Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 10/12/2011 18:6'(GMT+7)

Thiếu hụt nhân lực y tế ngày càng trầm trọng

 

Đào tạo không kịp

Với quy mô đào tạo lên tới hơn 6.000 sinh viên, nhưng hễ sinh viên nào tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM đều được TP hút hết, chỉ còn một bộ phận rất nhỏ về làm việc cho y tế địa phương. Nói như sinh viên năm 4 Trường Đại học Y Dược TPHCM Trần Anh Q.: “Cần ở lại TP để nâng cao tay nghề, có thêm thu nhập chứ về huyện hay xã phường thì mãi vẫn là anh bác sĩ… làng”.

Chính vì vậy mà tình trạng y, bác sĩ được đào tạo bài bản đổ dồn về thành phố, còn y tế cơ sở vẫn phần lớn là dạng chuyên tu. Thậm chí, mặc dù là bác sĩ chuyên khoa 2, đã gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện ở tỉnh Long An, nhưng bác sĩ Trần Trường S. vẫn một mực xin nghỉ việc để “chạy” nhập hộ khẩu TPHCM và xin vào làm ở một bệnh viện của TP. Đó là thực tế đang trở thành phong trào khi nhiều bệnh viện lớn tại TPHCM liên tục tiếp nhận đơn xin việc của các bác sĩ ở tỉnh về.

Ngược lại, những bác sĩ tay nghề giỏi của bệnh viện TP thì đang đua nhau đầu quân cho các bệnh viện tư nhân. Cụ thể như từ đầu năm đến nay, bệnh viện N., bệnh viện G. chứng kiến 3 - 4 bác sĩ giỏi về làm cho bệnh viện quốc tế F. Một lãnh đạo bệnh viện ngậm ngùi: “Cứ sau một khóa đào tạo ở nước ngoài về thì y như rằng bác sĩ đó xin chuyển ra làm bệnh viện tư”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số bác sĩ phục vụ 1 vạn dân bình quân từ 4,1 bác sĩ năm 2001 lên gần 7 bác sĩ/vạn dân hiện nay, nhưng các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này lại rất thấp, như Đồng Tháp chỉ đạt 4,2 bác sĩ/vạn dân; Lai Châu 3,3 bác sĩ/vạn dân… Đó là chưa kể, tình trạng chênh lệch, thiếu hụt điều dưỡng càng trầm trọng hơn. Đối với khu vực bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ cần phải đạt là 2,5 - 3,5, nhưng hiện mới đạt 1,7/bác sĩ và càng ở bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ này càng thấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ điều dưỡng của một quốc gia ít nhất 2 điều dưỡng/1.000 dân. Nếu xét theo tỷ lệ này, riêng TPHCM đang thiếu hơn 6.000 điều dưỡng. Tại hội nghị về nhân lực y dược mới đây, Bộ Y tế dự kiến đến năm 2015 cả nước cần có 976.033 cán bộ y tế. Như vậy, số cán bộ y tế cần bổ sung từ nay đến 2015 là gần 700.000 người, số cần đào tạo hàng năm là 78.000 người. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục - Đào tạo, năng lực đào tạo (khóa 2007 - 2013) chỉ khoảng 27.300 người.

Nhu cầu cao, đãi ngộ thấp

Cũng dễ lý giải vì sao phần lớn y, bác sĩ có tay nghề đều muốn bám trụ tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Đó là ngoài việc làm cho các cơ sở y tế công lập thì việc làm thêm, làm ngoài giờ cũng khá thuận tiện, thu nhập cao. “Học 6 năm ngốn hết tiền của ba mẹ nay về quê làm lương bọt bèo thì sao mà lại vốn. Mà chưa chắc về quê đã xin được việc”, Thành, sinh viên năm 3 Đại học Y Dược TPHCM thổ lộ.

Chưa hết, đối với dược sĩ thì việc không muốn làm cho cơ sở y tế công lập mà đi làm cho các hãng dược phẩm càng thấy rõ. Nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo tình trạng “trắng” bác sĩ, dược sĩ ở các xã, phường từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có chính sách cải thiện. Chẳng hạn, theo Bộ Y tế, thời điểm này, Việt Nam mới chỉ đạt 1,5 dược sĩ/10.000 dân, 52% dược sĩ tập trung tại 2 TP lớn là TPHCM và Hà Nội.

Kết quả thống kê tại 245 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh của Cục Quản lý khám chữa bệnh, với gần 52.000 giường bệnh chỉ có gần 470 dược sĩ. Vậy mà tại nhiều địa phương thiếu dược sĩ vẫn chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút.

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, quy mô đào tạo các trường ĐH, CĐ y dược không lớn, thấp hơn quy mô đào tạo một trường ĐH khối ngành khác. Khả năng đáp ứng yêu cầu mục tiêu cán bộ y tế đến năm 2015 rất khó khăn. Tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường ĐH, CĐ y dược bình quân 4 năm (2004 - 2008) là 31.907 sinh viên, thấp hơn quy mô đào tạo của một trường ĐH khối ngành khác, ví dụ ĐH Kinh tế quốc dân là 35.845 sinh viên (năm học 2007 - 2008). Trong đó, quy mô đào tạo ĐH cao nhất hiện nay là ĐH Y Dược TPHCM với 6.612 sinh viên.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nhu cầu tuyển thêm nhân lực để bù đắp số về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... thì số cán bộ y tế cần thêm hàng năm là 20%, tương ứng 54.230 người, riêng trình độ ĐH là 12.815 người. Trong khi đó, số liệu ước tính nhu cầu đào tạo đến năm 2015 cho thấy số cán bộ y tế bậc ĐH ra trường hàng  năm vào thời điểm năm 2015 vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Để giải quyết tình trạng trên, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng tăng quy mô đào tạo của hệ thống trường ĐH, CĐ y dược để đạt bình quân trên 45.000 sinh viên, học sinh/năm vào năm 2015 là điều cần thiết. Thậm chí như Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở thêm ngành dược. Ngoài ra cần huy động nguồn lực xã hội, đó là mở thêm các trường đại học y khoa tư nhân.

Tại các cuộc họp tìm giải pháp chống quá tải bệnh viện mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận còn nhiều nghịch lý và bất cập trong đào tạo, sử dụng cán bộ y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành sẽ xem xét lại việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng cao công tác khám chữa bệnh. So với các ngành kinh tế khác, sự tăng trưởng nhân lực y tế quá chậm do hệ thống các cơ sở đào tạo y dược quy mô tăng chậm và hạn chế trong khi các định mức cán bộ y tế không thay đổi hàng chục năm nay. Vì thế số lượng cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cả hệ thống y tế.

Mục tiêu nhân lực y tế đến năm 2020

* 8 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015 và 12 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020.

* 1,5 dược sĩ đại học/10.000 dân vào năm 2015 và 2 dược sĩ đại học/10.000 dân năm 2020.

* 20 điều dưỡng từ trung cấp trở lên/10.000 dân vào năm 2015 và 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2020.


SGGP
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất