Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT); Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đại diện nhiều sở, ngành của TP.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong 5 năm qua TP đã chuẩn bị chu đáo, tích cực để sớm đưa những nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW) vào thực tiễn đời sống, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo TP tiếp tục phát triển, giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới bằng nhiều giải pháp tích cực và bước đầu đạt được một số thành công.
Cụ thể, TP luôn quan tâm đầu tư, xây dựng trường lớp, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ dạy học tiên tiến, hiện đại. Qua đó, tiếp tục đảm bảo chỗ học cho con em TP, từng bước giảm sĩ số, tăng số lượng trường dạy 2 buổi/ngày và góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng cao, đảm bảo đạt trình độ chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Bước đầu, TP đã xây dựng được một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non, góp phần nâng cao đời sống, giảm bớt áp lực công việc, nâng cao chất lượng đội ngũ.
TP cũng đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá được thực hiện mạnh mẽ ở tất cả các cấp học, chú trọng cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại, tổ chức tốt các kỳ thi chung, khảo sát tuyển sinh đầu cấp theo hướng đánh giá năng lực học sinh.
Song song đó, ngành giáo dục TP cũng tích cực trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập, vấn đề giáo dục học sinh toàn diện nhận được sự quan tâm và thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp được thực hiện ổn định, hạn chế tối đa tình trạng chạy trường, chạy lớp. Riêng công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm, trong 5 năm qua đã kết nạp gần 3.000 đảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, tăng cường giáo dục lý tưởng, cách mạng, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, hiện TP có 1.208 trường mầm non với 100% giáo viên đạt chuẩn, 63,4% giáo viên trên chuẩn. Sau 3 năm triển khai thí điểm, đề án giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi đã thực hiện đại trà tại 24 quận, huyện với 201 trường, 403 nhóm lớp. Ngoài ra, TP cũng triển khai thí điểm đề án “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ ở Khu công nghiệp - Khu chế xuất” tại quận 7, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Củ Chi với 514 trẻ. Hiện nay, 100% học sinh mầm non đều được sinh hoạt, học tập cả ngày trong trường.
Ở bậc tiểu học có 72,29% học sinh được học 2 buổi/ngày. Tất cả các trường đều quan tâm đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, 96,7% trên chuẩn. Năm học 2018-2019 sẽ có 100% học sinh được học tiếng Anh từ lớp 1.
Đối với giáo dục trung học, 100% giáo viên đạt chuẩn, số giáo viên trên chuẩn bậc THCS là 85,3% và bậc THPT là 19,4%. Trường phổ thông phối hợp với các trường cao đẳng, chuyên nghiệp đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả như tổ chức cho học sinh tham quan cơ sở kinh doanh, sản xuất, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tiết học ngoài nhà trường tại bảo tàng, khu di tích, thảo cầm viên, khu công nghệ cao... được triển khai ngày càng sâu rộng.
Về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, TP hiện có 80 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 22 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD-ĐT và chuẩn đánh giá của các tổ chức quốc tế, có 57 ngành được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 29 -NQ/TW, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cũng nêu ra những khó khăn hiện nay của ngành giáo dục – đào tạo TP. Đó là tốc độ dân số cơ học quá cao nên dù đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, cải tạo trường lớp nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu giảm sĩ số, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Chương trình đào tạo của các trường sư phạm vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới. Nhiều cán bộ, giáo viên chưa thích ứng, chậm đổi mới, đổi mới giáo dục nhìn chung còn chậm so với đổi mới kinh tế...
Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay giữa đoàn công tác Trung ương với Thành ủy TPHCM
Đề cập đến nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 -NQ/TW thời gian tới, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, TP xác định giáo dục – đào tạo là động lực quan trọng để TP phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030, hệ thống giáo dục – đào tạo TP được chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, đưa TPHCM trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á...
Để đạt mục tiêu trên, TP thực hiện xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị thiết yếu và hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ.
Riêng vấn đề đang được xã hội khá quan tâm mỗi đầu năm học mới là tình trạng lạm thu diễn ra ở các cơ sở giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay TP đang có chủ trương mở rộng các hình thức học tập đổi mới và sáng tạo, tổ chức cho học sinh tiếp cận môi trường xung quanh, tiếp cận các chương trình, phần mềm và phương pháp giáo dục hiện đại. Song, có một thực tế là để triển khai hiệu quả các hình thức học tập đổi mới này, các trường phải tiến hành xã hội hóa vì 20% nguồn chi ngân sách theo quy định (80% trả lương cho giáo viên, 20% chi cho các hoạt động còn lại) không đủ đáp ứng. Tuy nhiên, để tránh lạm thu, tạo dư luận không tốt trong xã hội, năm học nào Sở cũng tổ chức rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về thu chi, đảm bảo không có trường hợp thu các khoản ngoài học phí đổ đồng phụ huynh.
Về góp ý kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM kiến nghị nên giữ nguyên kỳ thi "2 trong 1" nhưng đề cao hơn nữa tính nghiêm túc, tổ chức đề thi có độ khó đồng đều qua các năm, gia cố ngân hàng đề thi để tạo niềm tin trong xã hội.
|
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu tại buổi làm việc. |
Ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ, cán bộ đảng viên và nhận thức của toàn xã hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đồng chí, việc quan tâm đồng đều ở tất cả bậc học là cần thiết nhưng cần đặc biệt quan tâm bậc mầm non. Trong đó, vấn đề đầu tư, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là vấn đề chuẩn hóa, đạt chuẩn và vượt chuẩn cần được quan tâm đẩy mạnh.
Theo SGGP