Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 9/2/2011 10:55'(GMT+7)

Để biết người thật, việc thật, nghe lời nói thật

 Hồi ký viết về những lần gặp Bác khá nhiều và tôi không dám nói là đã đọc hết nhưng cũng có thể nói là được đọc khá nhiều. Nhưng tôi rất quan tâm các bài viết, quyển sách của những người được làm việc với Bác trên nhiều cương vị trong nhiều năm như anh Vũ Kỳ thư ký của Bác, các anh Soàn, Ninh giữ trách nhiệm bảo vệ Bác, anh Chước và các anh trong văn phòng Bác… Vì là những người tôi quen biết, cũng biết là họ biết rất nhiều chuyện và là những người rất trung thực, cẩn trọng khi nói về Bác. Trong các hồi ký thì thường đọc các hồi ký xuất bản khoảng một chục năm sau khi Bác qua đời, vì lúc đó họ viết ra và công bố khi những người trong cuộc còn khoẻ mạnh có điều kiện kiểm nghiệm và cuộc đời lúc đó còn rất trong sáng, người ta ít thêm thắt làm sai lạc sự thật.

Đọc các bài viết, quyển sách đó tôi biết được nhiều chuyện và học được nhiều điều nêu lên những tấm gương, nhưng chỉ xin ghi lại những cảm nhận của tôi về những chuyến công tác của Bác.

Người lãnh đạo thường bận trăm công nghìn việc, phải họp, phải đọc hàng đống giấy tờ nhưng người lãnh đạo nào cũng dành thời gian đi công tác, xuống cơ sở, thăm hỏi chiến sỹ, nhân dân để hiểu thêm cuộc sống của đồng bào, đồng chí bổ sung cho những gì được biết trong các báo cáo bằng giấy, hay bằng miệng. Đọc biên niên sử Hồ Chí Minh, thấy năm nào Người cũng thu xếp để đi công tác địa phương đơn vị vài lần kể cả những năm cuối đời không còn khoẻ.Xem ra đi cơ sở để biết được sự thật không dễ vì bị che dấu bởi những lý do khác nhau, cho nên Bác Hồ ta tìm cách đến với nhân dân với phong cách riêng. Đọc sách ghi chép thấy Tết đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, Bác muốn tìm hiểu cuộc sống đồng bào, cho nên đêm giao thừa năm đó Bác lặng lẽ đến thăm chúc tết gia đình người dân ở ngõ Hàng Đũa, Sinh Từ, thăm một gia đình ở ngõ Hàng Lọng để xem “người nghèo đón Tết thế nào” và thấy rõ họ sống ở giữa Thủ đô trong chế độ mới mà không có Tết. Rồi Bác lại hoá trang như một ông già thăm đền Ngọc Sơn để cùng vui Tết với đồng bào.

Kháng chiến lần thứ nhất, trong chín năm sống trong cơ quan phải giữ bí mật, nhưng Bác vẫn tìm cách tiếp xúc với chiến sỹ, đồng bào, có khi đi lẫn vào đoàn dân công. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ trở về Thủ đô, miền Bắc có hoà bình nhưng đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những ngày giáp Tết đầu tiên sau ngày Thủ đô giải phóng, Bác lại hoá trang cùng những người bảo vệ đi thăm chợ Đồng Xuân, rồi đột ngột rẽ qua chợ Bắc Qua là chợ nghèo hơn, để xem bà con sắm Tết ra sao, lại còn hỏi mua hàng để biết giá cả. Đêm giao thừa năm 1962, Bác lại cùng đồng chí trong văn phòng “đột kích” tới thăm gia đình chị Tín ở phố Hàng Chĩnh khi chị đang gò lưng gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo, vì như thế Bác mới nghe được lời nói thật của chị khi giao thừa rồi mà cả nhà 5 người chỉ còn một lon gạo. Theo Thiếu tướng Phan Văn Soàn, người có thời gian dài phụ trách bảo vệ Bác kể lại: Các chuyến công tác của Bác đều được chuẩn bị kỹ vì trách nhiệm bảo vệ lãnh tụ, nhưng “không hề báo trước cho địa phương”. Có lúc Bác phải hoá trang để mọi sinh hoạt được diễn ra tự nhiên, vì “ Bác muốn biết cảnh thật, việc thật, người thật, nghe tiếng nói thật”. Đi thăm và làm việc xong rồi về ngay không dự chiêu đãi, tiệc tùng. Có hôm làm việc xong ở Phúc Yên, Bác bảo tìm một ngọn đồi vắng để Bác cháu nghỉ ngơi, dở cơm nắm ra ăn mấy khoanh, không ăn cơm tại nhà khách tỉnh, chợp mắt 30 phút lại tiếp tục lên đường.Nghe các anh Kỳ, Soàn, Chước kể lại tôi rất tin, không chỉ vì tin các anh mà còn vì đã trải nghiệm.

