Chiều 18/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức họp tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch trên địa bàn Thủ đô.
Trong cuộc họp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng Luật Hộ tịch. Trong đó, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng thể chế, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm lĩnh vực hộ tịch từ cấp Trung ương đến địa phương đồng thời, ban hành chức danh Hộ tịch viên (trước đây gọi là Hộ lại) trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp nhằm chuyên nghiệp hóa công tác hộ tịch.
Hà Nội hiện có 714 cán bộ (chiếm 83%) cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã được tuyển dụng là công chức cơ sở và 100% cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã được hưởng lương theo ngạch bậc đào tạo.
Trong nhiều năm qua, việc giải quyết đăng ký hộ tịch cho người dân trên địa bàn thành phố cơ bản không để phát sinh những khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Trung bình hàng năm toàn thành phố khai sinh cho hơn 150.000 trẻ em; đăng ký kết hôn cho hơn 59.000 đôi nam, nữ; đăng ký khai tử gần 35.000 trường hợp (chưa tính các trường hợp đăng ký lại do việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được).
Ngoài ra, việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch, cấp lại bản chính giấy khai sinh, bản sao giấy tờ hộ tịch... đều được thực hiện có nề nếp, hiệu quả.
Theo phản ánh của cán bộ tư pháp các quận, huyện, các văn bản hiện hành đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Do đó, mặc dù khối lượng công việc ngày càng tăng nhưng các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội chưa để xảy ra tình trạng công dân có khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này. Riêng việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về hộ tịch thời gian qua đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân là từ những quy định còn thiếu rõ ràng trong Bộ luật Dân sự năm 2005.
Bất cập lớn nhất hiện nay là quyền thay đổi họ, tên của công dân chưa được đề cập đầy đủ dẫn đến vận dụng không thống nhất. Có nơi giải quyết quá chặt chẽ và cứng nhắc gây khó khăn cho người có yêu cầu chính đáng thay đổi họ, tên. Có địa phương lại vận dụng quá đơn giản, thậm chí là tùy tiện. Pháp luật về hộ tịch đã và đang có những quy định mở rộng các quyền dân sự của công dân trong đăng ký, quản lý hộ tịch, cụ thể là đã công nhận quyền cam đoan và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của công dân. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 lại chưa có quy định này. Do đó, yêu cầu cấp bách từ tình hình thực tế hiện nay là cần sớm ban hành Luật Hộ tịch để cán bộ tư pháp cơ sở sớm có hướng dẫn thống nhất, chuẩn mực để vận dụng thực hiện kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi đăng ký hộ tịch./.
TTXVN