Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 28/4/2012 14:37'(GMT+7)

Để Chương trình tín dụng HSSV đạt hiệu quả cao

Chương trình tín dụng đối với HSSV đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là đối với nhân dân ở các vùng nông thôn.

Chương trình tín dụng đối với HSSV đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là đối với nhân dân ở các vùng nông thôn.

Nhiều biện pháp đồng bộ để giải ngân vốn vay

Hơn 4 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Bình đã triển khai khá tốt chương trình vay vốn ưu đãi dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình cho biết, từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV có hiệu lực thi hành (1/10/2007) thì doanh số cho vay đã đạt 1.445.325 triệu đồng (gần xấp xỉ với doanh số cho vay của 10 năm trước đó). Đã có hơn 75.000 HSSV được hưởng nguồn vốn này của Nhà nước.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Khẩn phải kể đến những biện pháp đồng bộ, kịp thời mà NHCSXH Thái Bình đã thực hiện ngay từ khi khởi động Chương trình tín dụng HSSV. Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị triển khai về tín dụng đối với HSSV tới các cấp chính quyền, các ban, ngành và các tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo; Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh tuyên truyền sâu, rộng chủ trương, chính sách đến nhân dân, HSSV bằng nhiều chương trình thực tế, phóng sự đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, thông qua đội ngũ cán bộ Tổ chức hội nhận dịch vụ ủy thác và các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn để phổ biến trực tiếp tại các địa bàn dân cư; niêm yết công khai chủ trương, chính sách tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi và thiết lập “đường dây nóng” tại chi nhánh NHCSXH và các Phòng giao dịch... Bởi thế, chính sách này đã đến được từng thôn xóm, từng hộ gia đình.

“Ngân hàng rất coi trọng công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, tuyên truyền qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại thôn xóm. Thông qua đó, Ngân hàng cũng giải thích cho người dân hiểu ý nghĩa của Chương trình để người dân tích cực trả nợ, quay vòng vốn nhanh, tạo điều kiện cho những người khác tiếp tục được vay vốn học tập”, ông Khẩn chia sẻ.

Chương trình tín dụng HSSV cũng đã giúp cho nhiều gia đình nghèo ở tỉnh Long An tiếp tục cho con em đến trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thuấn, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Long An cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên việc triển khai Chương trình tín dụng HSSV luôn được thông suốt.

Cùng với đó, Ngân hàng cũng phối hợp với chính quyền địa phương, liên hệ với các trường trên địa bàn nắm số lượng HSSV trúng tuyển hàng năm và số HSSV hiện có trên địa bàn để xác định nhu cầu vay vốn theo đúng đối tượng, lập kế hoạch tín dụng và phân bổ vốn về cơ sở kịp thời.

Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng thành lập các đoàn công tác thường xuyên đi cơ sở và thông qua các cuộc họp giao ban với các tổ chức hội, đoàn thể nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để xem xét, tháo gỡ kịp thời.

Một trong những biện pháp Ngân hàng đã áp dụng là việc thực hiện điểm giao dịch tại xã và tổ chức các tổ giao dịch lưu động tại xã để tạo điều kiện giải ngân nhanh và tiết giảm chi phí cho người vay đi giao dịch với ngân hàng.

Nhờ đó, trong Quý I/2012 Ngân hàng đã giải ngân 37.295 triệu đồng, với hơn 33 nghìn đối tượng được vay vốn, trong đó tỷ lệ hộ khó khăn chiếm khoảng 61%. Đến nay đã có một số sinh viên ra trường có công ăn việc làm và gia đình đã trả nợ đúng hạn góp phần bổ sung nguồn vốn để cho vay.

Nhận định về hiệu quả của Chương trình tín dụng HSSV trong thời gian qua, Giám đốc NHCSXH Nam Định Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Chủ trương này đã giúp hỗ trợ cho một bộ phận không nhỏ học sinh sinh viên trong hoàn cảnh gia đình nghèo, có thu nhập thấp, giúp họ có đủ kinh phí để theo học các bậc học khác nhau kể cả đào tạo nghề để có thể có một việc làm ổn định, thoát khỏi đói nghèo“.

Tổng dư nợ đến ngày 31/3/2012 của NHCSXH tỉnh Nam Định là 1.173.531 triệu đồng, chiếm tới 58% tổng dư nợ các chương trình tín dụng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV khi sử dụng vốn vay và hỗ trợ cho gia đình khi vay, chuyển tiền cho HSSV không phải chịu chi phí, NHCSXH tỉnh Nam Định đã phối hợp các ngân hàng khác tổ chức triển khai, hướng dẫn việc mở thẻ ATM cho HSSV tới các tổ Tiết kiệm và Vay vốn; tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích thiết thực của việc giải ngân qua thẻ ATM. Đến nay đã có 9 huyện thực hiện cho vay qua thẻ với doanh số cho vay chiếm 40% tổng doanh số giải ngân HSSV, trong đó có 2 đơn vị là Phòng Giao dịch Trực Ninh và Nam Trực đã thực hiện giải ngân học kỳ II năm học 2011 – 2012 qua thẻ đạt 100%.

