Thứ Bảy, 23/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Tư, 22/5/2013 17:20'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên

Đường "nông thôn mới" ở thôn Cẩm Quan (Cẩm Xá, Mỹ Hào) được bê tông hóa

Đường "nông thôn mới" ở thôn Cẩm Quan (Cẩm Xá, Mỹ Hào) được bê tông hóa

Nhận thức sâu sắc rằng: xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện, được thực hiện theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, "lấy sức dân để lo cho dân”; phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng thôn, xóm; các hoạt động cụ thể ở xã, thôn, xóm do chính cộng đồng người dân bàn bạc quyết định, Nghị quyết số 02  - NQ/TU, ngày 10 tháng 5 năm 2011của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XVII về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng 2030, đã xác định giải pháp cần quan tâm thực hiện có hiệu quả là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để mọi tầng lớp nhân dân hiểu, tích cực tham gia thi đua xây dựng nông thôn mới bằng những hành động hưởng ứng thiết thực.

Qua tổng kết thực tiễn, muốn thực hiện thành công bất kỳ nhiệm vụ chính trị nào cũng cần phải có sự đồng thuận cao và tin tưởng, gắng sức, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mà muốn tạo được sự thống nhất cao ấy, công tác tuyên truyền phải được chú trọng, được coi là cuộc cách mạng tư tưởng, là nhiệm vụ tiên phong, đi trước một bước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chúng ta phải kiên quyết thuyết phục để tranh thủ sự đồng tình nhất trí của nhân dân với Nghị quyết của Đảng ta. Trong tình hình chính trị hiện nay, sự đồng tình nhất trí đó có một ý nghĩa rất quan trọng”. Vì thế, theo Người cần phản nghiên cứu kỹ, nghiên cứu sâu làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân mới phấn khởi, vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt.

Từ đó tới nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, sự chung tay vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đến cơ sở, công tác tuyên truyền vẫn luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, giúp cho cán bộ, nhân dân đồng thuận quan điểm, hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Nhận thức đầy đủ về trách nhiệm với tư cách là chủ thể xây dựng nông thôn mới, nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt là nhân dân 20 xã điểm đã tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể như hiến đất, đóng góp ngày công, ủng hộ tiền của, vật chất, chỉnh trang môi trường, xây dựng văn hóa nông thôn mới... từ đó, bộ mặt nông thôn Hưng Yên có nhiều khởi sắc. Trong đó, một số xã đã đạt được 13-16/19 tiêu chí, như Mễ Sở (huyện Văn Giang), Tân Quang (huyện Văn Lâm), Giai Phạm (Yên Mỹ), Bình Minh (Khoái Châu).

Thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã xác định công tác tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, cần phải đẩy mạnh, góp phần khơi thông luồng tư tưởng, tạo thành động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên. Vì thế, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin, dành thời lượng để thông tin tới đội ngũ báo cáo viên chủ chốt tại các hội nghị báo cáo viên hằng tháng, thông qua đội ngũ báo cáo viên sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền tới toàn thể cán bộ đảng viên trong toàn chi bộ; đăng tải các nội dung liên quan lên bản tin thông báo nội bộ và trên trang điện tử tuyengiaohungyen.vn... Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, chỉ đạo định hướng tuyên truyền các cơ quan Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên và các cơ quan truyền thông trong tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng nhằm tuyên truyền, phát hiện, biểu dương và nhân rộng những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến về thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Có thể nói trong những năm qua, đội ngũ làm công tác báo chí, truyền hình tỉnh nhà đã nêu cao tinh thần chủ động, nỗ lực bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, kịp thời, thường xuyên, liên tục bắt tay vào việc tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm mới, làm hay, sinh động, đa dạng, hấp dẫn, thích hợp, có hiệu quả, giúp cho cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân hiểu, nhớ, tin, làm theo.

Để xây dựng nông thôn mới trở thành một phong trào thi đua lớn, có quy mô rộng trong thời gian dài, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị 12-CT/UBND ngày 26/9/2011 về việc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Kế hoạch số 28-KH/UBND ngày 13/3/2012 vể tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng 2030”, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

        Sau khi tỉnh phát động phong trào thi đua, ở các huyện, thành phố, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế; đã vận dụng sáng tạo với nhiều hình thức thi đua đa dạng, nội dung phong phú, tạo ra khí thế thi đua mới bằng hành động thiết thực, cụ thể, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và của tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tỉnh, các khối thi đua của tỉnh đã coi thi đua xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của các phong trào thi đua trong năm vừa qua và những năm tiếp theo.

Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm liên quan, các hội đoàn thể - chính trị trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các hội nghị, buổi tập huấn, trao đổi, tọa đàm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn, các đợt thăm quan học tập kinh nghiệm... về xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo các hội viên tham gia. Trong hai năm 2011-2012, đã tổ chức được 815 lớp tuyên truyền cho hơn 64.695 lượt hội viện tham dự, vận động tự động hiến hơn 53.522m2 đất và đóng góp hơn 8.731 ngày công để làm đường giao thông và các công trình công cộng. Điển hình, như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 10 hội nghị triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”, kết hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 10 lớp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 cho 571 cán bộ hội phụ nữ các cấp; tổ chức 65 lớp tập huấn về “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường” cho hơn 5.997 hội viên, thành lập 43 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” với hơn 800 thành viên tham gia. Hội Nông dân tỉnh duy trì viết bài về nông thôn mới trên trang điện tử của Hội. Tỉnh đoàn xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành biên soạn và phát hành hơn 2.260 cuốn “Bộ tài liệu xây dựng nông thôn mới và các văn bản hướng dẫn thi hành”, mua hơn 1000 cuốn “Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới” để cấp phát cho các thành viên ban chỉ đạo, văn phòng điều phối, ban chỉ đạo các huyện, thành phố và xã...

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức 43 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 3.700 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến xã, thôn với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; cơ chế huy động nguồn lực và quản lý tài chính ngân sách trong chương trình xây dựng nông thôn mới; chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý, thực hiện chương trình cấp xã, thôn. Một số huyện, thành phố và một số xã còn trích ngân sách của cấp mình để tập huấn về công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cho gần 3000 lượt cán bộ xã, thôn. Hầu hết các huyện đã tổ chức cho ban chỉ đạo huyện và các sã đi tham quan học tập kinh nghiệm ở tỉnh Thái Bình, Nam Định có điển hình về xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới có thể coi là một cuộc "cách mạng nông thôn", nhằm tạo ra những giá trị mới, đem lại bộ mặt nông thôn hiện đại toàn diện, tổng hợp trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội theo quy chuẩn 19 tiêu chí chung toàn quốc. Và công tác tư tưởng cũng là một cuộc cách mạng không thể tách rời, gắn bó mật thiết, chặt chẽ, góp phần không nhỏ cho sự thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới. Vì thế, hưởng ứng phong trào thi đua "cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện, tự giác tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của các cấp các ngành, sự nỗ lực chung tay đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ cộng đồng dân cư, Hưng Yên sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa./.

 

Hữu Chất- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất