kỳ Quốc hội đều có các đại biểu của các dân tộc thiểu số tham gia với tỷ lệ rất cao, trên 10%. Riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có đến 188 đại biểu tham gia Quốc hội”.
“Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước. Chỉ tính riêng đại biểu Quốc hội, nếu như trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá I, có 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 10% thì đến nhiệm Quốc hội khoá XII, có 87 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,6%. Dự kiến, Quốc hội khoá XIII có khoảng 16% đại biểu là người dân tộc thiểu số. Với sự chọn lựa các ứng cử viên tiêu biểu qua quá trình hiệp thương chặt chẽ, đúng luật và sự sáng suốt, đầy tinh thần trách nhiệm của cử tri, chắc chắn trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào ngày 22/5 tới tìm ra được những đại biểu ưu tú của các dân tộc tham gia vào cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân./.
(Theo: Hương Giang-Lại Hoa/VOV)