Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội (QH) đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng,
chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2016, Chính phủ, TAND tối cao,
Viện KSND tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện
các nhiệm vụ QH giao trong công tác PCTP và vi phạm pháp luật, công tác
điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã
hội...
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, như sự cố ô nhiễm môi trường tại bốn tỉnh ven biển miền trung, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, xã hội. Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Số vụ phát hiện tham nhũng chưa tương xứng tình hình thực tế...
Đề cập công tác PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ đã nêu nhiều hạn chế trong công tác PCTN, nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý rất ít...
Một số đại biểu nhận định: Công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Nhiều hạn chế đã được nêu ra từ những năm trước nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa loại bỏ được cơ chế “xin – cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng.
Đánh giá về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, chưa thật sự phát huy hiệu quả, một số đại biểu đề nghị làm rõ ngay trong Báo cáo các nội dung về cải cách thủ tục hành chính, về kê khai tài sản, thu nhập, về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế... Đối với vấn đề chuyển đổi vị trí công tác, một số ý kiến cho biết, đại biểu QH, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, là người trong gia đình, người thân. Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đề nghị Chính phủ xem xét kỹ các phản ánh này để chỉ đạo kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể, trên cơ sở đó đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Theo Nhân dân