Ngày 3/3 tại Hà Nội, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản khai mạc hội thảo về Bảo hộ sở hữu trí tuệ, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Singapore.
Đây là cơ hội để Việt Nam và các nước trong khu vực trao đổi kinh nghiệm nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi công tác này.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đánh giá: Trong thời đại nền kinh tế tri thức chiếm ưu thế, sở hữu trí tuệ đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình là một công cụ đắc lực đối với tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, nhiều quốc gia đã có những chính sách, kế hoạch hành động toàn diện nhằm không ngừng nâng cao năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước và tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia mình trên trường quốc tế. Trong xu thế chung đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang có những nỗ lực nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Luật sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 2005, tiếp theo đó là một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đến nay, pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ đã khá đầy đủ để bảo vệ một cách thỏa đáng quyền của các chủ thể có liên quan đến vấn đề này, đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và các cam kết quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn còn tồn tại cần sự hợp lực của các ngành, các cấp cũng như mọi thành phần xã hội. Thực tế cho thấy, số vụ vi phạm và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang ở mức cao và diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên các vi phạm được giải quyết theo biện pháp hành chính vẫn là chủ yếu, không phù hợp với xu thế chung trên thế giới./.
(Theo VOVNews)