Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Động thái trên được đưa ra khi sau khi Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ tiếp tục phát hiện thêm 3 ca mắc một chủng cúm mới được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A(H1N1) đại dịch năm 2009 và cúm A(H3N2) có nguồn gốc từ lợn.
10 người Mỹ đã bị nhiễm virus mới có tên khoa học là S-OtrH3N2. Trong đó, 7 ca nhiễm bệnh này đều có tiền sử tiếp xúc trực tiếp hoặc gần với lợn. Tuy nhiên, 3 trường hợp gần đây nhất lại không có yếu tố nguy cơ này.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu có hay không khả năng bùng phát một đại dịch cúm mới? Đó có thể là mối đe dọa với sức khoẻ vì con người vẫn chưa có miễn dịch với chúng.
Vì thế, để chủ động phòng chống dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt, có biểu hiện cúm đến từ khu vực có dịch.
Đồng thời, các cơ sở y tế tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại cộng đồng, phát hiện sớm các thay đổi và sự lưu hành của virus cúm. Cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Các văcxin cúm hiện có mặt tại Việt Nam chỉ là văcxin phòng bệnh cúm thông thường hay gặp trên người, được gọi là bệnh cúm theo mùa như cúm A (H3N1, H3N2, H1N1). Theo các chuyên gia dịch tễ, người dân vẫn nên đi chích ngừa cúm. Nếu một người đã được chích ngừa nhưng vẫn bị cúm thì thông thường bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn so với việc không được ngừa.
Trước đó vào năm 2009, dịch cúm A (H1N1) cũng lây lan từ bên ngoài vào nước ta. Mới đầu, dịch bùng phát từ khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là Mexico, sau đó lan sang châu Âu, châu Á… Tại Việt Nam, cúm xuất hiện vào tháng 5/2009, đến nay đã có hơn 10.000 người nhiễm H1N1, xác định trên 50 trường hợp tử vong./.
Theo VnExpress