Nghệ An là một trong những tỉnh có tín dụng HSSV cao trong hệ thống NHCSXH. Thực hiện phương châm “Giao dịch tại xã, giải ngân tận hộ, đến ngày 18/4/2012 tổng dư nợ do NHCSXH Nghệ An thực hiện là 2.818.000 triệu đồng, đã có gần 180 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Bên cạnh việc thực hiện công khai, dân chủ trong quy trình xét chọn đối tượng vay, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để khắc phục, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã triển khai kịp thời, nghiêm túc việc tổ chức thu lãi hàng tháng đối với các hộ gia đình có điều kiện, tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn, nhằm tạo ý thức trả nợ dần cũng như giảm áp lực trả nợ cho người vay khi đến hạn. Đồng thời với đó, Ngân hàng cũng đã thực hiện chính sách giảm lãi 50% cho các trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn. Chủ trương này đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.

Theo Giám đốc Lê Xuân Tỵ, Chương trình tín dụng HSSV là chương trình mang tính thời vụ cao, thường vào đầu năm học nên để có đủ nguồn vốn giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV, trong một số thời điểm, NHCSXH Nghệ An đã chỉ đạo tạm ngừng cho vay các chương trình khác để tập trung nguồn vốn cho chương trình này. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn huy động tối đa con người, cơ sở vật chất, phương tiện để giải ngân nhanh nguồn vốn, cố gắng “không để bất kỳ một sinh viên nghèo nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí“.

Cần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bất cập

Tín dụng HSSV là một chương trình lớn và lâu dài nên trong quá trình thực hiện, ngoài những thuận lợi, các ngân hàng cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định cho biết, Chương trình tín dụng HSSV có đối tượng vay rộng, mang tính đặc thù cao, phân tán, cho vay đến từng hộ gia đình với những món vay nhỏ lại tập trung mỗi kỳ vào khoảng 2 tháng và mức vay thay đổi từng thời kỳ nên cán bộ NHCSXH phải làm thêm ngoài giờ nhiều; thu nợ dần làm nhiều lần và ưu tiên giảm lãi cho những hộ vay trả nợ trước hạn nên việc theo dõi của NHCSXH cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Ngoài ra, việc thống kê nắm bắt số lượng HSSV thuộc đối tượng vay vốn là công việc khó khăn, phức tạp, vào các kỳ tuyển sinh, học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng tại các trường, các địa phương trong cả nước dẫn đến việc kế hoạch hoá nguồn vốn cho vay nhiều khi bị động.

Với NHCSXH tỉnh Thái Bình thì nhiều khi do việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách chưa kịp thời nên tiến độ giải ngân của ngân hàng bị chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Nhiều người dân phải vay với lãi suất cao trên thị trường để trang trải chi phí học hành cho con em mình, điều này cũng khiến Ngân hàng rất băn khoăn“, Giám đốc Tạ Tiến Khẩn bày tỏ.

Không những thế, theo ông Lê Xuân Tỵ, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An, việc xác nhận cho HSSV vay vốn tại nhiều trường còn chậm khiến cho việc thực hiện hồ sơ vay vốn kéo dài, ngân hàng khó chủ động được kế hoạch. Một số nơi vẫn còn xác nhận chưa đúng thẩm quyền, thông tin trên mẫu còn để HSSV tự khai, thiếu tính chính xác hoặc khai không đầy đủ (thiếu mã trường, mã sinh viên, không xác định rõ thời gian kết thúc khoá học…..) khiến cho việc khai báo thông tin HSSV tại ngân hàng rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc quản lý, thống kê số liệu, xác định kỳ hạn trả nợ…

Theo phản ánh của các ngân hàng thì một bất cập chung mà nhiều ngân hàng gặp phải đó là mặc dù điều kiện vay vốn đã được quy định cụ thể nhưng ở nơi này, nơi kia việc bình xét còn mang tính nể nang, chưa đảm bảo tính chính xác; việc kiểm tra, giám sát của đơn vị chức năng đối với hoạt động này chưa thực sự được quan tâm.

Các cơ sở đào tạo phần lớn chỉ nắm được số học sinh được xác nhận, nhưng chưa nắm được số học sinh được vay vốn, dẫn đến khó khăn trong việc yêu cầu các học sinh năm cuối ký cam kết trả nợ ngân hàng.

Dựa trên những vấn đề thực tế gặp phải trong quá trình thực hiện Chương trình, các Ngân hàng đều mong muốn các tổ chức xã hội, đoàn thể, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa để việc giải ngân cũng như thu nợ đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó Nhà nước, Chính phủ có thể xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình có từ 2 con đang đi học trở lên, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình giải tỏa được gánh nặng về tài chính.

Nhưng trên hết, các ngân hàng đều xác định cố gắng làm tốt nhất công tác giải ngân để Chương nhân văn này đến được với đông đảo những gia đình thực sự có nhu cầu, góp thêm niềm tin của người dân vào những chính sách an sinh thiết thực của Chính phủ.

“Với chúng tôi, công việc này không chỉ là một nhiệm vụ mà đó còn là một cách để góp phần mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những sinh viên nghèo đang khát khao thoát nghèo bằng con đường học tập. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, chính quyền và cả cộng đồng trên mọi miền đất nước“, ông Nguyễn Thuấn, Giám đốc NHCSXH tỉnh Long An chia sẻ./.

(Thuý An/VGP News) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất