SỐ HÓA GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM, CHỮA BỆNH
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh, đặc biệt là trong phòng, chống COVID-19.
Cục quản lý Khám chữa bệnh là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là đầu mối trong triển khai Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử (Hồ sơ sức khỏe cá nhân); Kê đơn thuốc điện tử, các hệ thống công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; Cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh; Mã hóa lâm sàng, dịch vụ công trực tuyến khám chữa bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là trong phòng, chống dịch COVID-19 tại bệnh viện.
Ngay từ đầu năm 2020, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã thành lập Trung tâm quản lý điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 để đẩy mạnh hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Đến nay, hàng trăm buổi hội chẩn quốc gia và họp chuyên môn trực tuyến để nâng cao công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc ứng dụng teleheath cũng giúp giảm tử vong tại TP Hồ Chí Minh thông qua việc Bộ Y tế phân công các Bệnh viện trung ương, các Trung tâm hồi sức COVID-19 phụ trách tư vấn, hội chẩn cho từ 3-4 bệnh viện tuyến quận, huyện.
Hiện hệ thống Teleheath đã có thể kết nối với hơn 1.400 điểm cầu tuyến trung ương, tuyến tỉnh và 300 bệnh viện, trung tâm y tế huyện, góp phần giảm tải bệnh viện, bệnh nhân không phải lên tuyến trên. Hệ thống Teleheath đã giúp giải đáp nhiều câu hỏi cho bệnh nhân và cán bộ y tế, thu hẹp khoảng cánh giữa tuyến trên và tuyến dưới, đưa việc tiếp cận các dịch vụ y tế trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống khám chữa bệnh còn đưa rô-bốt vào chăm sóc bệnh nhân, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); tăng cường tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, đặt lịch khám bệnh…
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho thấy, hiện 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%.
Có 20 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… ; Có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Với nội dung liên quan đến hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Quảng Bình…
Bên cạnh đó, nhằm giảm tải cho nhân viên y tế cũng như tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám, bệnh viện đã lắp đặt các cây đăng ký khám bệnh tự động tại các tầng. Tại những điểm đăng ký khám bệnh tự động này sẽ có nhân viên của bệnh viện túc trực, trực tiếp hướng dẫn người bệnh cách đăng ký và lấy số.
CÒN NHIỀU BÀI TOÁN CẦN GIẢI
Việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành y tế vẫn còn nhiều hạn chế phải vượt qua như hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm ứng dụng, hạ tầng mạng và phần cứng ở các cơ sở y tế chưa được đầu tư đúng mức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Phần lớn cơ sở y tế chưa có trung tâm dữ liệu đạt chuẩn theo quy định, chỉ có phòng máy chủ. Các cơ sở y tế chủ yếu dùng máy chủ để lưu trữ dữ liệu ít khi có hệ thống lưu trữ chuyên dụng, hệ thống máy chủ chưa đủ mạnh để vận hành hệ thống phần mềm và chưa có cơ chế hoạt động song song trong hệ thống vận hành xuyên suốt. Hệ thống mạng cũng chưa được đầu tư đúng mức, một số cơ sở y tế còn dùng các thiết bị mạng dùng cho gia đình mà không trang bị các thiết bị mạng chuyên dùng, do đó chưa đáp ứng đủ lưu lượng về băng thông cũng như bảo đảm tính ổn định của hệ thống. Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện chủ yếu được xây dựng theo yêu cầu của từng bệnh viện, kiến trúc kỹ thuật đặc thù riêng, không thống nhất trục thông tin quản lý bệnh viện chung... Dẫn đến, công nghệ sử dụng trên phần mềm lạc hậu, khó khăn khi ứng dụng chữ ký số để thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số hoặc không bảo đảm được tính toàn vẹn dữ liệu.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh với các đơn vị liên quan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đã đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp công nghệ là phát triển hồ sơ sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính pháp lý, bảo mật, liên thông với hệ thống tiêm chủng, quản lý tại nhà… nhằm tiết kiệm chi phí, giảm phiền hà cho cơ sở khám chữa bệnh, người dân, doanh nghiệp. Việc số hóa cũng đảm bảo cải cách thủ tục hành chính trong các bệnh viện như đặt lịch khám, chữa bệnh, quản lý người ra, vào bệnh viện, quản lý hệ thống trong bệnh viện như quản lý thuốc, vật tư tiêu háp, trang thiết bị, nhân lực…
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể triển khai thành công công cuộc chuyển đổi số thì cần sớm thay đổi về các quy định liên quan hồ sơ lưu trữ, phương pháp quản lý và thói quen làm việc của nhân viên và cán bộ y tế. Điều quan trọng nhất, đó là sự hưởng ứng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại giúp người dân thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian chờ khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế.
Đồng thời, sớm hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số trên phương diện quốc gia, nhất là quy định pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng. Hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng CNTT cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế. Cơ sở dữ liệu chung của ngành y tế cần sớm được hình thành, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý y tế ở các địa phương với hệ thống dữ liệu y tế quốc gia. Xem xét chủ trương cho phép thành lập các trung tâm CNTT thuộc các địa phương nhằm tăng cường nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động CNTT trong hoạt động chuyển đổi số tại các cơ sở y tế trên cùng địa bàn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích các chuyên gia CNTT làm việc trong cơ sở y tế, đưa chi phí đầu tư CNTT vào cấu thành giá bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế yên tâm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT cải tiến chất lượng phục vụ người dân.
Phương Thảo