Thứ Sáu, 20/9/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 26/1/2020 10:4'(GMT+7)

Để đại hội các Hội văn học nghệ thuật thực sự là ngày hội

Diễn xướng sử thi và trường ca dân tộc Thái vùng Tây Bắc tại Lễ hội Xên mường Mường Thanh. (Ảnh minh họa: Báo Điện Biên Phủ)

Diễn xướng sử thi và trường ca dân tộc Thái vùng Tây Bắc tại Lễ hội Xên mường Mường Thanh. (Ảnh minh họa: Báo Điện Biên Phủ)

1. Ngày 22-1-2019, Ban Bí thư Trung ương đã ra Chỉ thị số 31-CT/TW về Đại hội các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025/2026 (Chỉ thị 31).

Chỉ thị 31 của Ban Bí thư nhấn mạnh: Đại hội các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là một sinh hoạt chính trị - nghề nghiệp của văn nghệ sỹ, nhưng luôn được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mỗi một kỳ đại hội của các Hội là một cột mốc đánh dấu quá trình phát triển của các ngành nghệ thuật Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã có Hướng dẫn số 87-HD, ngày 25-3-2019 để thực hiện chỉ thị này.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng ban, năm 2019 theo Kế hoạch diễn ra 4 đại hội của các Hội gồm: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam.

Trong số 4 Hội tiến hành Đại hội trong năm 2019, thì Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là những hội có bề dày truyền thống hơn cả, từng là thành viên sáng lập trong mái nhà chung của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (ngày  25-7-1948) tại Chiến khu Việt Bắc. Trước đó, từ khi Hội Văn hoá cứu quốc ra đời (1943) đã có nhiều nhà văn, nghệ sỹ, hoạ sỹ tham gia cách mạng, hình thành nên những nhân tố cốt yếu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong kháng chiến.

Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tuy ra đời muộn hơn nhưng suốt chặng đường kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước đã có nhiều đóng góp to lớn với những tên tuổi như nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, các nhà văn nhà thơ tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số (như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Điêu, Y Điêng...) mà nhiều sáng tác của họ đã trở thành những tác phẩm văn học tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử.

Hơn 80 năm qua, mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Dưới ánh sáng của Bản đề cương văn hóa (1943) của Đảng, mặt trận văn học nghệ thuật được coi là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng - văn hóa, đúng như Bác Hồ đã khẳng định “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (1951). Chính vì lẽ đó, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của cách mạng, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, cùng với nó là tổ chức Hội luôn được các cơ quan của Đảng, Nhà nước quan tâm.

Cũng vì lẽ đó, trong Chỉ thị 31 của Ban Bí thư, bên cạnh yêu cầu các Hội cần chú trọng làm rõ những mặt ưu điểm, khuyết điểm trong nhiệm kỳ vừa qua của từng hội, cần tập trung chỉ rõ các khuynh hướng VHNT trong tình hình, bối cảnh mới, trên cơ sở đó vạch rõ phương hướng hoạt động nhằm đáp ứng với mục tiêu Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

2. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, có thể thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn cả về kinh phí hoạt động và tác động của cơ chế thị trường, song về căn bản, các hoạt động mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh và văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số vẫn duy trì sự ổn định, có bước phát triển.

Mỗi năm, các chuyên ngành nhiếp ảnh, mỹ thuật đã tổ chức được hàng trăm cuộc triển lãm tập thể và cá nhân. Các cuộc triển lãm này đều gắn liền với những sự kiện lớn, trọng đại của đất nước. Nhiều cuộc triển lãm ở khu vực đã thu hút hàng ngàn người xem. Các tác phẩm ảnh, mỹ thuật gắn với chủ đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn với hoạt động lao động, đổi mới đất nước, gắn với người chiến sỹ, với chủ đề biển đảo, môi trường có tác động sâu sắc tới tâm lý người xem.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngành sân khấu với nòng cốt là các đoàn nghệ thuật của nhà nước và các đoàn nghệ thuật tư nhân vẫn duy trì hoạt động. Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam kết hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương thường xuyên tổ chức hội diễn dành cho các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, hát bội, đàn ca tài tử, múa rối, xiếc. Mỗi năm đều xuất hiện những tiết mục mới, các tác phẩm được cải biên, sáng tạo sâu hơn, có cách nhìn mới, được công chúng đón nhận.

VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã xuất hiện nhiều tác giả trẻ là người các dân tộc thiểu số. Một số nhà văn, nhà thơ trẻ, hoạ sỹ trẻ, nhạc sỹ trẻ đã có nhiều tác phẩm phản ánh về mảnh đất, con người miền núi trong công cuộc đổi mới. Hình ảnh về con người nông thôn mới cũng như những hệ quả của quá trình công nghiệp hóa nông thôn miền núi cũng đã xuất hiện trong một số tác phẩm. Đồng hành với nó là thái độ tích cực của tác giả tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những tiêu cực, chống lại cái ác, cái xấu, những tệ nạn, hủ tục mới ở nông thôn, miền núi. Một số tác phẩm đã được dựng thành phim.

