Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 9/3/2009 22:53'(GMT+7)

Để Chính phủ “tiếp” dân 24/24h

 

Năm 2008, chỉ số về sự sẵn sàng Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2005, xếp hạng 91/192 nước. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từ khi Liên Hợp Quốc xây dựng báo cáo đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử, trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN giảm bậc: Philippines giảm 25 bậc; Thái Lan, Singapore và Myanmar cùng giảm 16 bậc. Tuy vậy, nhìn vào thực tế Chính phủ điện tử ở Việt Nam chưa phải đã có mức phát triển ngang bằng.

Thực ra khái niệm Chính phủ điện tử mới chỉ được biết đến ở Việt Nam từ khoảng năm 2000 – 2001, trong khi một số nước trong khu vực như; Hàn Quốc, Singapore ở thời điểm đó đã phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao nhất: Gần như 80% mọi giao dịch giữa chính quyền với công dân đều được thực hiện qua mạng.

Vậy mà 4 năm sau, chúng ta đã được xếp trong danh sách 100 nước nỗ lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công dân và sau 7 năm, năm 2008 tăng thêm 14 bậc. Thành tích này có được là do vài năm trở lại đây, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước đã được cải thiện đáng kể. Tăng thêm 14 bậc là dấu ấn không thể quên, nhưng không vì thế mà thỏa mãn.

Tại Hàn Quốc hay Singapore, một công dân dù đang du lịch ở đảo Hawaii vẫn có thể hoàn tất mọi thủ tục lập doanh nghiệp qua mạng Internet bởi phần lớn các thông tin liên quan tới công dân đó, nếu đã một lần khai báo với bất cứ cơ quan Nhà nước nào thì đều được máy tính điền tự động.  Như vậy, có thể thấy thông tin, cơ sở dữ liệu ở các cơ quan Nhà nước tại các quốc gia này gần như thông suốt với nhau. Thậm chí, nhiều nước đã hình thành đầy đủ hệ thống dữ liệu về công dân để khi công dân xuất hiện tại một “cổng điện tử” nào đó, thì cơ quan đó đã lập tức có ngay dữ liệu về công dân của mình để phục vụ.

Đối với nước ta, để làm như vậy, rõ ràng quy trình xử lý công việc của từng cơ quan nhà nước phải chuẩn, phải rõ ràng và đặc biệt phải được tin học hóa để thông suốt với nhau. Gần 20 triệu người sử dụng internet có nghĩa là gần 20 triệu công dân khi giao tiếp với cơ quan chính quyền phải được tiếp cận “cửa” tiếp dân 24/24h. Công dân có thể qua “cửa” đó để biết yêu cầu của mình đã hoặc đang được bộ phận nào xử lý, kết quả như thế nào một cách tường tận.

Từ lâu, Chính phủ điện tử đã được coi là mục tiêu hướng tới của các cơ quan công quyền mà để đạt được mục tiêu đó yêu cầu phải có những thay đổi liên quan tới bộ máy, tới con người với những giải pháp rất đồng bộ: Từ yêu cầu cải cách hành chính đến yêu cầu phải công khai, minh bạch cả quy trình thủ tục. Chỉ riêng mấy chữ “công khai, minh bạch”, cũng không phải dễ thực hiện với một bộ phận công chức lâu nay còn nặng tính quan liêu, “hành là chính”. Mặt khác, yếu tố ngại thay đổi khi tiếp cận với công nghệ thông tin cũng là một trở ngại với những công chức lớn tuổi.

Theo thống kê, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đến thời điểm này đều đã hiện diện điện tử bằng trang thông tin riêng giao tiếp với dân, với doanh nghiệp nhưng phần nhiều vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin một chiều mà thông tin lại cũng chưa thật đầy đủ, cập nhật. Dịch vụ công cung cấp qua mạng còn quá ít ỏi và chưa tới được các vùng nông thôn…

Từng có những ý kiến lo ngại rằng: Lộ trình triển khai Chính phủ điện tử ở nước ta chậm do chúng ta chưa có nhiều công dân điện tử. Bài học phát triển phi mã của thuê bao di động hay việc đưa internet vào Việt Nam với 20 triệu người sử dụng trong vòng 11 năm cho thấy lo ngại này là không thực tế. Thử hình dung: nếu chỉ ngồi ở nhà bên máy tính nối mạng hay đến một điểm internet công cộng mà có thể giao tiếp với chính quyền thì người dân sẽ chẳng dại gì mà khăn gói lên huyện, lên tỉnh để giải quyết thủ tục giấy tờ.

Cái mới như Chính phủ điện tử bao giờ cũng khó nhưng nhiều khi lại là một động lực nếu người đứng đầu bộ, ngành đó quyết tâm làm. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp có thói quen nhận tin tức, điều hành công việc qua thư điện tử. Vậy là từ Thứ trưởng, Vụ trưởng tới các chuyên viên lâu năm nhất cũng phải học cách sử dụng máy tính để báo cáo công việc với Bộ trưởng. Đến bây giờ, Bộ Công thương vẫn là một trong những cơ quan Chính phủ có độ sẵn sàng điện tử cao nhất, sẵn sàng cho những dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Suy rộng ra từ câu chuyện của Bộ Công thương, nếu lãnh đạo Bộ, ngành nào cũng sẵn sàng trả lời trực tuyến, đẩy mạnh cải cách, cung cấp dịch vụ công qua mạng thì mức độ sẵn sàng điện tử của các cơ quan Chính phủ nói chung cũng sẽ được nâng cao.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông), đến năm 2010, Việt Nam sẽ xây dựng Chính phủ nối mạng, chuyển dần thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy, môi trường không nối mạng sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử, môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp. Các thủ tục hành chính chuyển dần sang hình thức một cửa, tăng cường đối thoại trực tuyến với người dân./

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất