Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 29/12/2010 16:37'(GMT+7)

Dạy sự văn minh

Ngôn ngữ Tràng An sau 1000 năm !... (tranh: Nguyễn Lê Tâm)

Ngôn ngữ Tràng An sau 1000 năm !... (tranh: Nguyễn Lê Tâm)

Bắt đầu từ học kỳ 2 của năm học này, học sinh Hà Nội sẽ được học một môn mới, có tên là Thanh lịch, Văn minh. Môn học này là nội dung bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” mới được bảo vệ thành công trước hội đồng nghiệm thu công trình khoa học thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của hội đồng nghiệm thu, bộ tài liệu đã chọn đưa ra những kiến thức cụ thể, gần gũi để định hướng hành vi cho các em… giúp các em không chỉ tiếp nhận kiến thức, mà còn mong muốn, cố gắng làm theo những tiêu chí văn minh, thanh lịch đã được học.

Với những lời ngợi khen có cánh này, dường như chúng ta có thể tin rằng chỉ ít lâu nữa sẽ không còn phải chứng kiến cảnh học sinh Hà Nội văng tục, chửi bậy, lái xe máy vi phạm luật giao thông ngoài đường, trên Internet sẽ không còn xuất hiện các clip nữ sinh đánh nhau, hoặc cảnh “khoe hàng” trong nhà nghỉ… Chắc là thế, vì đã có một bộ tài liệu khiến các em học sinh của Thủ đô mong muốn, cố gắng làm theo những chỉ dẫn về thanh lịch và văn minh. Hội đồng nghiệm thu mà giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ tịch, chắc chắn là uy tín đầy mình, đã nhận xét thế thì cấm có nói sai để mà phải nghi ngờ. Nhưng mà sao vẫn thấy hoài nghi…

Khi câu thơ “không thơm cũng thể hoa nhài” ra đời, chương trình đào tạo của Quốc Tử Giám chưa có bộ tài liệu sáng tạo kể trên. Đất kinh kỳ, bao giờ cũng là nơi chín người mười làng, bao giờ cũng là nơi tập trung dân tứ chiếng, song không ô hợp, không xạc xào líu lo phương ngữ. Bởi vì thời đó, những chuẩn mực của giá trị Hà Nội được tôn trọng. Người ta biết xấu hổ khi mang danh người Hà Nội mà không nói đúng giọng Hà Nội, sẽ xấu hổ khi ở kẻ chợ mà vẫn mang tập quán ở sau lũy tre làng trong sinh hoạt.
Nét thanh lịch của người Hà Nội được hình thành từ nếp nhà, ra phường phố, được quy định bởi gia phong, và hương ước, và được nuôi dưỡng bằng lòng tự trọng của mỗi con người…. Những đứa trẻ lớn lên, cảm nhận sự đúng, sai, thanh lịch hay lỗ mãng bằng việc nhìn nhận sự đánh giá của cộng đồng đối với những hình mẫu quanh nó. Con người ai cũng có khát vọng được tôn trọng, và lũ trẻ chỉ trở nên thanh lịch khi sự thanh lịch được cộng đồng tôn trọng.

Vậy thì sự văn minh, thanh lịch của người Hà Nội không phải được hình thành bởi một bộ giáo trình. Nên, thay vì soạn thảo một bộ tài liệu văn minh thanh lịch để đưa vào trường học, những người mong muốn tìm lại sự thanh lịch văn minh của người Hà Nội phải tập trung vào việc trả lời câu hỏi: Sự văn minh thanh lịch nằm ở vị trí nào trong thang giá trị con người Hà Nội hôm nay?

Những hình mẫu xung quanh lũ trẻ bây giờ là ai? Là những thí sinh Idol văng tục, nói xấu nhau, là những MC giàu có và nổi tiếng nói ẩu trên truyền hình, là những đại gia thỉnh thoảng lại phát ra tuyên ngôn về tiền bạc, là những người cha giàu có tiện tay đưa cho con xấp phong bì tiêu vặt có đề tên cấp dưới…

Lũ trẻ sẽ muốn giống ai trong số những người chúng nhìn thấy, chúng muốn giống một gã trai mặc đồ hiệu, cưỡi xe hơi đắt tiền bất cần đỗ xe trước biển cấm để bước vào nhà hàng trong ánh mắt ngưỡng mộ của những người phục vụ, hay giống một anh chàng đứng nép sang bên cửa nhường người già khi bước lên xe buýt?   

Có thể, ai đó sẽ nói rằng cần thời gian để minh chứng tính hiệu quả, và ý nghĩa lớn lao của bộ giáo trình ấy. Song, thay vì chờ đợi, nếu ngay từ lúc này có vị quan tòa hóm hỉnh nào nổi hứng hỏi 100 vị quan tham khi ra vành móng ngựa “Bị cáo đã từng đọc cuốn sách ”Thép đã tôi thế đấy” hay chưa?” – Dám chắc, quá nửa số quan tham đó sẽ trả lời “Đã từng.”

Vì vậy, bộ giáo trình thanh lịch văn minh sẽ không thể làm nên sự thanh lịch, văn minh của một thế hệ mới, nếu như những người rao giảng các khái niệm văn minh, thanh lịch không phải hình mẫu của sự thanh lịch, văn minh./.

(Theo VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất