(TCTG)- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong năm 2012 cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm (mô hình các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm an toàn; mô hình chợ an toàn thực phẩm; chuỗi thực phẩm an toàn…), nhất là tại các thành phố lớn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, nhất là nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn
Chiều 19/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm đánh giá công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm trong năm 2011 và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong năm 2012, công tác phối hợp liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cần tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong năm 2011 và có các giải pháp hiệu quả hơn. Trước hết, cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm (mô hình các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm an toàn; mô hình chợ an toàn thực phẩm; chuỗi thực phẩm an toàn…), nhất là tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, nhất là nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn; Đánh giá kết quả và hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương.
Theo Báo cáo công tác phối hợp liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm đã được triển khai khẩn trương, kịp thời, từng bước chủ động trong quản lý an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và bài bản hơn. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm, đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 484.222 cơ sở (tăng 11,3% so với cùng kỳ 2010); số cơ sở bị phạt tiền tăng từ 17,1% năm 2010 lên 26,1% năm 2011; 170 trường hợp vi phạm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban chỉ đạo liên ngành các cấp, các địa phương đã được củng cố hoàn thiện và vào cuộc mạnh mẽ hơn. Về cơ bản, tổng số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm đi so với năm 2010, tổng số vụ giảm 37 vụ (22,1%); số mắc giảm 1.036 người (19,7%). Bên cạnh đó, công tác truyền thông được duy trì, nâng cao được hiệu quả lan tỏa trong cộng đồng và các đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại trong năm 2010 là: ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn khu công nghiệp chưa giảm, việc kiểm soát các nguyên liệu đầu vào còn gặp khó khăn, nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn chưa đạt tiêu chuẩn về điều kiện an toàn thực phẩm. Công tác xử lý vi phạm ở tuyến huyện, xã còn nương nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở, cảnh cáo. Việc tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đôi lúc còn chồng chéo; thanh, kiểm tra đột xuất chưa nhiều. Các vi phạm về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến…/.
TH tổng hợp