Còn nhớ, năm 1957 khi tôi ở trong bộ phận lãnh đạo một địa phương lại còn được phân công là Trưởng ban đón tiếp Hồ Chủ tịch về thăm thị xã Hải Dương mới giải phóng. Ngày 31/5/1957 trong một Hội trường còn lợp tre lá và cũng chỉ được biết là đón một đồng chí lãnh đạo (nhưng chắc rằng Khu uỷ thì có thể được thông báo), nhưng chuẩn bị đón một đường thì Bác lại vào một đường khác, để trước hết hỏi chuyện nhân viên trước khi nghe lãnh đạo báo cáo, và thực sự thì cũng không được mời cơm Bác và cũng không biết Bác ăn trưa hôm đó ở đâu.

Rồi khi làm báo Đảng, cũng được một số lần theo Bác đi công tác, nếu đi trong một ngày thì cũng được thông báo là phải chuẩn bị mọi thứ để ăn trưa nếu làm việc quá giờ, ngay cả sáng ngày mồng một Tết Kỷ Dậu theo Bác đi trồng cây ở Vật Lại cũng vậy. Lại nhớ chuyến theo Bác về công tác ở Thái Bình vào ngày 31/12/1966. Đường thì xa, xe lại phải qua phà, khi đến chỗ sơ tán của tỉnh uỷ, địa phương đã chuẩn bị cơm mời Bác dùng nhưng Bác lại dở bọc cơm nắm ra ăn. Các anh lãnh đạo rất thương Bác ăn cơm nguội trong mùa đông, nhưng không biết làm thế nào. Rất may là có sáng kiến của chị Định, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ rủ một số người xúm vào xin Bác mỗi người một khoanh cơm để “lấy khước”, cốt ăn hết cơm nắm của Bác để mời Bác ăn cơm nóng.

Trong chuyến đi công tác của Bác, đoàn đi chỉ hai ba xe không có “tiền hô hậu ủng”, không có rồng rắn hàng đoàn xe như hiện nay. Trong các buổi làm việc không bao giờ tôi thấy treo khẩu hiệu “Chào mừng Hồ Chủ tịch đến thăm và làm việc” như thường thấy trong các buổi đến thăm và làm việc có phần quan cách của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay, vì Bác đã nói “Bác đến để thăm và làm việc chứ không phải để được chào đón, tiệc tùng”. Đi rầm rộ, báo trước, đón rước linh đình, yến tiệc sang trọng thì càng xa cách nhân dân, càng xa sự thật. Bác đi công tác lặng lẽ, có lúc phải hoá trang, không báo trước, không phiền hà cốt để biết người thật, việc thật và phải được nghe lời nói thật, để hiểu dân tình mà làm theo ý dân. Cũng xin kể lại và bàn luận một điều thấy có ý nghĩa thời sự trong phong cách lãnh đạo theo gương Hồ Chí Minh./.

Hữu Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất