Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
đã phát huy hiệu quả tích cực tại Bà Rịa-Vũng Tàu và được thể hiện rõ
nét trong năm 2015 qua tổng kết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công
tác dân vận của chính quyền năm 2015 tổ chức ngày 12/1.
Năm 2016, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các xã, phường, thị trấn, đoàn thể, doanh nghiệp; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi mặt đời sống xã hội; gắn việc đánh giá kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với xét thi đua khen thưởng… Từ các nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã đề ra kế hoạch, nội dung công việc và giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện với thời gian rõ ràng.
Năm 2015, thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các nhân sĩ, trí thức và người dân đã tích cực góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI và Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân được lãnh đạo phường, xã duy trì thực hiện đã giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng góp phần giải quyết lượng lớn những vấn đề từ cơ sở, ổn định tư tưởng nhân dân và an ninh trật tự trên địa bàn.
Năm 2015, qua vận động, nhân dân tự nguyện hiến đất, tài sản trị giá 248 tỉ đồng; vận động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, đầu tư sản xuất, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nhân dân… với số tiền trên 275 tỉ đồng; đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” được 14 tỉ đồng; thăm và tặng gần 47.000 suất quà Tết cho hộ nghèo trên địa bàn trị giá gần 15 tỉ đồng; xây dựng, sửa chữa gần 150 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa. Ngoài ra, hoạt động đối thoại định kỳ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, người lao động tham gia ý kiến cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh… đã xuất hiện ngày càng nhiều tại tỉnh, giúp hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, đình công, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển ổn định. Theo thống kê của tỉnh, hiện có 413 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (trên tổng số gần 7.500 doanh nghiệp), thì có tới hơn 69% số doanh nghiệp đã ban hành quy chế đối thoại định kỳ, trong đó có 255 doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại và 257 doanh nghiệp tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động./.
Đoàn Mạnh Dương/TTXVN