Nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên nông thôn (TNNT) trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, vừa qua Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch triển khai phong trào TNNT thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Kế hoạch cũng nhằm động viên, khuyến khích, hỗ trợ TNNT lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Đoàn, mở rộng đoàn kết tập hợp TNNT.
Phong trào được thực hiện trong 5 năm (từ 2013 - 2017) và được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2013 - 2015) tập trung riển khai sâu rộng nội dung phong trào đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên nông thôn; chọn điểm để chỉ đạo triển khai thực hiện; tiến hành khảo sát, kiểm tra, tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm giai đoạn 1, đồng thời xây dựng những nội dung, giải pháp sát thực tiễn để tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong giai đoạn 2. Giai đoạn 2 (từ 2016 - 2017), trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm triển khai phong trào giai đoạn 1 để triển khai thực hiện nội dung của phong trào gắn với định hướng phát triển KT-XH của địa phương và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020; đánh giá kết quả thực hiện phong trào ở giai đoạn 2, căn cứ vào kết quả thực hiện và tình hình thực tiễn, để tiếp tục đề xuất phong trào trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, những nội dung và hình thức cụ thể của phong trào được xác định là:
Một là, thi đua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lao động sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Lao động sản xuất kinh doanh hướng tới hiệu quả và có tính sáng tạo. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong các khâu của quá trình sản xuất và sau thu hoạch, chú trọng ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chủ động và tham gia sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản bảo đảm chất lượng, giá thành hạ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; thường xuyên đúc kết kinh nghiệm để bổ sung hoặc cải tiến quy trình kỹ thuật, đảm bảo thuận lợi khi ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Hai là, thi đua đổi mới tư duy, tìm hiểu, chia sẻ kiến thức mới, tạo dấu ấn trẻ khác biệt trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Tăng cường chia sẻ thông tin, kiến thức mới về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao kiến thức và năng lực thị trường trong TNNT; tổ chức học văn hóa, học nghề nông để nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ mới trong TNNT. Chủ động tham gia công tác dồn điền, đổi thửa tại địa phương, từng bước phá bỏ rào cản tư duy, tập quán canh tác cũ, tiếp cận tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp. Duy trì các nghề truyền thống, đa dạng hoá các sản phẩm từ nghề truyền thống; khuyến khích phổ biến kinh nghiệm, chuyển giao các nghề truyền thống cho thanh niên địa phương, thanh niên các vùng lân cận.
Ba là, thi đua sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu thị trường
Ứng dụng và nhân rộng mô hình sản xuất Global GAP, VietGAP trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng. Tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã bao bì, nhãn hiệu cho các sản phẩm, đảm bảo các quy định của ngành nông nghiệp, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cụ thể. Tiếp cận và sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Bốn là, thi đua xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh
Chủ động định hướng cho thanh niên nông thôn tham gia liên kết phát triển kinh tế theo từng lĩnh vực, ngành nghề để tạo ra sức mạnh trong sản xuất, kinh doanh. Sản xuất, kinh doanh đảm bảo trung thực, đúng pháp luật, đoàn kết, tôn trọng môi trường, đối thủ cạnh tranh; cùng hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ góp phần tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo ra sự phát triển hài hòa, lành mạnh chống tình trạng vô trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện có hiệu quả các nội dung, hình thức thi đua nêu trên, những giải pháp cơ bản được đề ra là:
Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho TNNT về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Nâng cao nhận thức cho TNNT về ý nghĩa, vai trò của việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp TNNT nâng cao ý thức, trách nhiệm và thi đua học tập, đảm bảo đủ khả năng nắm bắt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Cung cấp thông tin, kiến thức về thị trường và hỗ trợ cho TNNT kết nối được kiến thức cơ bản về nông nghiệp với hiểu biết về thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, sản xuất ra sản phẩm đúng yêu cầu của thị trường. Đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin, kiến thức KHCN, kiến thức quản lý kinh tế, kỹ năng thực hành xã hội cho TNNT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo và các sản phẩm truyền thông (sách, tờ gấp, tạp chí, bản tin, Internet)...
Thứ hai, hỗ trợ và tổ chức cho TNNT tham gia phát triển kinh tế
Tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho TNNT, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; tư vấn, hỗ trợ TNNT tham gia các chương trình, dự án phát phát triển KT-XH của địa phương. Chú trọng khai thác và tham gia hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phát triển KT-XH đã được Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với ngành nông nghiệp, KHCN, công thương và tài nguyên môi trường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, cung cấp thông tin thị trường cho TNNT. Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác để khai thác vốn vay hỗ trợ TNNT phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội làm cầu nối trong việc phát triển mối liên kết 4 nhà “Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích các hình thức liên kết đỡ đầu, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân, các doanh nhân trẻ với các ý tưởng sản xuất, kinh doanh mới, nhất là sản phẩm sau thu hoạch...
Thứ ba, củng cố, duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh trong TNNT
Phát triển các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thanh niên; câu lạc bộ sáng tạo trẻ, chi hội ngành nghề; mô hình điểm trình diễn kỹ thuật, nhóm hỗ trợ sáng kiến, đội kỹ thuật xanh, tủ sách khoa học kỹ thuật tại cơ sở. Thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm về những mô hình làm kinh tế giỏi, gắn với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tổ chức các triển lãm, hội trợ, festival sáng tạo trẻ, hội thi kỹ thuật nghề nông trong TNNT. Chú trọng đánh giá, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình: Làng Thanh niên lập nghiệp, khu kinh tế thanh niên, hợp tác xã thanh niên, tổng đội thanh niên xung phong phát triển kinh tế, trang trại trẻ, tổ hợp tác thanh niên và tổ tiết kiệm vay vốn. Xây dựng các mô hình bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm quy mô hộ, nhóm hộ phù hợp với khả năng quản lý, tổ chức thực hiện của tổ chức Đoàn và TNNT. Hướng dẫn xây dựng và phát triển Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi cấp xã để liên kết, tập hợp những TNNT làm kinh tế giỏi cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tham gia phát triển KT-XH.
Thứ tư, tôn vinh và nhân rộng các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt phong trào TNNT thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Tuyên truyền giới thiệu các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh trên các báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình. Định kỳ tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào TNNT thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội thi câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư thanh niên và gặp mặt tôn vinh các điển hình thanh niên nông thôn tiêu biểu trong lĩnh vực thủy sản./.
TG