Một điều đáng ghi nhận qua các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu là không ít tác giả đã có sự tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, kết hợp phong cách truyền thống với hiện đại, điều đó cùng với những tiện ích từ các phương tiện truyền thông đã đưa tác phẩm đến với công chúng trẻ một cách nhanh và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, qua thực tiễn của các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, VHNT các dân tộc thiểu số nhiệm kỳ qua cũng bộc lộ một số khuynh hướng “loạn chuẩn” và những mặt yếu kém. Đó là sự xa rời thực tiễn, thoát ly đời sống của một số văn nghệ sỹ, đặc biệt là điều này lại được biểu hiện qua những sáng tác tại các kỳ triển lãm, liên hoan, sân khấu. Hiện thực cuộc sống của đất nước qua hơn 30 năm đổi mới có nhiều đổi thay tích cực, tốt đẹp; xuất hiện nhiều hình tượng con người mới, mô hình cuộc sống mới ở nhiều địa phương. Song điều này dường như chưa tạo ra sức hút lớn đối với một số văn nghệ sỹ, khi mà cách thể hiện của họ vẫn còn hời hợt, cách tư duy còn theo lối mòn cũ, chưa phát hiện và làm bật ra sức mạnh nội lực bên trong con người cũng như những xúc cảm, tình cảm mà cuộc sống đem lại.

Nghệ thuật sân khấu truyền thống rất được Nhà nước quan tâm vì đó là vốn quý của dân tộc. Song về cơ bản các nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo, hát bội, cải lương, rối,... có lúc, có nơi bị mai một, thiếu kinh phí để hoạt động, thiếu các vở diễn mới, thiếu vắng người xem.

Công tác đào tạo văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số vẫn đang có những hụt hẫng và thiếu vắng những tài năng trẻ. Vẫn còn không ít văn nghệ sỹ trẻ không mấy quan tâm tới tổ chức Hội mà chỉ chuyên tâm làm nghề, kiếm sống.

Thị trường tranh, ảnh tư nhân phát triển mạnh qua các galery, triển lãm... nhưng dường như mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ thị hiếu và giải trí của một nhóm, một bộ phận người xem, mà chưa thực sự quan tâm tới công chúng rộng rãi.

3. Tiếp nhận Chỉ thị 31 của Ban Bí thư, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã chủ động, tích cực chuẩn bị cho công tác Đại hội, trong đó tập trung chuẩn bị các báo cáo, sửa đổi điều lệ và công tác nhân sự.

Cho tới nay các Hội đều đã tổ chức xong đại hội cơ sở, bầu đủ số lượng đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Được sự quan tâm của các tỉnh và thành phố, đại hội cơ sở cơ bản được tổ chức tốt. Mỗi Hội đều tiếp thu hàng chục ý kiến của các đại biểu vùng miền đóng góp cho đại hội cấp Trung ương. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, công khai sáng tạo, các chức danh Ủy viên Ban chấp hành, Phó Chủ tịch Hội và Chủ tịch Hội được các hội viên cho ý kiến rất sôi nổi từ cơ sở.

Đến tháng 12-2019, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo thành công Đại hội Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam; đã bầu ra Ban chấp hành mới. Còn Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam lùi đại hội sang tháng 1-2020 vì những lý do khác nhau.

Nhìn chung, 2 đại hội của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các bước quy trình theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện theo đúng Kết luận số 58/KL của Ban Bí thư Trung ương ngày 12-9-2019. Chủ tịch mới của Hội là Hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn (67 tuổi). Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ thì đại hội của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam đều trực tiếp bầu Trưởng ban Kiểm tra. Tuy nhiên, ở Hội Mỹ thuật Việt Nam họa sỹ Mai Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Kiểm tra là làm trái với điều lệ và quy chế. Chắc chắn Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ phải sớm điều chỉnh về nhân sự Trưởng ban Kiểm tra để đúng với điều lệ Hội.

Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam về cơ bản cũng đã chuẩn bị xong đầy đủ các báo cáo và đã tiến hành xong đại hội cơ sở, nhưng bị chậm lại do công tác nhân sự chưa hoàn tất và cần phải giải quyết một số đơn thư khiếu kiện.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các hội VHNT còn lại và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tiến hành đại hội trong năm 2020 và năm 2021.

2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm diễn ra 7 đại hội của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, đó là: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Mỗi Hội VHNT đều có những đặc thù và yêu cầu riêng trong công tác chỉ đạo đại hội. Để các đại hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - nghề nghiệp và là ngày hội có ý nghĩa, đáp ứng Chỉ thị của Ban Bí thư, chắc chắn các Hội cần phải có sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương về mọi mặt ngay từ đầu năm mới để đại hội diễn ra thành công tốt đẹp./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất