Muốn phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế, nội tại trong vùng cần đẩy mạnh liên kết, tạo động lực tăng trưởng mạnh. Đây là nhận định chung được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Vùng kinh tế ĐNB có 9 tỉnh, thành phố, là địa bàn phát triển năng động của cả nước. Tại Diễn đàn Kinh tế ĐNB 2016, các chuyên gia kinh tế đánh giá sự phát triển của ĐNB chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng như: Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng chưa phát triển kịp với nhu cầu, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế… Mặc dù đã được quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm nhưng thiếu thể chế đặc thù cũng như thiếu thể chế điều phối và liên kết kinh tế. Những “rào cản” này là thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế của vùng trong quá trình hội nhập quốc tế.

Theo Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập quốc tế đem lại lợi ích to lớn về phát triển thương mại và tối ưu hóa lợi ích liên kết song phương và đa phương dựa trên mở rộng không gian kinh tế. Hội nhập cũng tạo ra những thách thức về sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bán lẻ và “nguồn lực nào sẽ là động lực để phát triển kinh tế?”. Tuy nhiên, ĐNB đang là khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước với bốn hạt nhân phát triển của vùng kinh tế là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐNB đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Đến nay, kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước, có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4-1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. Các dự án đầu tư nước ngoài đã đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện hơn 11.500 dự án với tổng vốn 140,2 tỷ USD, điều đặc biệt là số lượng dự án và vốn đầu tư này chiếm 57,4% và 48,4% tổng vốn FDI của cả nước, tập trung phần lớn vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.

Nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất nhận định, vùng ĐNB cần phải định vị là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế nhằm bảo đảm sự tăng trưởng khu vực. Các tỉnh, thành phố trong vùng cần xác định ngành nghề, phân khúc, sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh, cũng như cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ mới và xây dựng quy chế huy động vốn, đầu tư các cụm ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp hạt nhân. Cùng với đó, cần phải xây dựng các cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm như: Thể chế, chính sách, giáo dục, nghiên cứu đào tạo…

 

Bảo đảm tính hiệu quả trong hợp tác liên kết

Một vấn đề cốt lõi các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh là bảo đảm tính hiệu quả thật sự trong hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao. Thực tế hiện nay, nếu xóa bỏ được xu hướng biến địa giới hành chính thành địa giới kinh tế thì việc liên kết vùng sẽ được “cởi trói”. Liên kết vùng không chỉ ở việc ký kết các hợp tác, mà phải tuân theo sự vận động, phát triển của thị trường, cùng hỗ trợ phát triển kinh tế mũi nhọn của từng địa phương, cũng như phân công lao động trong nội tại khu vực. Điều đó thể hiện qua việc hiện nay chỉ có TP Hồ Chí Minh có chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh hay việc kêu gọi đầu tư vào TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương luôn đem lại hiệu quả tốt. Trong khi đó, việc thu hút đầu tư vào các tỉnh “xa” như Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng lại kém hiệu quả. Nói cách khác, vùng kinh tế ĐNB đang rất cần một “nhạc trưởng” đủ lực để điều hành, tạo động lực phát triển tiềm năng thế mạnh của cả vùng.

 

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm của các địa phương tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016. 

 

Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh hiến kế: “Để liên kết vùng đạt hiệu quả cần có sự tham gia mạnh mẽ của các hiệp hội. Bởi vì, hiệp hội là đại diện cho việc biến địa giới hành chính thành địa giới kinh tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn đạt tầm khu vực và quốc tế, bảo đảm vùng cung cấp dồi dào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Đây phải được xem là giải pháp đột phá ngắn hạn và dài hạn”.

Ở góc độ khác, ông Võ Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Phước đề nghị, vùng ĐNB cần xác định những lĩnh vực ngành nghề, phân khúc, sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng quy chế huy động vốn, đầu tư các cụm ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp hạt nhân. Ông Võ Văn Khoa lấy ví dụ, một thế mạnh của vùng ĐNB là công nghiệp dệt may (chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước), nhưng giá trị gia tăng từ sản phẩm dệt may rất thấp. Hơn nữa, phần lớn nguồn nguyên liệu dệt may của nước ta phải nhập khẩu. Vì vậy, các tỉnh, thành phố phải liên kết với nhau xây dựng cụm công nghiệp nguyên, phụ liệu dệt may. Nếu không liên kết lại thì không tận dụng được cơ hội khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Theo đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, hội nhập sâu vào thị trường quốc tế trong những năm tiếp theo sẽ là cơ hội mới, nhưng cũng cần một nguồn lực mới để cơ hội trở thành hiện thực. Chúng ta cần rà soát, làm rõ hơn định hướng kinh tế của vùng kinh tế ĐNB theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch. Sự thành công của một địa phương cần phải đặt trong sự thành công của cả vùng. Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh thành công thì phải có sự lan tỏa ra các địa phương khác và là đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của các tỉnh khác trong vùng. Muốn tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế, vùng kinh tế ĐNB cần chuẩn bị một nguồn lực nội tại tốt và nhất thiết cần đẩy mạnh liên kết vùng hơn nữa.

 HÙNG KHOA/ QĐND