Nếu vài năm trước, khái niệm logistics trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn được gọi là “logistics 4.0” còn khá mơ hồ, nay đã dần định hình rõ ràng. Các công ty công nghệ đang tích cực xâm nhập mạnh mẽ vào hệ thống dịch vụ logistics, kể cả với tư cách nhà cung cấp giải pháp và thậm chí nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp logistics trong nước quan tâm, đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
CÁC MẢNG ỨNG DỤNG MỚI
Năm 2018 đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận về việc ứng dụng công
nghệ trong logistics, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng
cục bộ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ
thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Hiện có bốn mảng ứng dụng chính của
các công nghệ mới. Xuất hiện nhiều nhất là các ứng dụng trong vận tải
đường bộ thông qua tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm
soát tuyến đường, thời gian, lịch trình, nâng cao tỷ lệ khai thác. Sự
nổi lên của các công ty như Uber hay Grab đã thể hiện rõ dấu hiệu của
làn sóng mới này.
Tiếp đó, mảng nổi trội thứ hai là giải pháp tự động
hóa các kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao hàng chặng
cuối. Hiện nay, trên thị trường đã có những ứng dụng đầu tiên của Lazada
và đang tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều công ty lớn trong ngành.
Thứ ba, một số công ty sản xuất lớn như Samsung cũng cho ra mắt những
hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản
xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả.
Cuối cùng, một số ít nhà bán lẻ
trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự
động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu
mua tới khâu phân phối.
Tuy nhiên, trước xu hướng ứng dụng công nghệ rất rõ như vậy, nhưng
lại có rất ít doanh nghiệp (DN) logistics trong nước chịu đầu tư và ứng
dụng công nghệ mới trong hoạt động của mình.
Giám đốc Công ty TNHH quốc
tế Delta Trần Đức Nghĩa chia sẻ: Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin
trong các DN logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, nhất là trong hoạt
động vận tải đường bộ hiện đang chiếm hơn 77% thị phần vận tải của toàn
xã hội. Đây là một yếu tố khiến các DN không thể vận hành một cách có
hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trình độ ứng
dụng công nghệ thông tin thấp có nhiều lý do, nhưng không thể bỏ qua vấn
đề môi trường ứng dụng công nghệ thông tin của cả nền kinh tế. Các cơ
quan quản lý nhà nước và các đơn vị cảng, hàng không, hãng tàu phải đi
đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng kết nối với các chủ
thể khác của thị trường để tạo ra môi trường công nghệ thông tin, từ đó
làm động lực cho các DN khác triển khai công tác tin học hóa hoạt động
quản lý.
CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên.
Thứ nhất, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ logistics ở Việt Nam còn
rất ít, do đó DN khó có thể chọn được nhà cung cấp phù hợp. Thí dụ,
nhiều DN làm dịch vụ giao nhận hiện nay vẫn chưa có phần mềm quản lý
giao nhận vận tải quốc tế (FMS). Lý do là các phần mềm lớn cung cấp từ
nước ngoài thì giá cao, thông thường khoảng hơn 100 nghìn USD, trong khi
phần mềm FMS trong nước phát triển có khi giá bán chỉ 1.000 USD, nhưng
phần lớn khách hàng lại lo không đủ tính năng và độ tin cậy.
Thứ hai, có
giải pháp kỹ thuật tốt là điều kiện cần, nhưng các DN thường phải tính
toán đến hiệu quả khi đầu tư vào công nghệ. Chính yêu cầu này đã và đang
là thách thức rất khó vượt qua của nhiều DN logistics. Nhiều DN vẫn
đang loay hoay tìm kiếm giải pháp, nhưng sau thời gian dài vẫn chưa thể
quyết định chỉ vì chỉ tiêu kinh tế không đạt.
Thứ ba, nguồn nhân lực cho
logistics còn quá yếu và thiếu. Thậm chí, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
trị của nhiều DN cũng không có khả năng cập nhật kiến thức, thông tin
về ứng dụng công nghệ cho nên khó quyết định lựa chọn giải pháp. Bên
cạnh đó, còn thiếu cả đội ngũ những người tư vấn và quản lý các dự án
ứng dụng công nghệ. Phần lớn DN trong nước không có thói quen chi trả
các khoản tư vấn thiết kế, quản lý dự án ứng dụng công nghệ, do đó thị
trường tư vấn quản lý dự án trong lĩnh vực logistics còn rất nhỏ và sơ
khai.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, các chuyên gia kiến nghị cần sớm
xây dựng các chương trình cụ thể nhằm nâng cao năng lực của nhà cung cấp
dịch vụ logistics thông qua ứng dụng công nghệ với những chỉ tiêu xác
định về năng suất, tốc độ, độ chính xác, chất lượng và mức dịch vụ,...
Có thể dùng nguồn quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để tài trợ cho các
chương trình này.
Mặt khác, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hoạt
động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ để xây dựng
năng lực thiết kế, tích hợp hệ thống, lắp đặt và bảo trì các hệ thống tự
động hóa ứng dụng trong quản lý vận tải, kho hàng, trung tâm phân
phối,...
Đồng thời, hỗ trợ vốn hay các điều kiện làm việc ban đầu cho
các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) về giải pháp nền tảng điện tử
logistics và các start-up về ứng dụng liên quan.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh
hơn nữa việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp có sẵn do các đối tác
nước ngoài đã phát triển để tận dụng nguồn lực công nghệ và liên kết
phát triển nhanh ra khu vực.
Riêng về phía các DN, cần có ý thức chủ
động hơn trong việc tiếp cận, đầu tư ứng dụng công nghệ mới để nâng cao
năng lực, chất lượng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh
thị trường cạnh tranh được dự báo sẽ ngày càng gay gắt như hiện nay./.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng: Điểm yếu của các DN logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao,
chất lượng một số dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng đều. Nguyên
nhân chính là hạn chế về quy mô DN và vốn, kinh nghiệm, trình độ quản
lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân
lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động logistics quốc tế. Do vậy, công tác
đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu mới của
ngành dịch vụ logistics trong điều kiện hội nhập quốc tế là một trong
những nội dung quan trọng tiên quyết.
|
Nguyệt Bắc (nhandan.com.vn)