(TCTG)-Chuyện biếu quà Tết là phong tục truyền thống, nét văn hóa đẹp của người Việt. Tết truyền thống xưa, gọi là quà Tết đôi khi chỉ là nải chuối, quả bưởi, cân gạo ngon…, tức là cây nhà lá vườn. Giá trị chẳng đáng là bao, nhưng ý nghĩa, tấm lòng lại rất lớn. Cả năm mới có ngày Tết, vì những mối quan hệ khác nhau, có khi là bạn hữu, có khi là cấp dưới với cấp trên, người ta tri ân nhau bằng tình cảm là chủ yếu.
Trong xã hội ta hiện nay phần đông vẫn giữ được cốt cách, nét truyền thống biếu quà Tết đúng thuần phong mỹ tục ngày xưa. Nhưng trên thực tế chuyện phong tục tập quán biếu quà Tết đậm chất nhân văn trên giờ đây hẳn ai cũng biết là đã mai một, biến tướng khác xa với trước đây. Và dường như trong xã hội từ lâu nay đã tồn tại và coi đó là cái mặc nhiên một xu hướng biếu quà Tết với mục đích khác rất xa so với truyền thống trước đây. Quà biếu Tết ngày nay khác xa xưa. Khác ở mục đích biếu quà, ở giá trị quà Tết. Tức là người ta biếu quà Tết vị mục đích trục lợi cá nhân, vì những mối quan hệ khác nhau. Quà Tết có khi là trả ơn cấp trên hoặc chạy chức, chạy quyền.
Chẳng thế mà dịp Tết năm nay câu chuyện quà biếu Tết đã trở thành câu chuyện lại được bàn tán râm ran như đã xuất hiện mấy năm trước đây.
Anh bạn nhà báo tâm sự, đúng là có chuyện đó. Do nghề nghiệp nên những ngày giáp Têt được nhìn thấy cảnh tấp nập khá nhiều xe hơi biển số từ nhiều tỉnh xếp hàng ở một vài con phố trung tâm Hà Nội. Có điều là biển số trắng nhiều hơn biển số xanh. Có vẻ như chủ phương tiện cũng ngại bị dòm ngó nên sử dụng xe tư nhân cho tiện hơn. Và thời gian chúc Tết cũng thường là vào thời điểm tan tâm, từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối.
Anh bạn nhà báo còn tâm sự thêm: Mấy cụ cán bộ hưu trí ở phường nơi cư trú cứ to nhỏ chuyện quà biếu cấp trên năm nay có vẻ phong phú và biến tướng nhiều kiểu. Bây giờ người ta tranh thủ dịp Tết để lo lót, “chạy” cấp trên gọn gàng hơn, ngang nhiên hơn. Nghĩa là quà biều không còn cồng kềnh kiểu gói nọ, gói kia hay cây đào, cây quất…như trước mà thay vào đó là phong bì, phong bao, trong đó có cả tiền ta , tiền tây hay thậm chí là vàng miếng...!. Tức là quà nhỏ nhưng giá trí lớn, chủ nhà nhận dễ dàng, đỡ bị hàng xóm dòm ngó, mang tai, mang tiếng. Tất nhiên nguồn tiền quà biếu cũng có nhiều gốc gác, có khi là tiền túi cá nhân bỏ ra, nhưng cái đáng nói nhất vẫn là bằng cách này cách nọ lợi dụng tiền công quỹ nhà nước để làm quà biếu xén cấp trên dịp Tết. Mà nguồn tiền quá biếu biến tướng từ việc lợi dụng công quỹ nhà nước cũng nhiều kiểu, có khi là nguồn chi khác, có khi là từ đề tài, dự án…
Mấy cụ hưu trí cứ băn khoăn bàn tán sôi nổi là sao trên không có lệnh cấm dùng công quỹ làm quà biếu cấp trên như mấy năm trước cho nghiêm. Cần phải nghiêm cấm, vì đây là biểu hiện tiêu cực làm xấu đi nét đẹp truyền thống văn hóa Tết của người Việt ta, mà xét đến cùng cũng là một dạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền cần phải được loại trừ. Có cụ nói: ôi rời, mấy năm trước có cấm nhưng có vẻ như càng cấm thì dường như tác dụng lại ngược lại, nghĩa là càng cấm thì người ta lại đi chúc Tết cấp trên nhiều hơn./.
Đức Anh